CMC Telecom quyết chiếm lợi thế từ cáp quang
Công ty cổ phần Hạ tầng viễn thông CMC (CMC Telecom) đang đánh động thị trường viễn thông với việc bung sức đầu tư hạ tầng cáp quang.
CMC Telecom vừa khởi công xây dựng tuyến cáp xuyên Việt có tổng chiều dài gần 2.000 km, dung lượng 96FO, với 100 Gbps trên một bước sóng |
CMC Telecom là công ty con thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC (mã CMG, sàn HOSE), đây cũng là công ty duy nhất cung cấp hạ tầng viễn thông với 100% cáp quang.
Động thái gần đây nhất, trong tháng 2/2017, CMC Telecom vừa khởi công Dự ánĐầu tư xây dựng tuyến cáp xuyên Việt (CVCS). Tuyến cáp xuyên Việt này có tổng chiều dài gần 2.000 km, dung lượng 96FO, công nghệ mới nhất với 100 Gbps trên một bước sóng. Dự kiến, chi phí đầu tư cho tuyến cáp CVCS này là hơn 200 tỷ đồng và sẽ đưa vào sử dụng từ giữa năm 2017.
Theo bản đồ xây dựng dự án, tuyến cáp xuyên Việt này của CMC Telecom sẽ đi qua 20 tỉnh, thành phố lớn trên toàn quốc, kéo dài từ Bắc vào Nam như Hải Phòng, Thanh Hoá, Vinh, Huế, Quy Nhơn, Nha Trang… Với công nghệ 100 Gbps trên một bước sóng, CMC Telecom đặt kỳ vọng có thể nâng cao năng lực hạ tầng và mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ trên địa bàn rộng lớn hơn.
Trước đó chưa lâu, hồi tháng 12/2016, CMC Telecom cũng đã đưa vào khai thác tuyến cáp quang biển quốc tế APG. Tuyến cáp quang này có tổng chiều dài khoảng 10.400 km, có khả năng cung cấp băng thông tới 54Tb/s, mang lại tốc độ Internet nhanh hơn gần 20 lần so với cáp biển AAG. Ngoài CMC Telecom còn có các doanh nghiệp viễn thông lớn của châu Á như NTT Docomo (Nhật Bản), China Telecom (Trung Quốc) hay KT (Hàn Quốc)… cũng đồng sở hữu và khai thác tuyến cáp biển quốc tế APG.
Những động thái khuấy động liên tục của CMC Telecom hoàn toàn nằm trong chiến lược chung của công ty mẹ - Tập đoàn CMC, trong việc bung quân mạnh mẽ trong 3 mảng trụ cột chính. Vừa qua, Tập đoàn CMC cũng đã công bố chiến lược và thay đổi nhận diện thương hiệu, với 3 trụ cột chiến lược là Tích hợp hệ thống - dịch vụ công nghệ thông tin; Phần mềm; Viễn thông.
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn CMC cho biết, ngày nay có đến 8 tỷ thiết bị được kết nối Internet trên toàn thế giới. Theo dự báo, trong vòng 15 năm nữa, số lượng thiết bị kết nối sẽ lên tới 200 tỷ, hoặc thậm chí có thể nhiều hơn, gấp 25 lần so với dân số trên toàn thế giới. Đó chính là những điều thôi thúc CMC đổi mới trong nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp công nghệ cao.
Riêng đối với CMC Telecom, mặc dù đây chỉ là 1 trong số 7 công ty con - công ty thành viên trong Tập đoàn CMC, nhưng CMC Telecom nắm giữ một trong 3 trụ cột chính trong chiến lược chung của cả Tập đoàn. Do đó, động thái của CMC Telecom cũng được coi là những bước đi có tính quyết định trong việc xây dựng nền tảng của toàn bộ hệ thống CMC.
Hiện nay, CMC Telecom có lợi thế nằm ở cổ đông nước ngoài, vì đây là công ty hạ tầng viễn thông Việt Nam duy nhất có cổ đông chiến lược nước ngoài là TIME dotCom, với tỷ lệ nắm giữ lên tới hơn 45% cổ phần trong CMC Telecom. TIME dotCom là tập đoàn viễn thông lớn thứ 2 Malaysia. Đặc biệt, TIME là một doanh nghiệp có thế mạnh trong lĩnh vực cáp quang biển và công ty này đã đầu tư hàng trăm triệu USD cho hệ thống cáp quang biển trên toàn thế giới.
Kết quả kinh doanh quý III năm tài chính 2016 của Tập đoàn Công nghệ CMC:
CMC đạt 3.318 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 22% so cùng kỳ năm 2015 và đạt 114% kế hoạch.
Lợi nhuận trước thuế đạt 147 tỷ đồng, tăng 18% so cùng kỳ năm 2015 và đạt 109% so với kế hoạch.
http://baodautu.vn
Ý kiến của bạn