Áp lực lạm phát đã đáng lo?
Trong khi có một số rủi ro tăng giá, giá lương thực thực phẩm giảm nhẹ sẽ giúp kiểm soát lạm phát của Việt Nam...
11/03/2021 06:05
Khi triển vọng kinh tế toàn cầu được cải thiện, những lo ngại về biến động lạm phát cũng bắt đầu xuất hiện. Trùng hợp, đà lạm phát trong tháng 2/2021 của Việt Nam đã tăng cao nhất trong tám năm qua. Vậy Việt Nam có phải đối mặt với rủi ro về lạm phát trong năm 2021 hay không?
CUNG - CẦU CHƯA CÓ RỦI RO
Theo báo cáo mới nhất của Khối Nghiên cứu kinh tế HSBC, trong tháng 2 vừa qua, giảm phát biến mất nhanh hơn so với mong đợi của thị trường. Ngược lại, lạm phát toàn phần đã tăng 1,5% so với tháng trước.
Trong đó, những ảnh hưởng của Tết đóng vai trò quan trọng. Giá điện tăng mạnh cũng là động lực chính khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kết thúc chương trình hỗ trợ giá điện vào tháng 1. Ngoài ra, giá lương thực đang tăng và chi phí vận tải cao hơn cũng góp phần đẩy chỉ số lạm phát lên cao.
Trong tương lai, về giá điện, theo HSBC, biến động giá tháng 2 chỉ là sự điều chỉnh hành chính diễn ra một lần.
Về giá thực phẩm và chi phí vận tải, đây mới là những yếu tố cần được theo dõi chặt chẽ vì có tỷ trọng lớn trong rổ tính chỉ số giá tiêu dùng chung, với tỷ trọng lần lượt là 34% và 10%.
Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê, nếu không tính đến những biến động diễn ra trong dịp Tết, giá thịt heo chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái trong hai tháng đầu năm 2021.
Mặt khác, cho dù giá ngũ cốc toàn cầu tăng cao và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ nhưng tỷ trọng chỉ số giá tiêu dùng của mặt hàng này tương đối nhỏ (3,7%), do đó rủi ro tăng giá có thể được hạn chế.
"Nhìn chung, chúng tôi kỳ vọng giá thực phẩm sẽ giảm đáng kể sau khi năm ngoái đã có mức tăng 10%", nhóm nghiên cứu tại HSBC đánh giá.
Ngược lại, lạm phát sẽ có áp lực tăng từ giá vận tải cao hơn (HSBC dự báo giá dầu thô Brent tăng 34% lên 56 USD một thùng vào năm 2021). Song, việc giá cả vận tải tăng nhiều khả năng sẽ được giá lương thực tăng chậm hơn bù đắp, do tỷ trọng của giá vận tải trong chỉ số giá lạm phát tương đối nhỏ hơn.
Đấy là rủi ro lạm phát ở phía cung, còn rủi ro lạm phát từ phía nhu cầu? Theo HSBC, Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế có mức tăng trưởng tích cực trong năm 2020, nên lạm phát do nhu cầu trong nước được duy trì tương đối tốt. Sang năm 2021, nhu cầu trong nước sẽ được cải thiện nhưng thị trường lao động vẫn tiếp tục trì trệ sẽ làm hạn chế lạm phát từ phía nhu cầu.
TỶ GIÁ VẪN ỔN ĐỊNH
Ngoài các yếu tố cung và cầu, tỷ giá hối đoái cũng là một yếu tố khác có ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình lạm phát khi Việt Nam là quốc gia xuất khẩu các linh kiện thâm dụng nhập khẩu cao, tỷ lệ chuyển giao của tỷ giá ngoại hối của Việt Nam cao nhất trong khối ASEAN.
HSBC ước tính, việc giảm giá tiền tệ 100 điểm cơ bản có liên quan đến mức tăng khoảng 0,25 điểm phần trăm của lạm phát toàn phần của Việt Nam. Những đợt VND giảm giá mạnh trước đây có liên quan đến sự gia tăng của lạm phát.
Hiện tại, nhiều câu hỏi được đặt ra về triển vọng nào đối với VND khi phải đối mặt với chính quyền mới của ông Biden, vì Việt Nam được coi là một nước thao túng tiền tệ dưới thời chính quyền Trump vào tháng 12 năm ngoái.
Trong khi Bộ trưởng Bộ Tài chính mới của Hoa Kỳ, bà Janet Yellen, đã bày tỏ sự phản đối đối với những nỗ lực của quốc gia nào muốn thao túng tiền tệ của họ để đạt được lợi thế thương mại không công bằng.
Thế nhưng một diễn biến tích cực gần đây có thể mang lại một số tín hiệu lạc quan. Cụ thể, vào giữa tháng 1/2021, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ ông Robert Lighthizer đã kết luận rằng sẽ không có biện pháp trừng phạt cụ thể nào cho Việt Nam, mặc dù họ có thể thực hiện các cuộc điều tra theo mục 301.
Nhóm nghiên cứu tại HSBC cho rằng, sẽ có một kịch bản lành mạnh cho Việt Nam là cả Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ đi đến một thỏa thuận, hoặc thậm chí là một mốc thời gian liên quan đến việc cải cách dần dần chế độ tỷ giá hối đoái của tiền đồng.
"Tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục ổn định trong năm 2021, cuối năm sẽ ở mức 23.100 VND", HSBC đưa ra dự báo.
LẠM PHÁT 3%, TĂNG TRƯỞNG GDP 7%
Sau khi xem xét tất cả những yếu tố trên, HSBC kỳ vọng lạm phát của Việt Nam trong năm 2021 sẽ ở mức trung bình khoảng 3%, chủ yếu phản ánh tác động của việc điều chỉnh giá lương thực.
"Lạm phát sẽ duy trì dưới mức trần 4% sẽ cho phép Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ phù hợp trong suốt năm 2021. Theo đó, chúng tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ vẫn giữ nguyên lãi suất tái cấp vốn ở mức 4%", báo cáo của HSBC nhấn mạnh.
Đáng chú ý, trong đợt bùng phát dịch gần đây, nhờ vào việc thực hiện nhanh chóng một số biện pháp phong tỏa tạm thời hay cách ly xã hội nên số ca lây nhiễm trong cộng đồng của Việt Nam đã giảm đáng kể.
HSBC cho rằng đây là hành động đánh đổi kinh tế để hạn chế sự lây lan của bệnh dịch. Hoạt động di chuyển giảm mạnh sẽ gây ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi của các dịch vụ liên quan đến tiêu dùng.
Do đó, chỉ số GDP quý 1/2021 sẽ thấp hơn so với dự kiến. Đồng thời, HSBC giảm dự báo tăng trưởng hàng năm của Việt Nam từ mức 7,6% xuống còn 7%.
Ý kiến của bạn