Các hiệp hội ngành hàng tính chuyện bắt tay liên kết để phát triển bền vững
Đại diện các hiệp hội ngành hàng, bao gồm: Dệt may, da giày, thủy sản, bông sợi, Hiệp hội các doanh nghiệp Nhật Bản đã cùng ngồi lại bàn chuyện liên kết để phát triển bền vững.
Tại Văn phòng Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) vừa diễn ra buổi gặp mặt giữa đại diện một số hiệp hội ngành hàng, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Diễn đàn kinh tế tư nhân (VPSF), Hiệp hội Da Giày và Túi xách Việt Nam (LEFASO), Hiệp hội Chế biến xuất khẩu Thủy sản (VASEP), Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam (VCOSA), Hiệp hội Len Việt Nam, Hiệp hội các doanh nghiệp Nhật Bản... để bàn về sự hợp tác, xây dựng nhóm liên kết các hiệp hội ngành hàng nhằm mang lại môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp.
Ông Đào Huy Giám, Tổng thư ký Diễn đàn kinh tế tư nhân VPSF khẳng định, tăng cường liên kết, phối hợp giữa các hiệp hội ngành hàng có cùng đặc điểm thâm dụng lao động và là những ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là đặc biệt cần thiết trong bối cảnh phát triển như hiện nay.
Đại diện các hiệp hội ngành hàng như: Dệt may, Da giày, Thủy sản, Bông sợi.., đã cùng ngồi lại để bàn chuyện liên kết với mục tiêu hỗ trợ hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy xuất khẩu |
Việc cùng liên kết nhau lại sẽ giúp các ngành hàng hỗ trợ nhau tốt hơn, bổ sung cho nhau để cùng phát triển trong sản xuất kinh doanh, xuất khẩu cũng như cùng đề xuất, kiến nghị những cơ chế chính sách còn bất cập, gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký VITAS cho hay, thời gian qua, việc liên kết giữa các hiệp hội ngành hàng đã mang lại những kết quả khá tích cực. Điển hình là việc phối hợp vận động bãi bỏ những quy định gây cản trở kinh doanh, xuất khẩu, qua đó, nhiều cơ chế chính sách của Nhà nước đã được bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc được tiếp thu, nghiên cứu để sửa đổi tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
“Tất nhiên, trong thời gian tới, để hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn, vẫn còn rất nhiều vướng mắc, mà để tháo gỡ, rất cần có chung tiếng nói của các hiệp hội để kiến nghị đến Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương”, ông Cẩm nói.
Các hiệp hội ngành hàng cũng đi đến quyết định về việc thành lập Ban liên kết các Hiệp hội ngành hàng với một cơ chế và chương trình hoạt động chặt chẽ hơn.
Mục tiêu của việc thành lập Ban liên kết các hiệp hội ngành hàng, trong đó bao gồm cả Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Diễn đàn Kinh tế tư nhân, nhằm làm cho Ban liên kết hoạt động có tổ chức, chuyên nghiệp, phối hợp nhịp nhàng và có sự liên kết đa chiều trong việc vận động chính sách để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động một cách tốt nhất.
Ban liên kết các hiệp hội ngành hàng cũng hướng đến việc mở rộng thêm các ngành hàng khác nhằm có được tiếng nói chung, có sức mạnh và đại diện được cho cộng đồng các doanh nghiệp trong việc tham vấn chính sách với các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là sẽ hướng đến đóng góp ý kiến từ khâu xây dựng văn bản pháp luật chứ không phải chỉ khi văn bản pháp luật đã có hiệu lực mà nảy sinh bất hợp lý gây ảnh hưởng khó khăn đến hoạt động của các doanh nghiệp.
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS với việc dệt may, da giày, thủy sản, bông sợi... đều là những ngành hàng có đóng góp rất lớn cho xuất khẩu. Đơn cử với dệt may, quy mô xuất khẩu lên tới 35 tỷ USD, năm 2017, mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 30 tỷ USD, ngành da giày cũng đặt mục tiêu 18 tỷ USD... thì các chính sách chưa thuận lợi, liên quan đến sản xuất kinh doanh nếu được kiến nghị, tháo gỡ kịp thời sẽ tạo động lực rất lớn cho các doanh nghiệp, kích thích doanh nghiệp mở rộng năng lực sản xuất... để đóng góp lớn hơn cho tăng trưởng xuất khẩu.
http://baodautu.vn
Ý kiến của bạn