Doanh nghiệp “nương theo cơn bão” để tồn tại
Đại dịch Covid-19 như cơn bão lớn càn quét toàn xã hội và “đánh bật” gốc rễ kinh doanh bao nhiêu năm của hàng chục ngàn doanh nghiệp khắp cả nước. Thay vì cố sức chống lại sức bão rất mạnh, thì “nương theo cơn bão” để tồn tại là chiến lược khôn ngoan…
Hơn 2 tháng nay, anh Nguyễn Ngọc Anh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần ASCS Việt Nam, làm việc tại nhà do lệnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Làm việc tại nhà chủ động về thời gian hơn, nên anh Ngọc Anh tranh thủ đầu tư phần mềm bán hàng hiện đại để tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của công ty.
Công ty ASCS sở hữu thương hiệu Ascar, chuyên cho thuê xe ô tô du lịch tự lái và có lái với hơn 20 đầu xe, chăm sóc xe ô tô, lắp đặt phụ kiện, “đồ chơi” ô tô nên cũng chịu một số ảnh hưởng tiêu cực từ nhu cầu giảm sút của khách hàng dẫn tới doanh thu sụt giảm.
KHÓ KHĂN LÀ ĐỘNG LỰC ĐỂ THAY ĐỔI
Tuy nhiên, anh Ngọc Anh cho biết tác động của dịch bệnh lên doanh nghiệp của mình ít nghiêm trọng hơn so với các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch vận chuyển hành khách. Công ty anh vẫn có thể duy trì hoạt động ở trạng thái tương đối gần với giai đoạn trước đại dịch.
“Ở một góc nhìn khác, trong bức tranh với gam màu xám chủ đạo, chúng tôi thấy vẫn có những điểm sáng và cơ hội phía trước. Các cơ hội tăng trưởng và mở rộng có thể kể đến như thương mại điện tử và công nghệ phục vụ khách hàng đang được chúng tôi đưa vào triển khai trong đợt này,” anh Ngọc Anh chia sẻ.
Mặc dù số lượng khách hàng thuê xe và mang xe đến garage của công ty để chăm sóc nội thất giảm hẳn, nhưng ASCS vẫn cố gắng xoay sở để tồn tại. Công ty chủ động mở rộng các mô hình bán hàng và tập trung nâng cao, đổi mới chất lượng dịch vụ để thu hút khách hàng. Theo anh Ngọc Anh, công ty anh bắt đầu áp dụng mô hình phần mềm bán hàng mới, nhưng chưa đưa vào sử dụng vì vẫn đang trong giai đoạn giãn cách.
Tuy nhiên, theo nhận định ban đầu của bên cung cấp dịch vụ cho ASCS, nếu triển khai thành công phần mềm bán hàng mới sẽ tạo thuận lợi lớn cho khách hàng trong giao dịch, mua bán, lắp đặt… Đây cũng là chiến lược kinh doanh khác biệt mà doanh nghiệp quy mô nhỏ này xác định theo đuổi lâu dài: đặt khách hàng vào vị trí trung tâm, từ đó không ngừng phát triển các hình thức kinh doanh mang lại hiệu quả cao nhất cho họ.
Trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, Golden Gate là tập đoàn lớn nhất Việt Nam, sở hữu gần 400 nhà hàng với hơn 20 thương hiệu, tập trung vào hai mảng lớn là lẩu và đồ nướng. Golden Gate ví Covid-19 như “cơn sóng thần” quét sạch tất cả những gì nằm trên đường đi của nó. Trong khi đó, ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) là một trong những ngành chịu sự tác động nặng nề nhất của đại dịch.
Golden Gate quyết liệt triển khai các giải pháp, đưa ra các sáng kiến mới nhằm nỗ lực thích ứng và từng bước vượt qua khó khăn.
Tập đoàn này phải tạm dừng hoạt động kinh doanh nhà hàng cũng như dịch vụ giao hàng tại các tỉnh và thành phố có yêu cầu giãn cách theo Chỉ thị 16. Gần 400 nhà hàng phải ngừng hoạt động ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn doanh thu của cả hệ thống Golden Gate, nhưng ban lãnh đạo tập đoàn không để cho khó khăn đánh mất đi sự lạc quan. Họ quyết liệt triển khai các giải pháp, đưa ra các sáng kiến mới nhằm nỗ lực thích ứng và từng bước vượt qua khó khăn, đặc biệt cố gắng đảm bảo đời sống của 15.000 nhân viên.
Một ví dụ của nỗ lực tự thay đổi để tồn tại trong cơn bão là Golden Gate nhanh chóng ứng dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh, ứng dụng các sáng kiến như G-deli, G-Hero (phục vụ việc lên kế hoạch nguyên liệu và nhân sự theo ca), lắp đặt các Kiosk tự động (gọi món và thanh toán bằng công nghệ) cho thương hiệu mới chuyên phục vụ món phở bò với tên gọi iPho...
Công ty cổ phần Thuỷ sản BES Việt Nam mới thành lập năm 2021, chuyên nuôi trồng thuỷ, hải sản ứng dụng công nghệ cao để cung cấp cho thị trường thực phẩm trong nước và nguyên liệu cho các đơn vị xuất khẩu. Theo anh Nguyễn Vũ Việt, Tổng Giám đốc BES Việt Nam, doanh nghiệp vừa mới ra đời thì bị đại dịch tác động, khiến cho sản phẩm không tiêu thụ được do các đơn vị thu mua không chuyển hàng được do lĩnh vực vận tải bị cấm. Các sản phẩm nguyên liệu phục vụ cho nuôi trồng thủy sản như thức ăn, con giống, các nguyên phụ liệu khác… cũng không vận chuyển được tới nơi sản xuất, trong khi lượng hàng tồn kho ngày càng cạn kiệt.
Theo thống kê, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ đã chiếm đến 97,8% tổng số doanh nghiệp cả nước. Đó cũng là nhóm đối tượng đã và đang đối mặt với hàng loạt khó khăn, vướng mắc khi phải ngừng hoạt động do giãn cách xã hội, các chi phí liên tục tăng cao, nặng gánh nhất là chi phí "3 tại chỗ", chi phí mặt bằng, kho bãi, bảo hiểm xã hội...
Trong lúc cả xã hội ở trạng thái giãn cách, nhiều nhà hàng có nguồn thu bằng 0, Golden Gate vẫn có doanh thu đến từ thương hiệu Icook là dòng sản phẩm sơ chế, cấp đông và đóng gói của chuỗi các thương hiệu nổi tiếng Manwah, Kichi Kichi, Ashima, GoGi... Golden Gate bắt tay với mạng lưới phân phối của các hệ thống siêu thị lớn như Vinmart, Vinmart+,Big C và hệ thống cửa hàng tiện lợi, thực phẩm sạch và trên các sàn thương mại điện tử để giao các gói đồ ăn tươi ngon đến tận cửa người tiêu dùng.
Công ty cổ phần VMT, sở hữu thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng Menard (Nhật Bản) thì thiết lập ban phòng chống dịch “trực chiến” 24/24 để chủ động ứng phó với mọi tình huống, nhằm đảm bảo an toàn cho nhân viên, khách hàng và cộng đồng. Menard Việt Nam cho biết họ nhận ra nhu cầu làm đẹp của phụ nữ luôn hiện hữu ngay cả trong đại dịch, nên quyết định chuyển đổi số, dịch chuyển phần lớn kênh truyền thống sang kênh Online.
Các hoạt động tư vấn 24/24h giúp khách hàng vẫn có thể mua sắm tiện lợi và an toàn ngay cả xã hội tạm ngừng mọi hoạt động mua bán trực tiếp. Theo bà Lê Thanh Hương, Tổng Giám đốc Menard Việt Nam, công ty cũng tiến hành chuyển dịch hệ thống sản phẩm, ưu tiên nhiều hơn cho những sản phẩm chăm sóc sức khỏe so với sản phẩm dưỡng da và trang điểm.
Anh Nguyễn Ngọc Anh, Tổng Giám đốc ASCS Việt Nam cho biết công ty anh sẽ tiếp tục đổi mới để thích nghi với hoàn cảnh làm việc trong giai đoạn dịch bệnh này. Ngoài việc thực hiện giải pháp đảm bảo an toàn theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, doanh nghiệp này tái cơ cấu nơi làm việc nhằm thích ứng với giai đoạn giãn cách xã hội: di chuyển vị trí tiếp xúc khách hàng ra khoảng cách xa hơn, phân chia ca làm việc để giảm tiếp xúc, cho phép một số vị trí làm việc từ xa… Ngoài ra, công ty cũng thành lập một đội ngũ chuyên phục vụ khách hàng tận nhà, bán và giao nhận hàng hoá qua đơn vị chuyên nghiệp…
Khó khăn chỉ là tạm thời đối với những doanh nghiệp có định hướng phát triển bền vững.
Anh Nguyễn Vũ Việt, Tổng Giám đốc BES Việt Nam thì cho rằng, tình hình dịch bệnh năm nay tồi tệ hơn năm ngoái, khiến doanh nghiệp nhỏ mới hoạt động của anh không lưu thông được hàng hoá, trong khi chi phí nguyên liệu tăng cao vì các đơn vị cung cấp thành phẩm cũng bị tăng giá nguyên vật liệu thô từ đầu vào. Hệ quả là nó gây hiệu ứng “domino” tăng giá dây truyền trong cả chuỗi cung ứng thủy sản. Tuy nhiên, anh Việt đã chủ động tối ưu hoá các khâu/quy trình sản xuất nội tại, cắt giảm chi phí, vận hành ở mức tối thiểu để tồn tại. BES Việt Nam cũng thực hiện cân đối lại kế hoạch sản xuất để phù hợp với tình hình hiện tại.
Ngày 29/8/2021 vừa qua, các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại TP.HCM đã gửi văn bản kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành gỡ khó cho nhóm doanh nghiệp này, bởi đây là nhóm chịu thiệt hại nặng nề do dịch kéo dài. Cụ thể, nhóm doanh nghiệp này đề xuất Chính phủ hỗ trợ 3 nhóm chính sách liên quan đến người lao động, thuế - chi phí và tài chính - ngân hàng.
Theo anh Nguyễn Vũ Việt, BES Việt Nam, một điều đáng mừng là các cá nhân trong tổ chức đã có ý thức hơn để cùng nhau đoàn kết, đối mặt và tìm mọi cách vượt qua trở ngại. Anh Việt khẳng định: “Khó khăn chỉ là tạm thời đối với những doanh nghiệp có định hướng phát triển bền vững”.
Nếu biết khôn khéo và kiên nhẫn nương theo sức bão, doanh nghiệp Việt sẽ cùng nhau tồn tại trong thử thách khắc nghiệt nhất từ trước đến nay, và cùng hy vọng vào bình minh tươi sáng ngày mai, khi cơn bão tan!
Ý kiến của bạn