Đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Thủ tướng Chính phủ về việc dừng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê tại Hà Tĩnh mới đây đã khơi mào cho một cuộc tranh luận về số phận của mỏ sắt được cho là lớn nhất Đông Nam Á này.

p/Công trường khai thác mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh. Ảnh: PV.

Công trường khai thác mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh. Ảnh: PV.

Thạch Khê sẽ dừng?

Ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được đưa ra sau khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ này thẩm định về khả năng thực hiện dự án, trước khi quyết định đồng ý chi tiếp tục dự án đã nằm im bất động trong suốt 6 năm qua hay không.

Theo kết quả rà soát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau hai lần điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư từ hơn 14.500 tỷ đồng xuống còn gần 12.200 tỷ đồng, năng lực tài chính của chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê vẫn không đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư theo tiến độ. Đồng thời, dự án cũng chưa dự báo giá quặng sắt trong dài hạn. Hiện, Tập đoàn Hòa Phát đã ký thỏa thuận nguyên tắc mua quặng sắt Thạch Khê giai đoạn từ năm 2017 tới năm 2021, với khối lượng khoảng 3 triệu tấn/năm, giai đoạn sau đó chưa có cam kết cụ thể. Do đó, phương án tiêu thụ quặng sắt Thạch Khê trong dài hạn là chưa chắc chắn và không đủ cơ sở tính toán hiệu quả dự án. Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đâu tư đã đề xuất dừng hẳn dự án khai thác mỏ và cả dự án nhà máy sản xuất phôi thép có công suất 2 triệu tấn mỗi năm của Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê.

Nhiều chuyên gia kinh tế và môi trường cũng lên tiếng phản đối dự án này, và cho rằng việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê theo cách làm của chủ đầu tư dự án hiện nay sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường xung quanh. Tuy vậy, ngay sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra đề xuất trên, bộ Công Thương lập tức phát đi thông cáo báo chí phản biện lại rằng “việc đề xuất dừng dự án là chưa đủ cơ sở về khoa học và thực tiễn, cần được xem xét thận trọng một cách toàn diện”.

"Cần phải tính đến những hậu quả hệ lụy liên quan đến những thiệt hại hàng ngàn tỷ mà nhà đầu tư đã bỏ ra 10 năm nay, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp theo chủ trương kiến tạo của Chính phủ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư của tỉnh Hà Tĩnh, cũng như của Việt Nam", Bộ Công Thương nêu quan điểm.

Năm ngoái, Bộ Công Thương cho rằng sẽ cần phải có khoảng 7.000 tỷ đồng rót vào dự án mỏ Thạch Khê và Công ty sắt Thạch Khê cũng phải thực hiện tái cơ cấu một lần nữa bằng cách kêu gọi thêm sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân. Nhưng việc đó sẽ chẳng đơn giản vì thực tế chủ đầu tư đã tìm kiếm nhiều nhà đầu tư mới suốt mấy năm qua vẫn không thành công.

Kobe Steel lo lắng

Chưa biết cuối cùng dự án mỏ sắt Thạch Khê có được triển khai hay không, vì còn phải đợi quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng trong lúc này, không chỉ có các cổ đông của Sắt Thạch Khê đang thấp thỏm lo âu, mà việc dừng dự án này sẽ có thể kéo theo sự đổ vỡ của một dự án khác lớn hơn nhiều: dự án sắt xốp Kobelco tại Nghệ An.

Tháng Ba năm 2010, tỉnh Nghệ An chào đón tập đoàn Kobel Steel – một trong những tập đoàn thép lớn nhất thế giới - đến đầu tư dự án phôi thép Kobelco. Có số vốn đăng ký đầu tư là 1 tỷ USD.

Nhà đầu tư cũng dự tính sẽ tiến hành xây dựng nhà máy đầu tiên ngay trong quý I năm 2011, và hai nhà máy nữa sẽ được xây dựng trong giai đoạn hai. Tổng công suất của cả dự án sẽ là hơn 2 triệu tấn phôi thép mỗi năm. Đặc biệt, Kobe Steel cho biết sẽ áp dụng công nghệ ITmk3® để sản xuất phôi. Đây là công nghệ hiện đại bậc nhất của Kobe Steel rất thân thiện với môi trường và cho ra chất lượng sản phẩm tốt, nên vẫn thường gọi công nghệ này là sắt xốp.

Tuy nhiên dự án tới nay vẫn chưa được xây dựng, mà nguyên nhân chính lại liên quan tới dự án mỏ sắt Thạch Khê. Trong thông báo khi mới nhận được giấy chứng nhận đầu tư năm 2010, Kobel Steel đã nói rõ nguyên liệu để cho nhà máy Kobelco tại Nghệ An hoạt động sẽ được lấy từ mỏ sắt Thạch Khê. Tuy hàm lượng sắt ở quặng khai thác từ mỏ Thạch Khê ở mức cao nhưng cũng lẫn nhiều tạp chất khác, khiến cho việc tinh chế quặng sẽ khó khăn hơn. Nhưng Kobel Steel tự tin rằng công nghệ ITmk3® của tập đoàn sẽ giải quyết được vấn đề đó.

Nhưng, điều không may đã xảy ra là do bất đồng về chuyện góp vốn nên dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê đã bị trì hoãn suốt 6 năm qua, cũng có nghĩa là Kobe Steel phải dừng ngần đó năm. Nếu trong thời gian tới, Thủ tướng quyết định dừng dự án mỏ sắt Thạch Khê, rất có thể Kobe Steel cũng sẽ phải dừng luôn cả dự án 1 tỷ USD tại Nghệ An.