Du lịch Việt Nam - Góc nhìn thẳng
Việt Nam đã bị Thái Lan, Malaysia, Singapore bỏ xa về lượng khách du lịch quốc tế.
Du khách khám phá tại huyện đảo Cô Tô (Ảnh: L.T)
Cuối năm là thời điểm khá bận rộn mà có người chị thân thiết thì nay nhắn, mai gọi rủ đi Nhật Bản du lịch nhân dịp nghỉ Tết dương lịch. Chị đi Nhật đã hai lần rồi nhưng vẫn rất thích đi tiếp và muốn có cậu em biết tiếng, lại thông thạo nước Nhật đi cùng.
Chị thích leo núi Phú Sĩ, nhất là khi tìm hiểu những thông tin như trà trồng quanh khu vực núi Phú Sĩ rất ngon do nguồn nước ngầm là từ tuyết trên đỉnh Phú Sĩ ngấm vào đất rồi chảy xuống nên rất tinh khiết. Rồi núi Phú Sĩ có chiều cao tính từ đáy biển lên thì cao tới hơn bảy ngàn mét nên được coi như biểu tượng của Nhật Bản…
Khổ nỗi dịp Tết dương lịch thì không thể leo núi Phú Sĩ được, chỉ dịp cuối hè ít mưa mới leo được, thế là chị bảo đến dịp ấy lại đi tiếp. Điều này chứng tỏ chị ấy thích đi Nhật Bản du lịch và hiểu ra tại sao Việt Nam thất bại khi không thể đạt được mục tiêu 5 triệu khách quốc tế trong năm nay.
Việt Nam là nước sớm dỡ bỏ các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 để du khách quốc tế dễ dàng lựa chọn làm điểm đến. Việt Nam đã mở cửa du lịch từ 15/3/2022, trước nhiều nước trong khu vực, đồng thời khôi phục chính sách miễn thị thực và xuất nhập cảnh.
Việt Nam cũng là nước không yêu cầu có chứng nhận tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, dừng việc khai báo y tế với COVID-19 đối với người nhập cảnh từ ngày 27/4/2022, không phải thực hiện xét nghiệm COVID-19 trước khi nhập cảnh từ ngày 15/5/2022.
Thế nhưng Việt Nam đã bị Thái Lan, Malaysia, Singapore bỏ xa về lượng khách du lịch quốc tế. Rõ ràng chúng ta đã thua trận và đang hốt hoảng nhận ra chúng ra làm du lịch theo kiểu làm với những gì ta đang có chứ không làm những gì du khách đang cần.
Tất nhiên cũng có nguyên nhân khách quan như lượng khách lớn ổn định từ Trung Quốc, Đài Loan giảm sút do theo đuổi chính sách “0” COVID, hay cuộc chiến Nga - Ukaine gây khủng hoảng kinh tế châu Âu cũng như ảnh hưởng kinh tế toàn cầu, bất tiện cả đến các tuyến đường bay.
Nhưng rõ ràng các nước lân cận họ làm tốt hơn ta, thu hút được du khách, còn chúng ta mất đứt một khoản doanh thu cực lớn đến từ ngành công nghiệp không khói này. Doanh thu từ du lịch giảm sút đã ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô, tới lượng công ăn việc làm của lao động trong ngành du lịch, làm các cơ sở dịch vụ du lịch đìu hiu vắng vẻ cho dù đã đầu tư không ít về hạ tầng.
Việt Nam cần nhìn thẳng vào những khuyết điểm, hạn chế để có giải pháp thu hút khách quốc tế
>> Tăng trải nghiệm du lịch trên không gian số
>> Kinh doanh du lịch tại Quảng Nam dần “ấm” lên
>> Doanh nghiệp du lịch thể hiện trách nhiệm với môi trường
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trăn trở phát biểu đầy tâm tư, mong muốn có giải pháp để để ngành kinh tế tổng hợp, kinh tế xanh, phát triển được bền vững tại Việt Nam tại hội nghị “Thúc đẩy thu hút khách du lịch Quốc tế vào Việt Nam” ngày 21/12/2022.
Có tìm hiểu được thực trạng nguyên nhân thì mới tìm ra được giải pháp. Đừng tự hào ta có bờ biển dài, phong cảnh đẹp, đồ ăn ngon, con người thân thiện, mà nên xấu hổ vì sao ta có đủ thứ như thế mà khách lại lắc đầu khi lựa chọn.
Mấy đoạn clip phỏng vấn du khách thì tất nhiên họ sẽ khéo miệng khen lấy khen để cho chúng ta hài lòng vì họ biết chúng ta muốn nghe như thế. Họ sẽ không kể về việc nhiêu khê khi xin thị thực nhập cảnh, hay phải xếp hành mỏi chân ở sân bay làm thủ tục checkin, hành lý thì bị soi đi soi lại mà thái độ phục vụ của nhân viên sân bay thì tóm lại bằng một tiếng thở dài.
Phong cảnh Việt Nam tuy đẹp, nhưng chỗ cần hoang sơ tự nhiên thì bị bê tông hoá làm phá vỡ vẻ yên bình, rác thải, bụi bặm ở khắp nơi. Người dân thân thiện vẻ ngoài nhưng chỉ nhăm nhăm chặt chém khách du lịch, chèo kéo mời mua hàng rong. Đồ ăn ngon nhưng hàng quán mất vệ sinh, chưa kể nỗi lo về an toàn vệ sinh thực phẩm. Giao thông thì hỗn loạn, xe máy đi như ruồi bay, không biết đường nào để tránh. Chỉ du khách có chút máu phiêu lưu mới thích khám phá Việt Nam. Lượng khách có nhiều tiền sẵn sàng chi tiêu cho các dịch vụ cao cấp sẽ thấy không đáng bỏ đồng tiền ra khi họ cảm thấy không hài lòng.
An ninh chính trị của Việt Nam rất tốt, nhưng khách không có nỗi lo về khủng bố thì lo về an toàn giao thông, cũng như vấn đề trị an nhưng trộm cắp, cướp giật vẫn còn là điểm trừ đối với du khách quốc tế nhất là tại Thành phố Hồ Chí Minh. Chưa kể sân bay Tân Sơn Nhất bé, chật, di chuyển khó khăn, tìm lối ra, cửa vào với đống hành lý nhiều khi làm du khách nản trước khi ra khỏi sân bay.
Đặc biệt, “đặc sản” tắc đường với thời tiết khắc nghiệt, biến kỳ nghỉ thành cuộc hành xác thì chắc chắn họ cũng sẽ kể lại cho người thân bạn bè, chia sẻ trên mạng xã hội, dần dần ấn tượng xấu, ác cảm hình thành và du khách quốc tế cứ lặng lẽ rời xa Việt Nam đi nơi khác phù hợp với lựa chọn của mình.
Hết năm đến nơi mới đạt 3,5 triệu khách, chỉ được tầm 70%. Muốn có sự thay đổi cần có ngay biện pháp và làm đồng bộ. Đầu tiên là áp dụng chế độ thị thực giống như Thái Lan, mở cửa thì mở hẳn đừng he hé. Đào tạo đội ngũ nhân viên làm du lịch giỏi ngoại ngữ, hỗ trợ tiếp sức du khách ngay từ sân bay, có cửa, băng chuyền, thủ tục ưu tiên cho du khách. Nhân viên tại khách sạn, nhà hàng phải đủ tiêu chuẩn mới được phục vụ khách quốc tế. Dẹp bỏ hàng rong chèo kéo, taxi, xe ôm chặt chém khách. Phải xử thật nghiêm những vi phạm dù nhỏ. Đặc biệt, mỗi người dân phải là một đại sứ du lịch thân thiện, nhiệt tình. Xử lý rác thải, bảo vệ cảnh quan, cải thiện giao thông... Tất cả phải đồng bộ, càng khó càng phải làm quyết liệt. Nếu không chắc chắn du lịch Việt Nam sẽ “phú quý giật lùi” trong thời đại công nghệ và thông tin lúc nào cũng ngay và luôn như bây giờ.
Ý kiến của bạn