3 triết lý quản trị hữu ích cho nhà khởi nghiệp
rong cuốn 50 Management ideas you really need to know, tác giả Edward Russell-Walling đã giới thiệu 50 triết lý quản trị hữu ích dành cho nhà khởi nghiệp, giúp biến ý tưởng kinh doanh thành kế hoạch khả thi.
Dưới đây là 3 trong số những triết lý quan trọng nhất, được đăng tải trên trang Inc-asean:
1. Chiến lược doanh nghiệp: Không cần trở thành tốt nhất. Hãy là chính mình
Michael Porter - nhà hoạch định chiến lược hàng đầu thế giới cảnh báo, nhà khởi nghiệp đừng biến mong muốn sản xuất, cung cấp sản phẩm tốt nhất thành mục tiêu hay chiến lược kinh doanh của công ty. Thay vì vậy, hãy tập trung vào những chiến lược cụ thể và phát triển chúng dựa vào thế mạnh riêng.
2. Quản lý chuỗi cung ứng: Xem xét từng mối liên kết trong chuỗi
Triết lý này đòi hỏi bạn phải xem toàn bộ chuỗi cung ứng như một quy trình hoạt động liên tục, từ kiểm tra nguyên liệu đầu vào cho đến khâu vận chuyển sản phẩm tới tay khách hàng.
Loansolution.ph - một công ty chuyên kết nối khách hàng vay vốn tới các tổ chức tài chính có khả năng cho vay, trụ sở đặt tại Phillippines, đã bắt đầu nghiên cứu về khả năng cho vay của các ngân hàng và phát hiện ra một số nơi đã không đáp ứng kịp nhu cầu của khách hàng. Từ đó Công ty điều chỉnh lại mô hình kinh doanh, sàng lọc các khách hàng tiềm năng, kết nối họ với những ngân hàng, công ty tài chính phù hợp nhằm giúp họ nhận được khoản vay một cách nhanh chóng.
3. Lợi thế kinh doanh: Lên kế hoạch phát triển và đổi mới
Hãy suy nghĩ liệu mô hình kinh doanh hay năng lực cốt lõi của công ty bạn chỉ phù hợp với một sản phẩm đặc trưng nào hay không, liệu chúng có thể áp dụng được với một sản phẩm/dịch vụ nào khác trong tương lai.
Để giải thích rõ hơn triết lý này, cuốn sách thảo luận về những phân tích của Theodore Levitt - nhà kinh tế học người Mỹ, giáo sư bộ môn quản trị kinh doanh của trường đại học Harvard, liên quan đến nền công nghiệp điện ảnh và đường sắt của Mỹ trong giai đoạn sản xuất bị đình trệ.
Levitt chỉ ra nguyên nhân không phải do nhu cầu giảm mà vì sự xuất hiện ngày càng nhiều của các sản phẩm thay thế thời điểm đó. Các nhà kinh doanh đường sắt và phim ảnh đã phạm sai lầm khi vẫn áp dụng chiến lược chú trọng đến sản phẩm (doanh nghiệp định hướng sản phẩm) thay vì khách hàng (doanh nghiệp định hướng khách hàng).
Tại châu Á, nhiều nhà bán lẻ trực tuyến đã nắm bắt được xu hướng này và nhanh chóng thay đổi mô hình kinh doanh, thay vì trực tiếp bán hàng hóa, họ cung cấp cho khách hàng nhiều sự lựa chọn đa dạng. Họ chiến thắng nhờ biết tận dụng lợi thế và kịp thời đổi mới chiến lược kinh doanh.
Ý kiến của bạn