Sản phẩm vải lụa, khăn lụa tơ tằm nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc về Việt Nam đạt mốc 4.400 chiếc/9 tháng đầu năm 2017.

Lượng khăn lụa tơ tằm nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc về Việt Nam đạt mốc 4.400 chiếc/9 tháng đầu năm 2017. (Ảnh minh hoạ)

4.400 chiếc khăn "lụa Tàu" giá 30.000 đồng/khăn

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 2 năm 2015, 2016 và 9 tháng từ đầu năm 2017, Việt Nam đã nhập hơn 8.800 chiếc khăn tơ tằm Trung Quốc chính ngạch, trị giá 35.800 USD, tương đương 816 triệu đồng. 

Trong đó, năm 2015, Việt Nam đã nhập 3.763 chiếc khăn lụa từ Trung Quốc. Con số này năm 2016 là 577 chiếc. Đặc biệt riêng 9 tháng đầu năm 2017, lượng nhập khẩu khăn tơ tằm từ thị trường này tăng đột biến lên mức 4.400 chiếc, tương đương trị giá 134 triệu đồng.

Như vậy, theo số liệu 9 tháng đầu năm 2017, thì bình quân mỗi chiếc khăn nhập khẩu về thị trường Việt Nam có giá khoảng 30.000 đồng/chiếc. 

Về mặt hàng vải, từ đầu năm 2015 đến 9 tháng qua, Việt Nam đã nhập hơn 753.000 m vải tơ tằm. Trong đó, riêng 9 tháng đầu năm 2017 là 153.000 m, trị giá 534.000 USD.

Số khăn lụa và vải tơ lụa này nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam chủ yếu qua cảng hải quan Sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Hải Phòng, Cát Lái…Cụ thể, năm 2015, cửa khẩu hải quan Sân bay Tân Sơn Nhất nhập hàng nhiều nhất với trị giá hơn 1,8 triệu USD, cảng Hải Phòng đứng thứ 2 với hơn 1 triệu USD.

Sang năm 2016, cửa khẩu hải quan Sân bay Tân Sơn Nhất nhập hơn 1 triệu USD. Và 9 tháng năm 2017, Hải quan cảng Cát Lái và Sân bay Tân Sơn Nhất nhập nhiều nhất trị giá gần 500.000 USD.

"Hô biến" thành hàng Việt

Lượng nhập khẩu khăn và vải lụa tơ tằm tăng cao qua các năm khiến nhiều chuyên gia e ngại, cơn “địa chấn” hàng Trung Quốc có thể lấn át hàng Việt trên chính sân nhà. Nghiêm trọng hơn nữa là tình trạng “kim tiền thoát xác”, hô biến “hàng Tàu” thành hàng Việt. Nói như bà Vũ Minh Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao: “Hàng Trung Quốc bây giờ cũng biết thiên hạ sợ cái “gốc gác” của mình, nên đã kịp thời “kim thiền thoát xác” ngon ơ. Doanh nhân Thái than, các mặt hàng Trung Quốc dán nhãn hàng Thái, chui vào hội chợ Thái Lan ở Việt Nam tỉnh bơ". 

Cùng với đó, con số nhập khẩu diện chính ngạch của mặt hàng khăn tơ tằm và vải tơ tằm từ Trung Quốc về Việt Nam từ năm 2015 đến năm 2016 dù lượng nhập không thay đổi nhiều nhưng giá trị lại giảm nhanh từ con số 4 triệu USD, giảm còn 2,3 triệu USD, trong 9 tháng hiện chỉ là 1,2 triệu USD. 

Đặc biệt hơn, trong cơ cấu nhập khẩu của ngành dệt may, Việt Nam nhập một lượng lớn vải các loại, đây là các loại vải thành phẩm về Việt Nam để gia công, thiết kế (thậm chí nếu về tay các doanh nghiệp (DN) ngoại có công ty mẹ ở Trung Quốc, công ty con ở Việt Nam chỉ đính cúc, dập mác...).

Cụ thể, kim ngạch nhập vải các loại của ngành dệt may trong 9 tháng năm 2017 đạt 8,2 tỷ USD, chiếm gần 60% tổng giá trị nhập khẩu, riêng nhập vải từ Trung Quốc chiếm gần 55% (4,4 tỷ USD). Trong khi đó, cả năm 2016, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng vải về Việt Nam chiếm 10,5 tỷ USD, chiếm hơn 61% tổng kim ngạch các loại nguyên liệu ngành dệt may, da giày, riêng nhập khẩu vải từ Trung Quốc đã chiếm 5,5 tỷ USD (chiếm trên 52%) kim ngạch nhập khẩu vải từ các thị trường.

Con số tương đối là vậy còn nếu nhìn về giá trị tuyệt đối, kim ngạch nhập khẩu vải và nguyên liệu từ Trung Quốc so với cùng kỳ 9 tháng năm 2016 tăng khá mạnh. 9 tháng của năm 2016, nhập vải của các DN tại Việt Nam từ Trung Quốc chỉ đạt kim ngạch hơn 3,9 tỷ USD nhưng 9 tháng đầu năm 2017 lượng nhập mặt hàng này về Việt Nam đã tăng lên 4,4 tỷ USD, tăng 500 triệu USD sau 1 năm (11.400 tỷ đồng), mỗi tháng nhập 950 tỷ đồng.

Điều này cho thấy ngành dệt may đang phụ thuộc khá lớn vào nguồn nguyên liệu vải, lụa, nguyên liệu dệt may từ Trung Quốc. Đây sẽ là trở ngại lớn, thậm chí gây ảnh hưởng tiêu cực tới việc xây dựng thương hiệu truyền thống vốn đã rất ít ỏi của Việt Nam. Bởi muốn dệt may phát triển, nền tảng phải là công nghiệp vật liệu, tuy nhiên Việt Nam lại không có được điều này. Niềm tự hào của dệt may là vải Nam Định nay chỉ còn được sử dụng để may các sản phẩm đơn giản như đồng phục, khăn, tất. Cùng với đó, các làng nghề truyền thống cũng ngày càng mai một, thậm chí mất hẳn.