Du lịch Nhật Bản có gì mới hấp dẫn?
Sắp đến tháng 5 rồi! Mùa Hanami chợt đến, trôi qua thật nhanh trong nỗi hậm hực, tiếc nuối của nhiều du khách lỡ mất thời khắc ngoạn cảnh hoa anh đào khoe sắc. Nhưng nước Nhật còn một khoảng thời gian dài 3 tháng tuyệt đẹp để du khách muôn phương tìm đến chiêm ngắm.
Đó là mùa Momijigari, mùa săn tìm sắc Thu vàng, nâu, đỏ phủ khắp mọi rừng cây, cảnh quan thiên nhiên. Và có lẽ chưa bao giờ trong lịch sử Nhật, một đất nước vốn nổi tiếng ngăn cách với "gaijin" (người ngoại quốc) nay lại rộng cửa chào đón du khách.
Mục tiêu 40 triệu du khách
Những năm 80 của thế kỷ trước, Nhật được xem là "đất nước xuất khẩu du khách" hàng đầu thế giới, nay Nhật đặt mục tiêu trở thành "điểm đến của 40 triệu du khách" vào năm 2020, thời điểm Olympic diễn ra tại các thành phố Nhật. Trước đây, Nhật từng đặt mục tiêu năm 2020 sẽ thu hút được 20 triệu khách.
Mục tiêu lớn này được đề ra sau khi Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật (Japan National Tourism Organization - JNTO) công bố kết quả rất khả quan: Trong năm 2015 đã có 19,73 triệu khách ngoại quốc đến thăm Nhật, tăng 47,3% so với năm 2014 (đón 14,41 triệu khách) và tăng gấp 4 lần so với năm 2003 (đón 5,21 triệu khách), thời điểm bắt đầu các chiến dịch quảng bá Visit Japan.
Lượng khách lớn này đã chi tiêu 3,48 ngàn tỷ yen (30,5 tỷ USD, tăng 71,5% so với năm 2014), một đóng góp đáng kể cho nền kinh tế Nhật. Theo một số các phân tích chuyên ngành, số tiền du khách nước ngoài chi tiêu tại Nhật nay bằng doanh thu của việc xuất khẩu phụ tùng xe hơi Nhật ra khắp thế giới.
Còn Japan Tourism Agency (JTA) cho biết, năm qua, du khách ngoại quốc đã ngụ trên lãnh thổ Nhật tổng cộng 66,37 triệu ngày. Ba nguồn khách chủ lực của du lịch Nhật năm 2015 gồm Trung Quốc với 4,99 triệu khách; Hàn Quốc với 4 triệu khách; Đài Loan với 3,67 triệu khách và Hồng Kông với 1,52 triệu khách. Những nguồn khách đáng kể khác đều là công dân các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.
Đến đông nhất, dòng khách Trung Quốc cũng chi tiêu nhiều nhất (40,8% của tổng số 3,48 ngàn tỷ yen thu được của du khách ngoại quốc). Người Nhật dùng từ "Bagukai" để mô tả việc bùng nổ mua sắm của làn sóng khách Trung Quốc. Xếp hạng nhì về chi tiêu là khách Đài Loan với 15%; rồi khách Hàn Quốc với 8,7%; khách Hồng Kông với 7,6%.
Nhằm đạt được mục tiêu mới thu hút 40 triệu khách vào năm 2020, Chính phủ Nhật đề ra 10 giải pháp cho ngành công nghiệp không khói, gồm từ việc cho phép các nhà khách chính phủ tại Kyoto và Akasaka được mở cửa đón khách; tái tạo các công viên quốc gia; làm tăng thêm vẻ đẹp của những danh thắng... cho đến việc gia tăng nỗ lực quảng bá tại châu Âu, Mỹ và Úc; giải tỏa những quy định lâu nay cản trở việc thu hút du khách cũng như đưa vào hoạt động những công nghệ mới để giúp du khách ngoại quốc xuất nhập cảnh dễ dàng hơn.
Gần đây, giới chức năng du lịch/lữ hành Nhật đề nghị các cơ sở spa, onsen, tửu quán ryokan đón nhận những du khách có hình xăm trên cơ thể. Các cung điện nguy nga ở cố đô Kyoto và thủ đô Tokyo, Ngân hàng Nhật cũng sẽ được phép mở cửa đón khách tham quan.
Riêng JNTO sẽ mở thêm cơ sở xúc tiến, quảng bá du lịch Nhật tại 6 thành phố hải ngoại, gồm Hà Nội, Kuala Lumpur, Manila, Moscow, New Delhi, Rome. Hiện nay, JNTO đã có văn phòng hoạt động tại một số đô thị lớn như Bắc Kinh, New York, Paris, nhờ Quốc hội đã chấp thuận tăng gấp đôi ngân sách dành cho công tác quảng bá du lịch lên thành 176 triệu USD trong năm tài chính 4/2016 - 3/2017.
Giới kinh doanh lữ hành Nhật cho rằng, có thể đạt mục tiêu 40 triệu khách vào năm 2020 nhưng Nhật khó giải quyết được vấn đề thiếu phòng khách sạn cho chừng ấy khách, nhất là ở ba điểm đến thuộc Cung đường vang, gồm Osaka - Kyoto - Tokyo.
Năm 2016 tiếp tục hút khách
JNTO cho biết, Nhật tiếp tục hút khách ngoại quốc với 3,74 triệu khách trong hai tháng đầu năm 2016, tăng 43,7% so với cùng thời gian năm 2015. Trong hai tháng đầu năm, khách Hàn cao hơn khách Trung Quốc (1.005.700, tăng 48% so với 973.900, tăng 66,4%), trong khi khách Đài Loan là 670.000, tăng 35,4% và khách Hồng Kông là 276.000, tăng 40,4%.
Ngoài châu Á ra thì các dòng khách phương Tây đến thăm Nhật nhiều nhất gồm có Anh, Pháp, Đức, Ý, Nga và Tây Ban Nha. Đáng kể là du khách Việt đến Nhật cũng tăng mạnh: 14.800 khách (tăng 20,7%) trong tháng 1 và 17.600 khách (tăng 85,5%) trong tháng 2. Chắc chắn số khách còn tăng cao hơn trong hai tháng 3 và 4 vì đây là thời gian của Hanami, thưởng ngoạn hoa anh đào khoe sắc khắp nước Nhật.
Du lịch Nhật có gì mới rất hấp dẫn? Thưa rằng mới gần đây hệ thống tàu viên đạn Shinkansen đã khánh thành tuyến Tokyo - Hakodate, có nghĩa là từ nay du khách có thể đi thăm các thành phố ở đảo phương Bắc Hokkaido của nước Nhật thật nhanh chóng, dễ dàng (4 tiếng 30 phút) chứ không còn phải mất hơn 5 tiếng 20 phút như lâu nay.
Nước Nhật vẫn có đủ mọi thứ với hấp lực mạnh đối với khách ngoại quốc. Đất nước miền Đông Bắc châu Á này vừa rất hiện đại, vừa rất bảo thủ truyền thống. Ngày nay, người Nhật có thể mua bất cứ thứ gì cần thiết trong cuộc sống hằng ngày, từ cây kem, tô mì, khúc bánh mì kẹp xúc xích đến cái dù che nắng, đôi găng tay, gói thuốc tại máy bán hàng tự động. Nhưng các món ăn Nhật vẫn rất đa dạng và truyền thống do thay đổi phù hợp theo từng mùa trong năm nên đã được giới chuyên ngành tôn vinh là ẩm thực hạng nhất thế giới. Nhật không chỉ có bia ngon, rượu sake dễ uống mà nay còn có loại rượu xuất sắc nhất thế giới.
Nếu đã mọc lên nhiều cao ốc sang trọng, kiểu thức tiên tiến ở các thành phố lớn như Tokyo, Osaka, Yokohama..., thì ở khắp mọi miền đất nước Phù Tang vẫn còn rất nhiều chùa chiền, đền đài được bảo quản rất tốt. Truyền thống văn hóa phục vụ cổ xưa cũng được giữ kỹ trong những ryokan (tạm dịch là lữ quán), khu onsen dù cho trong thời hiện đại Nhật đã chế tạo cả đến những người máy phục vụ trong nhà hàng, đón khách ở sân bay... Nghe đâu một trong những sản phẩm của Nhật thu hút rất nhiều du khách Trung Quốc chính là cái bàn cầu vệ sinh công nghệ cao.
Và thật thích khi du lịch Nhật vì người dân rất hiếu khách, sẵn sàng chỉ dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ và các khu phố luôn an toàn và bình yên.
Ý kiến của bạn