Phòng thí nghiệm Cty cổ phần Dược và vật tư thú y (HANVET)
“Chiêu”... câu giờ
Cty HANVET là một trong những DN hàng đầu của Việt Nam chuyên nghiên cứu và sản xuất thuốc thú y với 10 dây chuyền sản xuất đạt chuẩn GMP-WHO. Hiện sản phẩm của HANVET đã được xuất khẩu tới hơn 20 nước như: Hàn quốc, Malaysia, Myanmar, Sri-Lanka, Nepan, Bangladesh, UAE, Qatar, Iraq, Saudi Arabia, Kuwait, Oman, Uganda, Hà Lan... Tuy nhiên, không chỉ HANVET mà các DN thuốc thú y trong nước khác như VEMEDIM, Bio-Pharmachemie, Navetco… cũng chưa đăng ký được sản phẩm nào tại Thái Lan. Điều đáng nói, thuốc thú y của Thái Lan đã được đăng ký và lưu hành tại VN đến nay là 218 sản phẩm của 26 Cty.
Ví dụ sản phẩm HANCEFT là một hỗn dịch kháng sinh tiêm của HANVET đã được đăng ký thành công ở các thị trường phát triển như Hàn Quốc, Malaysia, Iraq. Tuy nhiên, khi đăng ký tại Thái Lan lại vô cùng khó khăn. DN đã nộp hồ sơ đăng ký sản phẩm này lên cơ quan quản lý FDA Thái Lan từ năm 2015 nhưng đến nay mới ở mức độ được tiếp nhận hồ sơ.
Qua tìm hiểu của các DN Việt, trong Uỷ ban tiếp nhận hồ sơ đăng ký sản phẩm thuốc thú y nước ngoài của FDA Thái Lan có đại diện của các Cty sản xuất thuốc thú y Thái Lan, sản phẩm nào mà các Cty này đang nghiên cứu sản xuất thì các Cty nước ngoài khó “xâm nhập”. Chính vì vậy, Cty HANVET kiến nghị Bộ NN-PTNT và Bộ Công Thương có biện pháp đáp trả thương mại tương tự đối với các nước gây khó dễ cho sản phẩm thuốc thú y của Việt Nam.
Tạo tiền lệ cho DN đi đầu
Mặc dù, việc “trả đũa thương mại” chưa được Việt Nam áp dụng đối với các nền kinh tế khác. Nhưng rất nhiều quốc gia khác đã từng áp dụng biện pháp này đối với Việt Nam. Đơn cử như việc mới đây, Ấn Độ đã có hành động “trả đũa thương mại” của Ấn Độ xuất phát từ Quyết định 558/QĐ-BNN-BVTV ngày 1/3/2017 của Bộ NN-PTNT Việt Nam về việc tạm ngừng nhập khẩu các mặt hàng có nguy cơ cao mang theo mọt lạc Serratus từ Ấn Độ vào. Đáp trả lại, thông báo tạm ngừng nhập khẩu hạt cà phê, tre (tăm tre), tiêu đen, quế, sắn và thanh long từ phía Việt đã được phía Ấn Độ phát đi hồi đầu tháng 3/2017 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 7/3/2017.
Trong động thái sau đó, ngày 15/3, Bộ Công Thương Việt Nam đã có công hàm đề nghị phía Ấn Độ tuân thủ thông lệ quốc tế cũng như sớm bãi bỏ việc tạm dừng nhập khẩu các mặt hàng nông sản nêu trên của Việt Nam. Trong diễn biến mới nhất, Ấn Độ đồng ý gỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu này. Cùng với đó, phía Việt Nam cũng điều chỉnh lại Quyết định 558 của Bộ NN-PTNT. Theo đó, những mặt hàng nông sản được nêu trong quyết định này sẽ không bị tạm ngưng nhập khẩu sẽ được cơ quan chức năng kiểm tra như bình thường.
Chuyên gia kinh tế TS Ngô Trí Long cho rằng, thị trường thế giới đã bước vào giai đoạn dỡ bỏ gần như toàn bộ hàng rào thuế quan. Do đó, mỗi nước đều chuyển sang áp dụng hàng rào phi thuế quan. Vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước của VN cũng cần phải thực hiện nghiêm các hàng rào kỹ thuật để đảm bảo thị trường có sự cạnh tranh công bằng và bảo vệ hàng hóa của các DN Việt.
Ý kiến của bạn