Đừng khởi nghiệp vì lòng tham
Từng làm giám sát bán hàng của PepsiCo, rồi quản lý vùng của tập đoàn năng lượng Chevron. Trải qua nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau, từ kế toán, làm xuất khẩu gỗ, làm thuê cho các tập đoàn đa quốc gia… chàng trai đầy máu lửa ấy đã quyết định khởi nghiệp với một công ty buôn bán phụ tùng xe máy và dầu nhớt.
Với 50 triệu đồng từ bán đất, Yên quyết định mở công ty phân phối phụ tùng xe và dầu nhớt, làm ăn chưa tích luỹ được bao nhiêu thì lại bị nhà phân phối gian thương lừa lọc. “Vì thị trường cần mặt hàng dầu nhớt giá rẻ, nên tôi gặp được một đối tác sản xuất, anh này dẫn tôi đến xưởng, cho tôi xem nguyên liệu toàn là dầu gốc trắng tinh và phụ gia nhập từ Mỹ, giá lại rẻ hơn 40% so với các công ty đa quốc gia”. Anh rất tin tưởng bỏ ra một số tiền lớn, nhập hàng về, khi tung ra thị trường thì toàn bộ lô dầu bị cặn, anh yêu cầu trả lại thì được trả lời rằng hợp đồng không có điều khoản trả hàng! Vậy là anh mất gần 500 triệu đồng… đem bán ve chai.
Lần thứ 2, quan sát thị trường Yên thấy một loại ruột xe giá rẻ, hàng bán chạy, nên liên lạc và nhập hàng này về, khi kinh doanh được sáu tháng, mặt hàng bị lỗi, đem trả hàng cho công ty này. Nhưng hàng giao đến nơi, công ty nhận xong, không trả tiền và biến mất! Yên mất thêm 200 triệu đồng nữa!
Lần thứ 3, Yên quyết định không “chơi” với công ty trong nước nữa, mà dùng số vốn còn lại để kinh doanh với một công ty Hàn Quốc ở Thái Bình sản xuất bình ắcquy, giám đốc điều hành là người Việt. Anh ra tận nhà máy, thấy hàng hoá rất tốt, xuất đi Hàn cả mấy container, anh chuyển khoản 700 triệu đồng để lấy hàng, nhưng khi gắn vào xe thì… không có điện, thế là mất toi 700 triệu đồng nữa. “Điều tra ra mới biết lô hàng xuất đi Hàn thì chuyên gia Hàn qua kiểm soát và nguyên liệu nhập từ Hàn, còn hàng sản xuất cho tôi thì anh giám đốc người Việt tuồn hàng Trung Quốc vào”, Võ Xuân Yên nói.
Võ Xuân Yên, CEO Công ty Dầu nhờn nano Việt Nam.
Ngã rẽ đời và ngã rẽ tâm
Tưởng chừng như bước xuống bùn rồi, với món nợ ngân hàng tới 5 tỉ đồng, lại bị lính, khách hàng vùi dập. Nhưng anh đã đứng dậy được nhờ uy tín trong nghề làm dầu nhớt. “Cũng nhờ một người anh mang công nghệ nano của Mỹ về Việt Nam, thấy mình sáng giá nhất nên mời mình về. Dù mình lúc ấy đang nợ đầm đìa, nhưng anh tin vào trải nghiệm của mình, tin mình có năng lực.
Còn đất đai ông bà tôi bán hết được trên dưới 1 tỉ đồng, hùn với anh bằng cách anh xây nhà máy, đầu tư công nghệ, mình lo sản xuất kinh doanh”, Yên nhớ lại. Từng là nhà cung ứng, sản xuất rồi, nên khi tiếp nhận công nghệ đứng đầu thế giới khá thuận lợi. Triển khai trong ba năm kỹ lưỡng, vận hành bộ máy như các công ty đa quốc gia luôn. Bung hàng trong vòng một năm, dầu nhờn nano đã mở được 200 nhà phân phối. Lính của anh đa số đều từ quản lý vùng của Pepsi, Coca-cola… “Họ đi theo mình vì thấy mình đàng hoàng”, anh chia sẻ.
Công ty Dầu nhờn nano đang bước sang giai đoạn phát triển mới, Võ Xuân Yên quyết định “phải thuê CEO giỏi hơn mình, cho cổ phần luôn để họ gánh công việc cho mình. Tôi từng tuyển vị trí quản lý mới, trả lương cho anh ta ba tháng mất 450 triệu, nhưng không thành công, cũng không sao. Rủi ro thị trường, rủi ro nhân sự… là bài toán khó nhất. Nếu công ty mình thực sự tốt, quản lý thực sự giỏi, sản phẩm tốt, thì tự động khách hàng sẽ tìm tới mình. Đó là văn minh. Quan trọng là mình có đủ năng lực lãnh đạo để dẫn dắt đội ngũ không, muốn thế phải đi học. Vượt qua rào cản chính mình không được là thua”.
Cho đi sẽ là của mình
Quỹ đầu tư cũng bắt đầu nhảy vô dầu nhớt nano, định giá thương hiệu 300 tỉ đồng và sẽ mua 25% tương đương 75 tỉ đồng, để phát triển thành công ty 1.000 tỉ đồng. “Nhưng tôi thấy quá rủi ro, vì nếu không đạt sẽ bị thâu tóm luôn. Mình thấy khả năng họ đẩy nhân viên của mình đi, trong khi mình đã hứa với anh em sẽ chia cổ phần cho mọi người. Bán đi thì sung sướng cuộc đời mình, nhưng anh em sẽ khổ.
Nếu tham quá, trong tay vài trăm tỉ, nhưng nhân viên sẽ đi về đâu? Một công ty muốn phát triển thì mình phải biết cho đi, cho đi thì công ty mới lớn mạnh. Nên tôi quyết định giữ lại, năm sau sẽ chia cổ phần cho anh em, mình chỉ nắm cổ phần chi phối thôi. Nghiên cứu về Phật giáo, triết học, tôi hiểu cuộc đời là vô ngã, không có gì là mãi mãi. Cho đi sẽ là của mình. Bây giờ tôi chỉ vào công ty hai tiếng làm cật lực thôi, còn lại thời gian để đọc sách…”
Hỏi anh bước ngoặt nào trong tâm đã khiến một người làm việc cật lực 16 tiếng một ngày giờ chỉ làm hai tiếng một ngày? Anh cười rạng rỡ: “Tôi từng mở nhiều công ty, từng nhiều lần thất bại và đau khổ, tuyệt vọng vì “tham vọng” làm giàu, vì ham muốn khởi nghiệp để báo đáp cho gia đình. Nhưng dù có nỗ lực cách mấy và hy sinh tất cả tuổi trẻ cho khát vọng, thì kết quả cũng là sự thất bại và đau khổ. Ngẫm nghĩ, dằn vặt, đi tìm… Nhiều khi vật vã, nửa đêm bật dậy, mất ba bốn năm trời giống như cái chai bị đậy nắp, đến 40 tuổi tôi mới hoàn thành nhân cách đúng nghĩa khi tìm thấy ánh sáng của đời mình”.
“Đó là đạo, hay cũng có thể là con đường hoàn thiện bản thân. Khi tôi đi theo ánh sáng le lói cuối đường hầm đó, tôi thấy ánh sáng càng lớn dần lên, cuộc đời mình thay đổi thật nhanh, thành công đến mà chẳng cần cố gắng. Ngày xưa làm việc một ngày 16 giờ mà chẳng mang lại kết quả gì, thua lỗ triền miên. Bây giờ làm một ngày hai giờ kết quả lại thật… phi thường, thương hiệu ngày càng phát triển. Ngày xưa ăn chơi ngút ngàn, chân dài, chân ngắn, rượu chè liên miên mà không đêm nào ngon giấc, vì lúc nào cũng bất an, chán chường. Bây giờ tuyệt giao với chân dài, ngủ ít, ăn rau, không rượu chè, lại thấy hạnh phúc tràn trề và đêm ngủ thật ngon lành, an nhiên tự tại… Ngẫm cũng lạ. Tự nhiên có ông bạn tặng cho cuốn sách nói về con đường giác ngộ của Phật, đọc xong mới hiểu. Tôi may mắn đã giác ngộ sớm, và hiểu hạnh phúc không đo bằng tiền bạc, danh vọng, sắc đẹp, mà là tình yêu thương, là sự chính trực, là sự tu thân… đó mới chính là đạo của khởi nghiệp”.
Doanh thu của dầu nhớt nano hiện đạt hơn 100 tỉ đồng/năm, nhưng anh không tham nữa: “Vì khi mở lớn ra, gian thương không nói, nhân viên cũng gian manh luôn. Đưa CEO vô để cùng mình xây nghiệp lớn. Hạnh phúc là có người công ty khác thuê không được, họ lại sẵn sàng về với mình, xây dựng cơ nghiệp dành cho tất cả mọi người. Kinh doanh mười năm nữa thôi tôi sẽ đi dạy miễn phí, tư vấn cho các bạn khởi nghiệp, thấy có giá trị hơn, vì cái tâm của mình đặt vào đó. Làm từ thiện là mang lại giá trị cho người khác, chứ không phải cho tiền. Vì nhiều khi cho tiền là tội lỗi, cho tri thức họ có thể thay đổi cuộc đời, góp chút xíu cho đất nước. Cảm thấy tự do, thích gì thì làm, không đi theo số đông nữa. Không ràng buộc bởi quyền lực, thị phi nữa”.
“Còn mình bây giờ chỉ cần 2 tỉ đồng, về quê trồng rau cuốc đất sống thanh đạm là sung sướng rồi. Ăn nhiều cũng bệnh, bỏ bớt đi, tài sản sau này cũng không cho vợ con. Cho con đi học, căn nhà là xong, có chỗ để ở, có tri thức để sống… Hồi xưa mình bày người ta hạnh phúc, mà mình chưa hạnh phúc, chưa giàu làm sao toả ra năng lực khiến người khác hạnh phúc? Bây giờ mình cũng không đi giao lưu quan chức nữa, thấy vô nghĩa lắm, không vui, dù mình quan hệ cũng “ác liệt” lắm. Mình muốn nhân viên trở thành tỉ phú hết, chứ mình giàu sang mà họ nghèo khó cũng tồi. Cuộc đời tôi thành công nhất là thay đổi con người mình, có thời gian rảnh rỗi ra biển ngắm bình minh. Đọc thật nhiều sách, thấm vô máu mình, tới ngày nào đó sẽ thay đổi con người mình. Thiền cũng giúp mình khoẻ, giảm thời gian ngủ bớt lại… đầu óc sáng suốt, năng lượng dồi dào hơn…”.
“Người ta nói kiếm tiền đã khó, xài tiền còn khó hơn, khi nào bạn chưa hiểu được ý nghĩa của việc kiếm tiền và sử dụng tiền trong cuộc đời mình thì đừng nên khởi nghiệp. Đừng khởi nghiệp kinh doanh vì lòng tham, vì sự ích kỷ. Khi bạn kinh doanh và làm giàu bằng mọi giá mà không nghĩ đến người khác thì bạn đang gây nguy hại cho xã hội và nhiều khi cho chính bản thân mình. Nếu bạn nghĩ rằng “túi tiền” là thước đo hạnh phúc của bạn, thì khi “túi tiền” ít đi hạnh phúc của bạn sẽ vơi theo. Bạn sẽ trở thành “nô lệ” của nó thay vì làm “ông chủ” theo đúng ý nghĩa của đồng tiền…”, Võ Xuân Yên trải nghiệm. |
http://danviet.vn
Ý kiến của bạn