Chân dung các doanh nghiệp "gốc" Quân đội trở thành những công ty có giá trị hàng nghìn tỷ trên sàn chứng khoán
Ngân hàng TMCP Quân đội, Tập đoàn Hà Đô, CTCP Phú Tài, Tổng công ty 36 là những doanh nghiệp đã và đang do Bộ Quốc phòng sở hữu cổ phần.
Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBB)
Lên sàn từ năm 2011 nhưng cổ phiếu MBB không có được con sóng nào khiến nhà đầu tư náo nức, cho đến đầu năm 2017 và đặc biệt là cuối tháng 5/2017, MBB nhanh chóng tăng mạnh và đưa vốn hóa thị trường của Ngân hàng Quân Đội lên hơn 38.000 tỷ đồng. Đây cũng là đơn vị lớn nhất trên sàn trong danh sách những đơn vị có yếu tố Quân đội.
Năm 2016, tăng trưởng tín dụng của MB đạt 24% - cao nhất trong số các ngân hàng niêm yết tại Việt Nam. Theo đánh giá của CTCK BSC, MB vẫn còn nhiều room tăng trưởng tín dụng nhờ tỷ lệ LDR đạt 77% - thấp hơn mức trần tối đa của NHNN.
Không những thế, MB có khả năng sinh lời cao khi tỷ lệ NIM đạt 3,57% - chỉ đứng sau VIB (nhờ lợi thế nguồn tiền gửi không kỳ hạn cao) trong khi CIR (chi phí hoạt động/thu nhập hoạt động) thấp, chỉ cao hơn VCB. Ngân hàng này cũng luôn được đánh giá cao về chất lượng tài sản. Cuối năm 2016, tỷ lệ nợ xấu là 1,32%.
Hiện nay, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) nắm 15,79% vốn điều lệ của MBB, SCIC nắm 10,53%, Tổng Công ty trực thăng Việt Nam nắm 8,39%, Công ty TNHH MTV Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn năm hơn 8% và Vietcombank nắm 7,5%.
CTCP Tập đoàn Hà Đô (HDG)
Tiền thân của HDG là xí nghiệp xây dựng trực thuộc viện kỹ thuật quân sự thuộc Bộ Quốc và được cổ phần hóa năm 2004. Đến ngày 02/02/2010, 13,5 triệu cổ phiếu HDG giao dịch chính thức trên HOSE và giá đóng cửa phiên đầu tiên lên tới 103.000 đồng.
Sau 7 năm trên sàn, HDG đã trở thành doanh nghiệp có vốn điều lệ gần 760 tỷ đồng và vốn hóa thị trường hơn 2.400 tỷ đồng khi cổ phiếu HDG có sự tăng trưởng tốt trong nửa đầu năm nay. Hiện tại, Bộ Quốc Phòng đang nắm gần 10% vốn của Hà Đô.
HDG hoạt động trong 3 lĩnh vực chính: (1) Lĩnh vực bất động sản (2) Lĩnh vực xây lắp và (3) Lĩnh vực thủy điện.
Bất động sản là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất. Đối với doanh nghiệp này, từ cuối năm 2016 đến năm 2020, “nồi cơm” đến từ dự án Centrosa Garden với tổng doanh thu 10.000 tỷ đồng. Một số dự án khác đang được triển khai và sẽ mở bán trong năm 2017 như Dragon City, Noong Tha (Lào).
Trong khi đó, lĩnh vực xây lắp của Hà Đô duy trì ổn định với doanh thu chủ yếu từ các công trình thuộc Bộ Quốc phòng.
Từ năm 2012 đến 2016, doanh thu và lợi nhuận của Hà Đô nhìn chung luôn tăng trưởng, riêng năm 2015 có sự sụt giảm về lợi nhuận so với năm trước, nhưng ngay sau đó, vào năm 2016, lợi nhuận của Hà Đô đã tăng 90%.
CTCP – Tổng công ty Phú Tài (PTB)
CTCP Phú Tài vốn trực thuộc Quân khu 5 thuộc Bộ Quốc Phòng, chuyên kinh doanh và sản xuất chế biến các sản phẩm gỗ, đá và phân phối xe ô tô. Năm 2004, công ty chuyển sang mô hình cổ phần và niêm yết trên sàn chứng khoán từ năm 2011.
Đến năm 2014 thì Bộ Quốc Phòng thoái hết vốn.
Từ cuối năm 2015, trong làn sóng của cổ phiếu ngành ô tô rồi đến đá xây dựng, cổ phiếu PTB đã có sự tăng trưởng vượt bậc, liên tục chinh phục các giá đỉnh lịch sử và gia nhập câu lạc bộ cổ phiếu có thị giá trên 100.000 đồng. Hiện tại vốn hóa thị trường của PTB đạt hơn 2.800 tỷ đồng.
Sau đợt chia cổ phiếu thưởng 20% vào đầu tháng 6/2017, PTB sẽ tiếp tục phát hành tăng vốn để mở rộng mảng kinh doanh đá và gỗ tại Khánh Hòa và Bình Định. Đây là năm thứ 3 liên tiếp PTB vẫn tăng trưởng đều đặn hàng năm với tốc độ bình quân 14%. EPS pha loãng của PTB tính đến hết quý 2/2017 vẫn đạt trên 10.000 đồng.
Theo đánh giá của CTCK Rồng Việt, nhu cầu tiêu thụ đá ốp lát tích cực đã mở ra một giai đoạn tăng trưởng thần tốc cho PTB trong quá khứ và tăng trưởng cao còn tiếp diễn cho đến hết năm 2018 bởi lẽ đây là doanh nghiệp dẫn đầu trong sản xuất đá ốp lát tại Việt nam với thị phần khoảng 20%. Hiện tại, PTB có 10 mỏ đá và 10 nhà máy chế biến tại 7 tỉnh thành trong cả nước.
Đối với lĩnh vực kinh doanh ô tô, PTB phân phối dòng xe Ford. Dưới tác động của tâm lý chờ đợi khi thời điểm giảm thuế ô tô nhập khẩu càng cận kề, tăng trưởng của lĩnh vực bán lẻ ô tô đã chững lại và năm 2017 khó có thể đạt được mức tăng trưởng tốt như các năm trước.
Tổng công ty 36 – CTCP ( G36)
Tổng Công ty 36 - CTCP là một doanh nghiệp xây dựng của Quân đội và cũng là tổng công ty đầu tiên trong số gần 20 tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ Quốc phòng được cổ phần hóa. Doanh nghiệp chuyên thi công xây lắp công trình, phát triển các dự án bất động sản và đầu tư các dự án BOT.
Ngày 14/04/2016, Tổng 36 tiến hành IPO 4,3 triệu cổ phiếu với giá đấu thành công bình quân là 15.102 đồng/cp. Phiên đấu giá khá nóng khi có 60 nhà đầu tư đăng ký tham gia phiên đấu giá với tổng khối lượng cổ phần đăng ký mua là 15,72 triệu đơn vị, gấp 3,7 lần số lượng đăng ký bán.
Ngày 26/12/2016, Tổng công ty 36 đưa 43 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM với giá tham chiếu 10.500 đồng. Sau 4 phiên tăng trần lên đến giá 22.300 đồng thì G36 rơi vào xu hướng sụt giảm với thanh khoản rất thấp. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 03/06, G36 có giá 10.400 đồng tương đương giá trị vốn hóa thị trường 1.040 tỷ đồng.
Doanh thu từ hoạt động thi công xây lắp là doanh thu chính của G36, ngoài ra doanh nghiệp có doanh thu từ sản xuất vật liệu xây dựng, rà phá bom mìn và các sản phẩm dịch vụ khác.
Hiện tại, G36 có 2 nhà đầu tư chiến lược là CTCP Xây lắp và Thương mại Trường Lộc (32,91%) và CTCP Vận tải và Thương mại Anh Quân (9,3%). Bộ Quốc phòng vẫn nắm 40%, Tổng CTCP bảo hiểm Bưu điện nắm 9,87% và người lao động nắm 7,79%.
Ngày 30/11/2016, ĐHCĐ bất thường đã thông qua việc tăng vốn điều lệ của G36 lên 1.000 tỷ đồng thông qua phát hành 57 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Tuy nhiên, trong khi hàng loạt lãnh đạo đăng ký mua thì cổ đông chiến lược Trường Lộc lại đăng ký bán hơn 14 triệu quyền mua.
http://cafef.vn
Ý kiến của bạn