Doanh nghiệp đối mặt với tin đồn thất thiệt thế nào
Khi tin đồn thất thiệt làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp không còn cách nào khác là phải khôn ngoan đối mặt.
Im lặng chờ thời cơ hay “dội bom” đối thủ để bảo vệ mình trong trường hợp bị đối thủ chơi xấu, tung tin thất thiệt về sản phẩm của doanh nghiệp mình? Chắc chắn, đó là câu hỏi mà hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh đã có thương hiệu ít nhất từng một lần phải đối mặt.
Giống như tình huống được đặt ra trong Chương trình CEO - Chìa khóa thành công, với chủ đề “Chiến lược cạnh tranh - Đối thủ chơi xấu”, được phát sóng trên VTV1 vào sáng Chủ nhật (16/4) vừa qua. Bị đối thủ chơi xấu, không chỉ sản xuất hàng giả, hàng nhái mà còn tung tin đồn thất thiệt về chất lượng sản phẩm của công ty, doanh nghiệp chuyên sản xuất khăn giấy ướt đó cũng một phen lao đao.
CEO Cao Duy Khương (ngòi giữa) lắng nghe tư vấn của các chuyên gia. |
Tình huống này buộc doanh nghiệp phải tìm cách ứng xử cho thỏa đáng. Hiềm một nỗi, trong khi CEO muốn rằng, ngay lập tức phải thực hiện một chiến dịch truyền thông thương hiệu mạnh mẽ, kiểu “dội bom” để đáp trả và lấy lại uy tín cho thương hiệu của công ty, thì các cổ đông lại cho rằng, tốt hơn hết, doanh nghiệp cứ im lặng để cho mọi việc theo thời gian tự lắng xuống và để mọi người quên đi khủng hoảng này.
Im lặng là vàng. Nhưng liệu trong trường hợp này, im lặng có phải là giải pháp tốt hay không? “Tôi thấy CEO nói đúng, nếu im lặng và chờ thời cơ thì chắc chắn sẽ mất thị phần rất lớn. Sự thật thì vẫn mãi là sự thật”, khán giả Như Hằng sau khi xem phần tranh luận của CEO và các cổ đông đã bình luận như vậy trên trang fanpage của Chương trình.
Thậm chí, bạn Phạm Nhật Khánh còn thẳng thắn, việc rút lui “thật buồn cười”, bởi điều đó chứng tỏ sản phẩm của doanh nghiệp thật sự như những gì dư luận đồn thổi. Cùng quan điểm, khá nhiều khán giả đã bày tỏ sự đồng tình với đề xuất của CEO, mà ở chương trình lần này, ông Cao Duy Khương, Giám đốc Công ty cổ phần Nội thất Modern Home Việt Nam, là người chơi ngồi ở vị trí đó.
Bạn Key David bày tỏ, doanh nghiệp đang ở top 5 trên thị trường chứng tỏ năng lực và thị phần khá lớn. “Nếu chọn cách im lặng chờ thời, doanh nghiệp sẽ đánh mất thị phần, hơn nữa mất cả lòng tin của khách hàng với sản phẩm của doanh nghiệp. Im lặng cũng sẽ tạo thêm cho đối thủ nhiều cơ hội”, bạn Key David nói.
Quý doanh nghiệp, doanh nhân có thể xem thông tin chi tiết về chương trình tại fanpage facebook: www.facebook.com/ceochiakhoathanhcongsme. Các chương trình lên sóng đều được phát online trên kênh CEOTVNEXT của Youtube.
Vậy đâu là cách hành xử khôn ngoan nhất một khi doanh nghiệp bị đối thủ chơi xấu? “Nếu tôi là CEO, điều đầu tiên tôi sẽ làm là thống kê các nguồn tin xấu, đồng thời nhanh chóng xác minh nội bộ về sản phẩm và con người. Bước hai, đánh giá và phân nhóm các nguồn tin xấu thành hai nhóm: có danh và vô danh. Bước ba, cùng phân tích, dự đoán các hành vi tiếp theo của đối thủ và liệt kê hậu quả nếu có thể xảy ra. Cuối cùng, nhanh chóng tìm bên thứ ba đủ uy tín giúp xác nhận lại niềm tin cho khách mua, có thể tổ chức họp báo để minh bạch thông tin”, bạn Khong Ky Nguyên “hiến kế”.
Trong khi đó, bạn Mai Hiền cho rằng, doanh nghiệp nên kiểm tra lại hệ thống nội bộ, các cửa hàng, đại lý bán sản phẩm của mình để tránh trường hợp người của doanh nghiệp cấu kết với đối thủ nhằm làm giả, làm nhái sản phẩm của doanh nghiệp. “Tôi thấy đối mặt mới là kế hay, chỉ cần chứng minh sự thật. Chính bản thân mình là thật thì sao lại phải sợ hãi? Hãy biến bất lợi thành lợi thế, đối thủ sẽ bất ngờ khi doanh nghiệp có thể lật ngược tình hình, sau biến cố này thương hiệu sẽ càng nổi tiếng”, bạn Phạm Nhật Khánh nói.
Nhiều khán giả, nhiều quan điểm khác nhau cũng sẽ khiến CEO bối rối. Nhưng nếu thêm ý kiến của các chuyên gia, chắc hẳn CEO sẽ dễ dàng hơn trong việc đưa ra các quyết định của mình khi đối mặt với những tin đồn thất thiệt, đối mặt với tình huống bị đối thủ chơi xấu.
Hai vị chuyên gia của Chương trình, GS. Phan Văn Trường, Cố vấn thương mại Chính phủ Pháp, Thành viên HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và ông Trần Quốc Việt, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Kinh Đô, Tổng giám đốc Công ty Kinh Đô Miền Bắc, với kinh nghiệm của mình sẽ đưa ra được những tư vấn hữu ích cho cá nhân CEO của Chương trình, cũng như cho CEO của các doanh nghiệp Việt Nam khác đang lâm vào tình huống tương tự.
Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của Chương trình CEO - Chìa khóa thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp Truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự đồng hành của Tập đoàn bất động sản Novaland.
http://baodautu.vn
Ý kiến của bạn