Chiêm ngưỡng bộ sưu tập đồ gỗ sơn son thếp vàng thời Lê – Nguyễn
TĐO - Công chúng khi tới Bảo tàng Lịch sử quốc gia sẽ được chứng kiến gần 100 tài liệu, hiện vật đồ gỗ sơn thếp có niên đại thời Lê, Nguyễn (thế kỷ XVII – đầu thế kỷ XX).
Vừa qua, ngày 20/6, Bảo tàng Lịch sử quốc gia chính thức khai mạc trưng bày chuyên đề “Nét vàng son – Sưu tập đồ gỗ sơn son thếp vàng”.
Trưng bày giới thiệu tới công chúng gần 100 tài liệu, hiện vật đồ gỗ sơn thếp, trong đó có những hiện vật độc đáo, tiêu biểu. Các hiện vật được giới thiệu có niên đại thời Lê, Nguyễn (thế kỷ XVII - đầu thế kỷ XX), giai đoạn phát triển rực rỡ của nghề làm đồ sơn và sơn son thếp vàng. Những hiện vật đưa ra trưng bày khá phong phú và đa dạng về kiểu dáng, hoa văn trang trí với kỹ thuật chế tác riêng, được lựa chọn từ bộ sưu tập đồ gỗ sơn thếp đã được Bảo tàng Lịch sử quốc gia nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, bảo quản trong nhiều năm qua.
Trưng bày chuyên đề “Nét vàng son – Sưu tập đồ gỗ sơn son thếp vàng” được thể hiện theo dạng tổ hợp – nhóm các hiện vật liên quan trong các không gian thờ tự tôn giáo, tín ngưỡng kết hợp trưng bày theo loại hình, kiểu dáng, chức năng. Có 4 nhóm hiện vật được trưng bày tại triển lãm. Nhóm hiện vật Phật giáo gồm các tượng Tam Thế phật, tượng phật A Di Đà, tượng Quan Âm, tượng Thích ca sơ sinh, tượng tổ Bồ Đề Đạt Ma, tượng Hậu. Nhóm hiện vật ban thờ thần gồm hương án, khám thờ, ngai thờ, bài vị, hộp đựng sắc phong, bình, lọ hoa. Nhóm hiện vật ban thờ gia tiên, gồm hương án, khám thờ, hộp đựng bài vị, bình, lọ hoa, cùng các hoành phi câu đối có nội dung phù hợp.
Nhóm các hiện vật khác gồm những hiện vật có kích thước nhỏ phù hợp trong các dàn tủ trưng bày như thuyền thờ, mõ, tượng nghê, kiếm thờ, đôn, hộp, bình phong...
Bên cạnh các hiện vật, trưng bày còn giới thiệu một số hình ảnh và dụng cụ, cùng các công đoạn của nghề làm vàng quỳ, nghề làm đồ sơn thếp như: chàng, đục, giấy bản, búa, sơn, chổi.. cùng tranh điện, ảnh in PP khổ lớn, phim video về làng nghề làm vàng quỳ Kiêu Kỵ, làng làm nghề sơn thếp Sơn Đồng (Hà Nội).
Đây là hoạt động ý nghĩa góp phần tôn vinh bàn tay tài hoa, nghề thủ công truyền thống, những giá trị, tinh hoa văn hoá dân tộc, nét độc đáo, đặc trưng văn hóa Việt Nam đồng thời giúp công chúng hiểu sâu sắc hơn những giá trị hiện vật, từ đó, nâng cao ý thức cho công chúng trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa này.
Trưng bày mở cửa đến cuối tháng 11/2017 tại phòng trưng bày chuyên đề BTLSQG, số 1, phố Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
http://thoidai.com.vn
Ý kiến của bạn