Công ty nông nghiệp dồn dập chào bán vốn
Hàng loạt doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đang lên kế hoạch chào bán vốn nhà nước, tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược.
Tập đoàn Cao su Việt Nam
Đồng loạt IPO, cổ phần hóa
Ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) cho hay, theo kế hoạch đề ra, quý III/2017, VRG sẽ tiến hành cổ phần hóa. “VRG đã xác định xong giá trị doanh nghiệp, nếu không có gì thay đổi, ngay trong quý II/2017 sẽ có phương án và chính thức tiến hành cổ phần hóa”, ông Thuận nói.
Không chỉ cổ phần hóa công ty mẹ, năm 2017, VRG cũng lên kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn một loạt công ty con, trong đó có cả các dự án đầu tư cao su tại Lào và Campuchia để thu hồi vốn, đồng thời đa dạng hóa vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp này.
Ngoài VRG, trong năm nay, một loạt doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp cũng sẽ IPO. Ông Phạm Quang Hiển, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) cho biết, theo kế hoạch đề ra, trong quý II/2017, Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) sẽ phải hoàn thành việc bán vốn nhà nước, tổ chức IPO lần đầu để chuyển sang mô hình công ty cổ phần.
Bên cạnh hoàn thành cổ phần hóa các doanh nghiệp đang tiến hành dang dở, năm 2017, Bộ NN&PTNT cũng sẽ hoàn thành xác định giá trị một số doanh nghiệp để cổ phần hóa, cụ thể là Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Tổng công ty Lương thực Miền Bắc (Vinafood 1) và có thể cả Công ty TNHH MTV Thủy sản Hạ Long.
Được biết, năm 2016, Bộ NN&PTNT đã hoàn thành chuyển 12 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ sang công ty cổ phần. Tuy nhiên, vẫn còn 6 doanh nghiệp chưa hoàn thành quyết toán vốn nhà nước lần 2 để bàn giao sang công ty cổ phần, bao gồm: Tổng công ty Rau quả nông sản, Tổng công ty Chè Việt Nam, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam, Công ty TNHH nhà nước MTV Tư vấn và Đầu tư phát triển rau hoa quả, Công ty Xây dựng và Chuyển giao công nghệ thủy lợi, Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương Vetvaco.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn khẳng định, thời gian tới, Bộ sẽ kiên quyết xử lý những đơn vị này để sớm đưa các doanh nghiệp chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. “Những cán bộ thiếu trách nhiệm, khiến quá trình cổ phần hóa kéo dài sẽ bị kiên quyết xử lý”, ông Tuấn nói.
Cũng theo ông Tuấn, hầu hết doanh nghiệp sau cổ phần hóa đều phát triển tốt, doanh thu tăng gần 20 lần, lợi nhuận tăng 9,72 lần, nộp ngân sách tăng gần 5 lần. Vốn nhà nước tại các doanh nghiệp này được bảo toàn và tăng trưởng tốt thông qua chi cổ tức tại các công ty cổ phần với mức phổ biến 12-19%/năm.
Mở ưu đãi để gọi nhà đầu tư chiến lược
Nếu tính cả các công ty con, số lượng doanh nghiệp nông nghiệp IPO và cổ phần hóa năm 2017 không hề nhỏ, lên tới hàng chục đơn vị, đồng nghĩa với số lượng vốn chào bán rất lớn. Câu hỏi đặt ra là, tìm đâu ra khách hàng cho lượng vốn chào bán này?
Ông Trần Ngọc Thuận thừa nhận: “Khó khăn lớn nhất của VRG khi IPO là Tập đoàn có vốn lớn, do đó việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược không dễ dàng. Chúng tôi đang đề nghị Bộ NN&PTNT trước mắt cho phép bán cổ phần cho cán bộ, nhân viên (3% theo quy định) và tiếp tục tìm kiếm những nhà đầu tư tốt, có năng lực”.
Không chỉ ở những doanh nghiệp muốn tìm nhà đầu tư chiến lược để cổ phần hóa, mà những doanh nghiệp muốn thoái vốn, việc tìm khách mua cũng không hề dễ dàng, đặc biệt là nhiều doanh nghiệp trong diện thoái vốn đang lâm vào tình cảnh thua lỗ, nợ nần.
Ông Nguyễn Nam Hải, Tổng giám đốc Tổng công ty Cà phê Việt Nam cho hay, doanh nghiệp này cần thoái vốn tại 4 đơn vị, số vốn chào bán không lớn (dưới 3 tỷ đồng), song chào bán hai, ba lần vẫn không tìm được khách mua, do các đơn vị này đang rơi vào tình cảnh âm vốn chủ sở hữu, trong khi Tổng công ty lại không dám bán lỗ.
Tương tự, lãnh đạo Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) cũng đang muốn thoái hơn 20% vốn tại CTCP Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm An Giang (AFX), song chưa thể tiến hành, bởi “bán là lỗ”. Hiện Vinafood 2 đang lên kế hoạch bán vốn tại AFX cho SCIC, sau đó đợi thời điểm giá tốt để thoái vốn.
Liên quan đến việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp khi cổ phần hóa, ông Hiển khẳng định, chất lượng nhà đầu tư chiến lược là yếu tố quyết định hiệu quả của doanh nghiệp sau cổ phần hóa.
Thời gian qua, một số nhà đầu tư lớn đã tìm đến các doanh nghiệp nông nghiệp, giúp hoạt động sau cổ phần hóa của các doanh nghiệp này phát huy được hiệu quả. Tuy vậy, ông Hiển cũng thừa nhận, việc tìm kiếm đối tác chiến lược của các doanh nghiệp nông nghiệp hiện vẫn còn nhiều khó khăn, do lĩnh vực nông nghiệp có tỷ suất lợi nhuận thấp, rủi ro cao, trong khi chính sách ưu đãi chưa hấp dẫn.
“Lãnh đạo Bộ đang rất quan tâm đến vấn đề này và đang quyết tâm sửa đổi từng bước để nhanh chóng có chính sách hấp dẫn, thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư vào nông nghiệp”, ông Hiển nói.
Liên quan đến đề xuất thoái vốn lỗ tại một số doanh nghiệp kém hiệu quả, đại diện Bộ NN&PTNT khẳng định, quan điểm của Bộ là bảo toàn vốn nhà nước. Trường hợp đặc biệt sẽ báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ. Cho đến nay, Bộ NN&PTNT chưa chấp nhận trường hợp nào thoái vốn lỗ.
http://baodautu.vn
Ý kiến của bạn