Đại dịch sẽ kết thúc như thế nào?
(KTSG) – Thế giới đã trải qua hơn một năm rưỡi đại dịch Covid-19 hoành hành khắp các nước. Câu hỏi có lẽ người dân ở nước nào cũng muốn biết là khi nào đại dịch sẽ chấm dứt và chấm dứt bằng cách nào? Theo tờ Stat, một tạp chí chuyên về tin tức y dược, lịch sử cho thấy trước sau gì một đại dịch cũng chấm dứt cho dù có hay không có vaccin hữu hiệu.
(KTSG) – Thế giới đã trải qua hơn một năm rưỡi đại dịch Covid-19 hoành hành khắp các nước. Câu hỏi có lẽ người dân ở nước nào cũng muốn biết là khi nào đại dịch sẽ chấm dứt và chấm dứt bằng cách nào? Theo tờ Stat, một tạp chí chuyên về tin tức y dược, lịch sử cho thấy trước sau gì một đại dịch cũng chấm dứt cho dù có hay không có vaccin hữu hiệu.
Chẳng hạn, lúc dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 nổ ra thậm chí con người lúc đó chưa biết cúm do virus gây ra nên làm gì đã có vaccin. Con virus gây cúm Tây Ban Nha cũng không biến mất, nó tiến hóa sản sinh ra hậu duệ là virus H1N1 ngày nay. Con người lúc đó cũng chưa đạt ngưỡng miễn dịch cộng đồng, tức đã có nhiều người mắc bệnh rồi bình phục, được miễn nhiễm nên hình thành rào chắn dịch bệnh lan rộng ra trong cộng đồng.
Thay vào đó cả con virus lẫn nhân loại đều tiến hóa – hệ miễn dịch của con người dần dần học được cách đối phó với virus để chặn được các ca lây nhiễm trầm trọng nhất. Dần dần con người và virus đạt được một sự “hòa hoãn” để sống chung với nhau. Thay vì lây lan với tốc độ cháy rừng, virus sẽ chỉ thỉnh thoảng bộc phát thành các đợt dịch bệnh quy mô nhỏ, mức độ cũng nhẹ nhàng hơn trước. Các trận đại dịch trong mấy chục năm gần đây cũng đi theo khuôn mẫu này. Dịch cúm Tây Ban Nha cũng dần biến mất sau ba năm hoành hành.
Lần này nếu đại dịch Covid-19 cũng theo quy luật cũ, người ta hy vọng con virus SARS-CoV-2 cũng sẽ theo chân các chủng virus corona trước đây trở thành một virus gây bệnh cúm mùa, chủ yếu vào mùa đông khi môi trường thuận lợi cho chúng lan bệnh; còn lại thì sẽ nằm yên.
Câu hỏi đặt ra là KHI NÀO? Đây là một câu hỏi lớn và cho đến nay chưa có câu trả lời thỏa đáng. Bốn đại dịch trước đây gồm cúm Tây Ban Nha năm 1918, cúm H2N2 năm 1957, cúm H3N2 năm 1968 và cúm H1N1 năm 2009 đều tiến hóa từ đại dịch thành cúm mùa trong vòng một năm rưỡi đến hai năm sau khi bùng phát. Nhưng chúng đều là dịch cúm; một mầm bệnh khác như con SARS-CoV-2 có thể đi theo một quy luật khác chăng.
Jennie Lavine, một nhà sinh học tại Đại học Emory nhận xét trong một bài nghiên cứu trên tạp chí Science rằng khi cơ thể người lớn tuổi bắt đầu tích lũy kinh nghiệm đối phó với Covid-19 thì căn bệnh này dần dần sẽ không còn nghiêm trọng, tức không dẫn tới chuyện phải nhập viện điều trị hay tử vong. Như thế hệ miễn dịch của con người sẽ biến các ca lẫy nhiễm Covid-19 trong tương lai thành một ca tương đương bệnh cúm.
Marc Lipsitch, một nhà dịch tễ học tại trường Y tế Công thuộc Đại học Harvard cũng cùng một suy nghĩ. Ông cho rằng nhân loại sẽ dần phát triển một dạng miễn dịch nào đó, từ việc chích ngừa vaccin hay từ việc bị nhiễm bệnh rồi bình phục nên sẽ không bị chuyển nặng nếu bị nhiễm Covid-19 thêm một lần nữa. Lúc đó thế giới sẽ chuyển sang giai đoạn mới – giai đoạn bệnh không còn lây lan mạnh thành đại dịch (pandemic) mà tồn tại âm ỉ trong từng cộng đồng (endemic).
Như vậy phần lớn các nhà nghiên cứu cho rằng quá trình chuyển giai đoạn sẽ diễn ra với các thời điểm khác nhau trên bình diện thế giới: nước nào chích ngừa đầy đủ và sớm sẽ thấy đại dịch Covid-19 chuyển thành một dạng bệnh xuất hiện theo mùa, rộ lên vào mùa đông khi mọi người ở trong nhà nhiều hơn và giảm mạnh vào mùa hè. Các ca bệnh cũng ít chuyển nặng hơn. Ở những nước thiếu vaccin, sẽ còn phải chịu nhiều đợt dịch mới trước khi đạt được miễn dịch cộng đồng.
Về mốc thời gian, một số chuyên gia cho rằng có thể đại dịch Covid-19 sẽ kéo dài hơn các trận dịch cúm trong quá khứ vì thời gian ủ bệnh, phát bệnh và truyền bệnh của Covid-19 lâu hơn cúm mùa. Các trận dịch cúm mùa có những đợt chấm dứt đột ngột ở một địa phương nào đó sau khi bùng phát vài ba tuần. Nay Covid-19 chững lại hay được dập tắt hay bùng phát là do ứng phó của con người như giãn cách triệt để hay mở cửa trở lại.
Virus SARS-CoV-2 lại sản sinh ra các biến chủng nhằm đối phó với các biện pháp phòng chống của con người nên càng khó dự đoán khi nào nó sẽ chuyển giai đoạn. Cũng rất có thể các biến chủng mới sẽ tiến đến chỗ lây lan mạnh nhưng độc tính giảm đi tương ứng. Dù sao, khác với đại dịch cúm Tây Ban Nha cách đây 100 năm, với Covid-19 chúng ta đã có nhiều loại vaccin hiệu quả cao nên loài người có quyền hy vọng trận dịch này sẽ sớm kết thúc – nhanh hơn cột mốc ba năm của trận đại dịch năm xưa.
Ý kiến của bạn