Để doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tốt những lợi ích từ Hiệp định TPP
Với cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ và tham gia sâu của các bên, loại bỏ hoàn toàn nhiều dòng thuế nhập khẩu… Hiệp định Kinh tế đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được đánh giá là Hiệp định thương mại tự do “thế hệ mới” đầy tham vọng và tiêu chuẩn cao.
Đồng thời đây là một thỏa thuận khu vực mở rộng, linh hoạt và toàn diện. Để có thể tận dụng hiệu quả các lợi ích đến từ TPP, doanh nghiệp cần hiểu và thực thi tốt các cam kết có trong TPP về chất lượng dịch vụ và đầu tư, về xuất xứ đối với hàng hóa, về sở hữu trí tuệ, cũng như các biện pháp về phòng vệ thương mại. Quan trọng hơn là các doanh nghiệp cần nắm chắc thông tin về hiệu lực, về lộ trình thực hiện các cam kết.
Những nhóm lợi ích mà Việt Nam nhận được khi tham gia TPP
Thứ nhất, nhóm các lợi ích khai thác từ thị trường nước ngoài, thông qua 2 hình thức chủ yếu:
(i) Lợi ích thuế quan (đối với thương mại hàng hóa):
Là một nền kinh tế định hướng xuất khẩu, việc Việt Nam có thể tiếp cận các thị trường lớn như Hoa Kỳ với mức thuế suất bằng 0%, sẽ mang lại một lợi thế cạnh tranh vô cùng lớn và một triển vọng cho nhiều ngành hàng, kéo theo đó là lợi ích cho một bộ phận lớn người lao động hoạt động trong các lĩnh vực phục vụ xuất khẩu
Lợi ích này không chỉ dừng lại ở những nhóm mặt hàng mà Việt Nam đang có thế mạnh xuất khẩu như dệt may, giầy dép… mà còn là động lực để nhiều nhóm mặt hàng khác hiện chưa có kim ngạch đáng kể có điều kiện để gia tăng sức cạnh tranh.
Nói cách khác, lợi thế này không chỉ nhìn từ góc độ hiện tại mà còn được nhìn thấy ở cả tiềm năng trong tương lai. Tuy nhiên, lợi ích này cần được đánh giá một cách chừng mực hơn, đặc biệt khi quyết định đánh đổi quyền tiếp cận thị trường Việt Nam của hàng hóa nước ngoài để có được những lợi ích này. Cụ thể:
- Thực tế, cơ hội tăng mạnh xuất khẩu không phải cho tất cả. Bởi vì, đối với Hoa Kỳ, hàng thủy sản chưa chế biến hay đồ gỗ (hai lĩnh vực xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường này) hiện tại đã đang được hưởng mức thuế suất gần bằng 0%, cho nên có TPP hay không cũng không quan trọng.
Trường hợp khác, trong tương lai một số mặt hàng có thể được Hoa Kỳ xem xét cho hưởng hệ thống ưu đãi (GSP) “miễn phí” nếu chúng ta có nỗ lực vận động tốt mà không cần TPP với những cái giá phải trả có thể lớn (bằng việc mở cửa thị trường nội địa cũng như những ràng buộc khác)
Đối với các ngành thuộc nhóm này, lợi ích thuế quan là không đáng kể. Tình trạng tương tự với một số thị trường khác như: Úc, New Zealand, Peru hiện đã áp dụng mức thuế 0% cho các sản phẩm thủy sản như cá, tôm, cua… của Việt Nam.
- Đối diện với các cơ hội tăng xuất khẩu với giá cạnh tranh thì những rào cản về kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ hay phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ thực thi rất có thể sẽ vô hiệu hóa lợi ích từ việc giảm thuế quan; những điều kiện ngặt nghèo về lao động, về xuất xứ nguyên liệu cũng có thể khiến hàng hóa Việt Nam không tận dụng được lợi ích từ việc giảm thuế trong TPP.
Nói chung, những lợi ích về thuế quan trên thị trường nước đối tác TPP chỉ thực sự đầy đủ khi xem xét tất cả các yếu tố. Và nếu bất kỳ yếu tố nào trong số những rào cản đối với hàng xuất khẩu không được cải thiện, thì lợi ích thuế quan từ TPP sẽ bị giảm sút, thậm chí nếu những rào cản này bị lạm dụng, lợi ích từ thuế quan có thể bị vô hiệu hóa hoàn toàn. Phương án đàm phán về thuế quan vì vậy cần phải lưu ý đến tất cả những yếu tố này.
(ii) Lợi ích tiếp cận thị trường (đối với thương mại dịch vụ và đầu tư)
Về lý thuyết Việt Nam sẽ được tiếp cận thị trường dịch vụ của các nước đối tác thuận lợi hơn, với ít các rào cản và điều kiện hơn. Tuy vậy, trên thực tế, dịch vụ của Việt Nam hầu như chưa có đầu tư đáng kể ở nước ngoài, do năng lực cung cấp dịch vụ của các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu kém.
Trong tương lai, tình hình này có thể thay đổi đôi chút dù khả năng này tương đối nhỏ. Ngoài ra, với hiện trạng mở cửa tương đối rộng về dịch vụ của các đối tác quan trọng trong TPP, lợi ích này có thể không có ý nghĩa, bởi có hay không có TPP thì thị trường dịch vụ của họ đã mở sẵn. Đây là lý do nhiều ý kiến cho rằng, các nước phát triển sẽ được lợi về dịch vụ trong TPP, trong khi những nước như Việt Nam hầu như không hưởng lợi gì từ việc này.
Thứ hai, nhóm các lợi ích khai thác được tại thị trường nội địa.
Trong thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA), thị trường nội địa thường được hiểu là nơi chịu thiệt hại. Tuy nhiên, đối với trường hợp của Việt Nam, giới chuyên gia cho rằng, Việt Nam có thể “có lợi” từ TPP ngay cả ở thị trường nội địa - nơi vốn được xem là “chỉ chịu thiệt” từ các FTA nói chung. “Khoản lợi” này nằm ở những khía cạnh sau:
(i) Lợi ích từ việc giảm thuế hàng nhập khẩu từ các nước TPP. Người tiêu dùng và các ngành sản xuất sử dụng nguyên liệu nhập khẩu từ các nước này làm nguyên liệu đầu vào sẽ được hưởng lợi từ hàng hóa, nguyên liệu giá rẻ, giúp giảm chi phí sinh hoạt và sản xuất, từ đó có thể giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của những ngành này.
(ii) Lợi ích từ những khoản đầu tư, dịch vụ đến từ Hoa Kỳ và các nước đối tác TPP. Đó là một môi trường kinh doanh cạnh tranh hơn, mang lại dịch vụ giá rẻ hơn chất lượng tốt hơn cho người tiêu dùng, những công nghệ và phương thức quản lý mới cho đối tác Việt Nam và một sức ép để cải tổ và để tiến bộ hơn cho các đơn vị dịch vụ nội địa.
(iii) Lợi ích đến từ những thay đổi thể chế hay cải cách để đáp ứng những đòi hỏi chung của TPP. TPP dự kiến sẽ bao trùm cả những cam kết về những vấn đề xuyên suốt như sự hài hòa giữa các quy định pháp luật, tính cạnh tranh, vấn đề hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, chuỗi cung ứng, hỗ trợ phát triển… Đây là những lợi ích lâu dài và xuyên suốt các khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt có ý nghĩa đối với nhóm doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất (doanh nghiệp nhỏ và vừa) và do đó là rất đáng kể.
(iv) Lợi ích đến từ việc mở cửa thị trường mua sắm công. Mặc dù mức độ mở cửa đối với thị trường mua sắm công trong khuôn khổ TPP chưa được xác định cụ thể nhưng nhiều khả năng các nội dung trong Hiệp định về mua sắm công trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ được áp dụng cho TPP. Nếu điều này là thực tế thì lợi ích mà Việt Nam có được từ điều này sẽ là triển vọng minh bạch hóa thị trường quan trọng này.
(v) Lợi ích đến từ việc thực thi các tiêu chuẩn về lao động, môi trường. Về cơ bản những yêu cầu cao về vấn đề này có thể gây khó khăn cho Việt Nam nhưng xét một cách kỹ lưỡng một số tiêu chuẩn trong đó, sẽ là cơ hội tốt để Việt Nam làm tốt hơn vấn đề bảo vệ môi trường (đặc biệt trong đầu tư từ các nước đối tác TPP) và bảo vệ người lao động nội địa.
Thách thức và những định hướng để vượt qua
Thứ nhất, về thương mại hàng hóa.
Với một số chủng loại nông sản mà Hoa Kỳ và một số nước khác trong TPP (Australia, Newzealand, Chile) có thế mạnh, sức ép cạnh tranh là khá lớn khi thuế được đưa về 0%, trong đó nổi bật là thịt lợn, thịt gà. Đây là những mặt hàng Việt Nam đã sản xuất được nhưng sức cạnh tranh còn yếu. Một số nông sản khác cũng sẽ gặp khó khăn nhưng ở mức độ nhẹ hơn, vì những sản phẩm này ta vẫn phải nhập khẩu với số lượng lớn, đó là sản phẩm sữa, đậu tương, ngô và nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc.
Một số sản phẩm công nghiệp mà bạn hàng TPP có thế mạnh cũng có thể gây khó khăn cho sản xuất của Việt Nam. Ví dụ như giấy, thép, ô tô. Tuy nhiên, có cơ sở để cho rằng, sức ép cạnh tranh sẽ không lớn, bởi vì sản phẩm của nước ta đều hướng đến phân khúc thị trường trung bình, trong khi sản phẩm của các nước TPP thường hướng đến phân khúc thị trường cao cấp.
Một số sản phẩm các nước TPP có sản xuất, thuế nhập khẩu của ta đang được duy trì ở mức cao, nhưng việc hạ thuế về 0% chủ yếu sẽ gây giảm thu thuế nhập khẩu là chính, không gây ra sức ép cạnh tranh bao gồm: bánh kẹo, chất tẩy rửa, đồ trang sức, sản phẩm kim loại (chủ yếu là đồ bếp), điều hòa không khí, đồ nội thất, xe mô-tô phân khối lớn, rượu, thuốc lá.
Để vượt qua thách thức này, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp – chăn nuôi, Việt Nam cần biến thách thức thành cơ hội thông qua đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế.
Thứ hai, về thương mại dịch vụ và đầu tư.
Mở cửa thị trường dịch vụ – đầu tư sẽ không ảnh hưởng tới quyền chủ động của Nhà nước trong quản lý. Cụ thể là không ảnh hưởng tới quyền áp dụng các biện pháp quản lý không mang tính phân biệt đối xử, theo các tiêu chí minh bạch, áp dụng chung. Với các lĩnh vực còn lại, dự kiến sẽ không gây xáo trộn lớn vì đa phần tương đương với độ mở hiện hành.
Thứ ba, về hoàn thiện khung khổ pháp luật, thể chế.
Để thực thi cam kết trong TPP, sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi một số quy định pháp luật về thương mại, đầu tư, đấu thầu, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường… Tuy nhiên, theo kinh nghiệm gia nhập WTO, với sự chuẩn bị nghiêm túc và nỗ lực cao độ, Việt Nam có thể thực hiện thành công khối lượng công việc này, nhất là khi ta được quyền thực hiện theo lộ trình.
Thứ tư, thách thức về xã hội.
Cạnh tranh tăng lên khi tham gia TPP có thể làm cho một số doanh nghiệp nảy sinh tư tưởng dựa dẫm vào sự bao cấp của Nhà nước; các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất và kinh doanh lạc hậu rơi vào tình trạng khó khăn, làm tăng thất nghiệp trong một bộ phận lao động.
Tuy nhiên, do phần lớn các nền kinh tế trong TPP không cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam, nên ngoại trừ một số ít sản phẩm nông nghiệp, dự kiến tác động này là có tính cục bộ, quy mô không đáng kể và chỉ mang tính ngắn hạn. Đồng thời, với cơ hội mới có được, Việt Nam sẽ có điều kiện để tạo công ăn việc làm mới, giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang các ngành thực sự có lợi thế cạnh tranh.
Thứ năm, thách thức về thu ngân sách.
Do tỷ trọng thu ngân sách từ thuế nhập khẩu đang giảm dần qua các năm, việc xóa bỏ thuế nhập khẩu lại được thực hiện theo lộ trình, nên về cơ bản sẽ không gây tác động lớn và đột ngột. Bên cạnh đó, khi xóa bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình, thu từ thuế nhập khẩu có thể giảm nhưng bù lại, số thu từ các sắc thuế khác sẽ tăng lên do sản xuất, kinh doanh phát triển, không những đủ để bù đắp số thu mất đi từ thuế nhập khẩu mà còn bổ sung thêm cho ngân sách nhà nước.
Thực tiễn cho thấy, việc giảm thuế nhập khẩu theo cam kết WTO và theo 8 FTA đã có hiệu lực không ảnh hưởng tiêu cực tới thu ngân sách của nước ta. Tổng thu từ hàng nhập khẩu tăng đều hàng năm kể từ năm 2006. Về thuế xuất khẩu, do Việt Nam vẫn giữ lại thuế xuất khẩu đối với một số mặt hàng quan trọng như: dầu thô, than đá, một số loại khoáng sản kim loại, nên dự kiến tác động đến thu ngân sách không đáng kể.
Nhìn chung, Hiệp định TPP sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho nền kinh tế Việt Nam trên các lĩnh vực: Hàng hóa (da giày, quần áo, đồ gỗ, thủy sản), các ngành dịch vụ… Thông qua những cam kết, Việt Nam sẽ có cơ hội cải thiện các vấn đề liên quan đến biện pháp phòng vệ thương mại, cơ hội tốt nghiệp từ nền kinh tế phi thị trường sang nền kinh tế thị trường trong tương lai.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng gặp phải không ít thách thức và khó khăn, do đó, để có thể tận dụng được những lợi ích và khắc phục những khó khăn, cần nỗ lực hơn nữa trong việc thực thi những cam kết, đặc biệt cần đưa ra chiến lược đúng đắn nhằm phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Theo taichinhvn.vn
Ý kiến của bạn