CEO hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Á: Ý tưởng của tôi chả có gì mới, tôi thành công nhờ thỏa mãn khách hàng
Mua 1 công ty với giá 25 cent cùng khoản nợ 10 triệu USD, CEO hãng hàng không giá rẻ Air Asia sau đó đã biến đây trở thành đế chế kinh doanh khổng lồ. Đồng thời câu chuyện khởi nghiệp thành công này đã truyền cảm hứng cho rất nhiều hãng đối thủ xuất hiện.
Câu chuyện về ông chủ hãng hàng không Air Asia khiến nhiều người không khỏi khâm phục. Sau khi mua lại công ty đang trên bờ vực phá sản với giá 25 cent kèm theo khoản nợ lên tới 10 triệu USD, Tony Fernandes đã dần biến đây trở thành đế chế hàng không giá rẻ khổng lồ của châu Á.
Dưới đây là trích đăng bài phỏng vấn của CEO Tony với tờ Bloomberg:
PV: Thời trẻ khi còn ở Kuala Lumpur, ông ước mơ lớn lên mình sẽ làm gì?
Tôi muốn sở hữu một hãng hàng không. Tôi đã nói ước muốn này với cha mình và ông ấy nói rằng: “Chỉ cần con bước qua được người gác cửa ở khách sạn Hilton, cha đã mãn nguyện lắm rồi”. Đây chính xác là những lời ông nói. Tôi vẫn nhớ như in.
PV: Động lực nào khiến ông quyết định dấn thân vào lĩnh vực kinh doanh hàng không?
Tôi chứng kiến Ryanair và EasyJet – và họ làm rất dễ dàng. Nếu có thể mang một dịch vụ hàng không giá rẻ như vậy tới khu vực châu Á, tại sao không chứ? Giữa sự thông minh và ngu dốt luôn có một khoảng cách rất mỏng manh. Tuy nhiên, với tôi đây là sản phẩm hoàn hảo để làm du lịch hàng không giá rẻ. Ngoài ra còn có một số liệu thống kê khiến tôi bận tâm đó là: Chỉ 6% người dân Malaysia được bay. Như vậy là tôi có cơ hội với 94% thị phần.
PV: Lúc đó ông đang làm cho Richard Branson tại Virgin Communicationes và Warner Music phải không?
Đúng rồi, lúc đó tôi 34 tuổi. Nếu khởi nghiệp thất bại, tôi sẽ quay lại đó làm việc hoặc tìm một công việc khác. Nhưng tôi không muốn ngồi mãi trong văn phòng cho tới khi 55 tuổi để rồi thầm ước giá như mình đã cố gắng hơn. Khoảng thời gian đó nếu rời Warner và kiếm một việc khác, tôi có thể đã gắn bó cả đời với công việc văn phòng ở một công ty nào đó.
PV: Vì vậy tháng 12/2001, ông đột ngột mua một công ty với giá 1 ringgit (tương đương 25 cent) và chấp nhận gánh cả khoản nợ lên tới 10 triệu USD. Ông có thấy mình giống như đang kinh doanh một dịch vụ Uber trong lĩnh vực hàng không không?
Điều đó thật tuyệt. Tôi hy vọng cũng có ai đó hỏi Travis (CEO của Uber) rằng anh ấy có thấy dịch vụ của mình giống như Air Asia trong lĩnh vực taxi không.
Chúng tôi đang khai phá lĩnh vực hàng không ở một phạm vi khổng lồ - gần như là lĩnh vực độc quyền. Dịch vụ lại khá đắt đỏ và chỉ phục vụ một nhóm khách hàng. Kể từ sau khi Air Asia thâm nhập thị trường, nhiều hãng khác cũng đã nối gót và điều này khiến du lịch và dịch vụ di chuyển bằng đường hàng không trở nên tiện lợi và dễ tiếp cận hơn.
Tuy nhiên đây mới chỉ là bề nổi và vẫn còn nhiều khoảng trống phát triển phía trước nữa.
PV: Ông có thể nói rõ hơn được không?
Chỉ cần so sánh số lượng máy bay có tại châu Âu với số lượng máy bay có ở châu Á. Một tỷ lệ rất nhỏ. Nếu không tính Trung Quốc, thậm chí con số này còn nhỏ hơn nữa. Đấy là chưa kể ở châu Âu, bạn hoàn toàn có thể lái xe ô tô di chuyển từ nơi này tới nơi khác nhưng ở châu Á thì không thể làm như vậy. Chính vì thế, tiềm năng để phát triển thị trường vẫn còn rất nhiều.
Anh biết không, chủ tịch sân bay Quảng Đông, Trung Quốc đã mời tôi mở đường bay đến tỉnh Sán Đầu. Tôi hỏi: “Đó là nơi nào vậy?” Và ông ấy nói với tôi rằng đó là một thành phố ven biển của Trung Quốc với 8 triệu dân. Tôi nói ngay: “Chúng tôi sẽ mở đường bay đến đó” và hiện tại đường bay này khá đông khách.
PV: Lĩnh vực hàng không có thể lớn tới thế nào ở thị trường châu Á?
Tại châu Á, không có lý do gì mà một hãng hàng không lại không thể có tới 500 – 1.000 máy bay nếu tính cả Trung Quốc và Ấn Độ.
PV: Nhưng hiện tại chỉ có một hãng hàng không châu Á có 500 máy bay là China Southern?
Đúng rồi. Tuy nhiên nhìn vào châu Âu có thể thấy hiện tại có 5 - 6 hãng hàng không có 500 máy bay. Trong khi đó, sân chơi châu Á lớn hơn rất nhiều. Điều tôi đang muốn nhấn mạnh ở đây là chúng tôi mới chỉ bắt đầu mà thôi.
PV: Hiện tại câu chuyện khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực hàng không giá rẻ của ông đã nổi tiếng khắp châu Á và nó truyền cảm hứng cho rất nhiều đối thủ cạnh tranh mới xuất hiện.
Nếu ai đó có thể làm tốt hơn chúng tôi, chúng tôi sẽ kiên cường chiến đấu để vượt qua họ. Cạnh tranh là cách tốt nhất để giúp bạn có thêm động lực và trở nên tốt hơn. Bản thân tôi rất thích cạnh tranh.
PV: Liệu có hãng hàng không nào đánh bại Airasia chưa?
Có chứ, Lion Air tại thị trường Indonesia và chúng tôi đã học hỏi được rất nhiều điều. Tôi nghĩ Cebu Air cũng đang làm rất tốt ở thị trường Philippines. Dẫu vậy không ai có thể làm được như những gì mà chúng tôi đang thực hiện – đó là xây dựng một mô hình rộng khắp trên toàn châu Á.
Dĩ nhiên trong tương lai có thể có hãng hàng không làm được điều này. Ý tưởng của tôi không mới. Tôi học từ nhà sáng lập Southwest Airlines là Herb Kelleher, CEO Ryanair là Michael O’Leary và Stelios – nhà sáng lâp EasyJet. Không ai sở hữu bất kỳ ý tưởng độc quyền nào cả.
PV: Tầm nhìn dài hạn của ông là trở thành hãng vận chuyển hàng không giá rẻ lớn nhất châu Á. Hiện tại mục tiêu này đạt tới đâu rồi?
Chắc chắn hiện tại chúng tôi là hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Á. Air Asia có mặt khắp nơi từ Ấn Độ đến Nhật Bản – chúng tôi là hãng hàng không duy nhất có độ phủ rộng khắp. Chúng tôi có mặt cả ở thị trường nội địa của Ấn Độ và 5 thị trường khác cùng mạng lưới bay dày đặc ở Trung Quốc. Vì vậy mục tiêu của chúng tôi là có thể chiếm được từ 30 - 40% thị phần ở mỗi thị trường mà chúng tôi tham gia.
PV: Hiện Air Aisa có nhiều tiếp viên là nữ giới hơn các nữ phi công. Được biết ông đã nỗ lực rất nhiều để thay đổi điều này?
Hầu hết những vị trí quản lý cấp cao của Airasia hiện là nữ. Tỷ lệ có lẽ lên tới 50 – 50 và tôi cho đó là thành công lớn với một công ty châu Á. Là một tổ chức, nam và nữ phải được bình đẳng.
Công ty chúng tôi đã truyền cảm hứng cho nhiều hãng khác về quan niệm bình đẳng nam nữ trong công ty.
PV: Có điều gì đang cản bước họ không?
Tony: Áp lực từ xã hội. Có một sự phân biệt giới tính rất rõ ràng. Khi lần đầu tiên đề cập với một cơ trưởng của Air Asia về việc sẽ có một nữ cơ trưởng, tôi thậm chí không dám nhắc lại điều anh ta đã nói. Khá xấu hổ. Đâu đó vẫn còn những quan niệm rất cổ hủ.
Theo Tri Thức Trẻ
Ý kiến của bạn