Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng

“Theo quy định tại Khoản 1 Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính, mức phạt tiền tối đa cho lĩnh vực thủy sản là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức là quá thấp, không đủ sức răn đe để ngăn chặn khai thác trái phép, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Dự thảo Luật đã đề xuất mức phạt tiền cao hơn, tới 07 lần giá trị vi phạm đối với hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp, tương tự như đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm, để đủ sức răn đe, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản đang bị suy kiệt nghiêm trọng. Quy định này nhận được sự đồng thuận của hầu hết các Đoàn ĐBQH, thậm chí có ý kiến còn đề nghị tăng mức xử phạt lên đến 10 lần giá trị vi phạm đối với hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp”.

Thông tin này vừa được đưa ra tại Dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi) do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV chiều 27/10.

Theo ông Dũng, ngày 14/8/2017, UBTVQH đã xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Sau đó, dự thảo Luật đã được gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH. Trên cơ sở ý kiến của các Đoàn ĐBQH, hội nghị, hội thảo, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4.

Cụ thể, tại Điều 6, một số ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể hơn các chính sách về ưu đãi thuế, đất đai, tín dụng; về đầu tư hệ thống giám sát, cảnh báo dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản, cảnh báo vi phạm ngư trường khai thác; về đầu tư tàu vỏ thép công suất lớn, trang thiết bị hiện đại cho đánh bắt xa bờ, phát triển mô hình tổ, đội khai thác thủy sản trên biển và hỗ trợ nuôi trên biển, đặc biệt là nuôi công nghiệp, ở vùng biển xa bờ và hải đảo; về hỗ trợ ngư dân nâng cao kiến thức, kỹ thuật trong việc nuôi trồng, đánh bắt và bảo quản thủy sản; về hỗ trợ dịch vụ hậu cần thủy sản, chế biến thủy sản, xây dựng chợ đầu mối tiêu thụ thủy sản; hỗ trợ ngư dân trong trường hợp thực thi nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn, bảo vệ chủ quyền biển đảo, khi có sự cố môi trường, biến đổi khí hậu; về chính sách bảo tồn các loài thủy sản quý, hiếm.

Cùng với đó, có Đại biểu cho rẳng, cần xem xét lại chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm cho phù hợp với điều kiện ngân sách nhà nước (NSNN) để tránh xung đột, trùng lặp với các chính sách khác trong lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời nên thu hẹp đối tượng được hỗ trợ.

Còn việc thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Điều 10) thì cần quy định rõ hơn nữa địa vị pháp lý, tư cách pháp nhân của tổ chức cộng đồng tham gia đồng quản lý, trách nhiệm pháp lý của tổ chức cộng đồng khi xảy ra các vi phạm gây thiệt hại lớn về nguồn lợi thủy sản trên khu vực được giao quản lý.

Việc giao, cho thuê đất, giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản (Mục 4 Chương III) được Đại biểu đề nghị làm rõ khái niệm “mặt nước biển” để bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật; bổ sung quy định về việc giao, cho thuê mặt nước nội địa, đất bãi bồi ven sông, đất bãi bồi ven biển để nuôi trồng thủy sản. Mặt khác, với thủ tục hành chính trong hoạt động thủy sản, dự thảo Luật còn nhiều thủ tục hành chính và điều kiện đầu tư, kinh doanh. Đề nghị rà soát, điều chỉnh cho phù hợp, đảm bảo giảm thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển ngành thủy sản.…

Đặc biệt, về khai thác thủy sản (Chương IV) một số Đại biểu cho rằng, quy định về giao hạn ngạch, phân cấp mạnh cho địa phương thực hiện việc cấp phép khai thác thủy sản; quy định chặt chẽ về thời gian khai thác trong năm, kích cỡ thủy sản, thủy sản đang mang trứng, ngư cụ hủy diệt; bổ sung thêm nội dung nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản phải gắn máy định vị.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật còn quy định về các hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp và chế tài xử lý vi phạm (Điều 60) nhằm thống nhất với các quy định về chống đánh bắt bất hợp pháp. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính, mức phạt tiền tối đa cho lĩnh vực thủy sản là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức là quá thấp, không đủ sức răn đe để ngăn chặn khai thác trái phép, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Dự thảo Luật đã đề xuất mức phạt tiền cao hơn, tới 07 lần giá trị vi phạm đối với hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp, tương tự như đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm, để đủ sức răn đe, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản đang bị suy kiệt nghiêm trọng. Quy định này nhận được sự đồng thuận của hầu hết các Đoàn ĐBQH, thậm chí có ý kiến còn đề nghị tăng mức xử phạt lên đến 10 lần giá trị vi phạm đối với hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp.

Ngoài ra, về Kiểm ngư (Chương VI) Dự thảo Luật, Đoàn ĐBQH đã trình 02 phương án về cơ quan Kiểm ngư, sau khi tổng hợp ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội cho thấy, 45/61 (73,77%) Đoàn ĐBQH chọn phương án 1; tất cả các tỉnh có biển đều đồng ý thành lập cơ quan Kiểm ngư cấp tỉnh; có ý kiến đề nghị đồng thời với kiểm ngư ở 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển, cần thiết phải hình thành kiểm ngư ở các tỉnh nội đồng có hệ thống thủy vực lớn; chỉ có 11/61 (18%) Đoàn ĐBQH chọn phương án 2, còn lại 5/61 Đoàn ĐBQH không có ý kiến lựa chọn phương án. Hơn nữa, tại Hội nghị chuyên đề về thanh tra thủy sản và công tác kiểm ngư, với sự tham dự của 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển, các đại biểu đều kiến nghị nên có Kiểm ngư cấp tỉnh vì tính yêu cầu cấp thiết của nó.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, hiện nay tình trạng vi phạm trong khai thác thủy sản trên biển đang diễn ra hết sức phức tạp, không chỉ ở vùng lộng mà còn ở cả vùng ven bờ, xuất hiện nhiều hình thức đánh bắt hủy diệt, nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt. Do vậy, việc thành lập Kiểm ngư trung ương và ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển là cần thiết.

Kiểm ngư trung ương hoạt động bảo đảm thực thi pháp luật về thủy sản và bảo vệ chủ quyền ở vùng khơi. Kiểm ngư địa phương được thành lập trên cơ sở chuyển đổi, cơ cấu lại lực lượng thanh tra chuyên ngành thủy sản địa phương (không tăng bộ máy, biên chế), thực thi pháp luật về thủy sản ở vùng lộng và ven bờ, nhằm khắc phục tính kém hiệu quả của lực lượng thanh tra chuyên ngành thủy sản thời gian qua do không có công cụ hỗ trợ, phương tiện thiết bị kém, trình tự thủ tục theo pháp luật về thanh tra không phù hợp với các hoạt động trên biển...

Đồng thời, việc xây dựng, củng cố lực lượng kiểm ngư cũng là để đáp ứng được yêu cầu của EU (thị trường xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam) về việc cần có hệ thống bộ máy kiểm soát đủ mạnh, bảo đảm ngăn chặn được các hành vi khai thác bất hợp pháp.

Từ kết quả và phân tích trên, UBTVQH xin tiếp thu, chỉnh lý, quy định tại Điều 89 theo hướng “Hệ thống Kiểm ngư gồm Kiểm ngư trung ương và Kiểm ngư các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển được tổ chức trên cơ sở yêu cầu bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nguồn lực của địa phương; giao Chính phủ quy định chi tiết về nội dung này”. Quy định như vậy sẽ đảm bảo tính linh hoạt và phù hợp với thực tiễn.