Chúng ta đã chuẩn bị đủ cho việc công nghệ nhận dạng khuôn mặt sẽ có mặt ở khắp mọi nơi chưa?
Một số công ty đã thử nghiệm công nghệ nhận dạng khuôn mặt mới này, nhưng việc này cũng đặt ra câu hỏi về cách giám sát bởi công nghệ nào cũng có thể bị lạm dụng.
Hãy tưởng tượng việc này. Bạn bước vào văn phòng làm việc, camera gắn phía trên cửa sẽ quét khuôn mặt và mở chúng ngay lập tức, tới mức bạn không cần nhấc một ngón tay. Bạn ngồi xuống máy tính của mình và nó ngay lập tức mở khóa. Ồ, nhưng bạn cần phải chạy đến chỗ dược sĩ vào buổi trưa. Không cần đi đâu cả, đứng trước camera, toa thuốc của bạn sẽ hiện lên ngay trước mắt. Khi đi làm về, máy ảnh nhỏ xíu nhấp nháy ở trên cửa và cánh cửa tự động mở khóa khi bạn chạm vào tay cầm. Tiếp đó, bạn nhìn vào khuôn mặt của mình trong gương, cái gương thông báo rằng bạn cần dưỡng ẩm cho da mặt. Ngày mai có thể sẽ nắng nóng, vì vậy nó cũng khuyên bạn nên thoa thêm kem chống nắng. AI thậm chí còn đặt hàng loại kem dành riêng cho bạn, tất nhiên là giao hàng từ Amazon vào ngày hôm sau. Nghe khá hay phải không?
Những bỏ qua những suy nghĩ đó, bây giờ hãy tưởng tượng điều này. Bạn đi xuống phố và thấy viên cảnh sát đang nhìn chằm chằm vào mình. Camera gắn trên ngực của họ nhấp nháy màu đỏ và cảnh sát này ngay lập tức rút súng ra, yêu cầu bạn nằm xuống đất. Bạn bị bắt giữ. Sau vài ngày ngồi tù, bạn nhận được thông tin là mình đã bị xác định nhầm là tội phạm có xu hướng bạo lực vì các lý do sai sót với tỷ lệ 1,3% hoặc một con số thấp hơn nào đó. Bất kể sự khó chịu hay tức giận, hồ sơ của bạn đã được lưu trong hệ thống. Bây giờ, bất cứ nơi nào bạn tới, các camera ghi hình sẽ tự động tăng cảnh báo nguy hiểm và toàn bộ nhân viên an ninh trong khu vực sẽ được nhắc nhở để cảnh giác với mọi hành vi của bạn. Khi bước vào cửa hàng, hệ thống nhận dạng khuôn mặt cho nhân viên đang trực biết một người bị bắt gần đây đã tiến vào. Giờ tất cả họ sẽ nhìn chằm chằm vào bạn với những ánh mắt nghi ngờ. Mỗi bước chân đi qua, đằng sau là hàng loạt âm thanh bàn tán. Nếu bạn là một người da màu, câu chuyện thật sự còn có thể tồi tệ hơn nữa.
Bất cứ công nghệ nào, bao gồm cả nhận dạng khuôn mặt, cũng là con dao hai lưỡi.
Đây chỉ là một trong nhiều kịch bản có thể xảy ra và nó có khả năng sẽ là tương lai mà cả thế giới đang hướng tới. Các công ty, tập đoàn lớn luôn khao khát sử dụng phần mềm mới các tính năng mạnh mẽ để giúp cho cuộc sống của từng khách hàng trở nên dễ dàng hơn. Các chính phủ cũng luôn cảm thấy cần phải sử dụng các công nghệ mới vì chúng mang lại nhiều lợi ích lớn hơn.
Công nghệ nhận dạng khuôn mặt đang được ứng dụng ngày càng nhiều. Hãng hàng không JetBlue Airways thay vì yêu cầu quét thẻ lên máy bay hoặc giao hộ chiếu, khách hàng của họ chỉ cần nhìn chằm chằm vào một chiếc camera. Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã cung cấp cơ sở dữ liệu về các công dân cho công ty này. Điều này rõ rang tiết kiệm thời gian và tối ưu hóa các quy trình, nhưng nó cũng đặt ra câu hỏi: Bạn có quyền gì đối với khuôn mặt của chính mình hay không? Ai chịu trách nhiệm bảo vệ thông tin này? Tôi có thể loại bỏ dữ liệu khuôn mặt của mình khỏi hệ thống để sử dụng cách thức thông hành cũ không?
Nếu muốn nhìn thấy các nhược điểm của công nghệ nhận dạng khuôn mặt rõ hơn, hãy tới Trung Quốc. Cứ 200 mét tại các thành phố lớn có một chiếc camera tích hợp tính năng nhận dạng khuôn mặt. Nó theo dõi mọi thứ, từ người mua hàng cho tới các tội phạm có tiền án tiền sự, hay chỉ đơn giản là người qua đường không đúng chỗ. Hầu như mọi công dân Trung Quốc đều đã nằm trong cơ sở dữ liệu khổng lồ này và vị trí của họ khi bước chân ra khỏi nhà cũng luôn được theo dõi. Thậm chí, một công ty khởi nghiệp còn khẳng định công nghệ của họ có thể xác định một công dân Trung Quốc đang ở bất cứ đâu chỉ trong vài giây.
Báo giới phương Tây thường nói rằng chính quyền Trung Quốc ít tôn trọng quyền riêng tư của người dân. Nhưng liệu ai dám hoàn toàn tin tưởng các quốc gia phát triển này sẽ hành động khác đi. Mới đây, một người đàn ông sống ở Anh đã bị phạt 90 bảng (khoảng 250.000 đồng) vì che mặt khi đi ngang qua một trong những chiếc camera có nhận dạng khuôn mặt.
Liệu có thoải mái không khi một ngày sẽ có người nhìn chằm chằm vào màn hình và biết mọi thông tin về bạn, mỗi khi bạn bước chân ra phố?
Con người luôn có nhu cầu không ngừng làm cho mọi thứ mượt mà hơn, tốt hơn và nhanh hơn. Mong muốn này đã giúp thúc đẩy sự tiến bộ vượt trội của xã hội thông qua thời gian. Tuy nhiên, đã tới lúc những bước nhảy vọt về công nghệ không còn giúp chúng ta tiết kiệm hàng giờ, thậm chí là vài phút nữa. Thời gian mà chúng tranh thủ được chỉ còn là vài giây. Nhưng cái giá phải trả cho nó là cả sự riêng tư. Rõ ràng, đây dường như không phải là một cuộc mua bán thuận lợi và công bằng khi chi phí vượt quá những lợi ích mà công nghệ này có thể cung cấp.
Có thể, đã tới lúc chúng ta cần ngồi lại và thảo luận xem liệu con người có thực sự cần công nghệ nhận dạng khuôn mặt và để nó phổ biến rộng rãi hay không. Luật pháp nên và sẽ thay đổi như thế nào để công nghệ này không bị lạm dụng một cách quá mức.
Nếu hành động ngay bây giờ, chúng ta có thể thành công trong việc ngăn chặn các công ty công nghệ xâm nhập vào mọi khía cạnh của cuộc sống. Tuy nhiên, nếu dửng dưng, điều tồi tệ nhất có thể sẽ xảy ra. Con người có thể sẽ phải sống trong một tương lai nơi mà vị trí của từng người luôn hiện hữu trên một chiếc màn hình nào đó, với đầy đủ các thông tin chi tiết. Đó cũng có thể là một thế giới nơi những người bất đồng chính trị trong một chế độ độc tài không có cơ hội duy trì tình trạng ẩn danh. Mọi công dân khi đi bộ trên phố sẽ phải liên tục liếc nhìn vào những chiếc camera và lo lắng tự hỏi liệu có ai đó, ở đâu đó, đang nhìn thấy tên của họ lóe lên trên màn hình.
Hy vọng là không. Bởi nếu điều đó xảy ra, con người sẽ chỉ còn có thể tự đổ lỗi cho sự vô tâm và tự mãn của chính mình mà thôi
http://soha.vn/
Ý kiến của bạn