Facebook và “quyền lực thứ 4” (Bài 1)
Các sự việc bầu cử Mỹ, chặn người dùng ở Úc cho thấy Mark và đội ngũ của anh ta đã thiết lập nên “quyền lực thứ tư” .
Các sự việc bầu cử Mỹ, chặn người dùng ở Úc cho thấy Mark và đội ngũ của anh ta đã thiết lập nên “quyền lực thứ tư” .
Lượt truy cập các website tại Úc rớt xuống mức thấp nhất sau khi Facebook cấm cửa người dùng tại quốc gia này
Mạng xã hội lớn nhất thế giới một lần nữa gây sóng gió khi cắt quyền xem, chia sẻ tin tức đối với người dùng trên toàn lãnh thổ Australia. Đây là cú sốc khủng khiếp của báo chí và truyền thông xứ sở chuột túi.
Trong vòng 38 tiếng đồng hồ lượt truy cập các website báo chí ở Úc giảm tới 93%, từ 201 nghìn lượt xem xuống còn 14 nghìn lượt xem. Đây là một trong những hệ quả khi quyền lực của Facebook thâm nhập sâu vào nội bộ từng quốc gia.
Điều này cho thấy gì? Ở nhiều nước, hầu hết thông tin trên Facebook thường được liệt vào dạng “chưa được kiểm chứng”, gọi là nguồn tin không chính thống, chỉ có báo chí thân cận mới được tin tưởng giao nhiệm vụ truyền tải thông tin.
Song, từ rất lâu người ta đã đặt ra vấn đề truyền thông dòng chính có nguy cơ lép vế hơn truyền thông mạng xã hội, điều này được biểu hiện qua những sự việc tưởng chừng như vụn vặt, lẻ tẻ được đo đếm bằng độ nhanh nhạy, sức lan tỏa.
Nhưng có một thứ còn nguy hiểm hơn là báo chí phụ thuộc quá nhiều vào Facebook để lan tỏa thông tin. Có một lượng người rất lớn đọc báo thông qua đường link được chia sẻ trên Facebook.
Ở khía cạnh báo chí, truyền thông, Facebook chính là "tờ báo đa phương tiện lớn nhất thế giới", qua các sự việc bầu cử Mỹ, chặn người dùng ở Úc cho thấy Mark và đội ngũ của anh ta đã thiết lập nên “quyền lực thứ tư” thực sự quá lớn ngoài sức tưởng tượng!
Thế giới công nhận báo chí là “quyền lực thứ 4” sau lập pháp, hành pháp và tư pháp. Với Facebook họ dường như có cả 4 quyền này. Việc có ảnh hưởng sâu sắc đến bầu cử Mỹ, “bịt miệng” Tổng thống D. Trump chính là quyền hành pháp mà mạng xã hội này giành được.
Sự vụ chặn người dùng tại Úc nhằm đáp trả dự luật truyền thông mới của nước này chính là thông điệp khuynh đảo quyền lập pháp. Và câu chuyện mạng xã hội lớn nhất hành tinh “bâng quơ” về bê bối của con trai Tổng thống J. Biden (Hunter Biden) chẳng khác mấy với quyền tư pháp.
Vậy, quyền lực của Facebook do đâu mà có? Zuckerberg từng nói đầy ẩn ý tại Quốc hội Mỹ: “Nếu là một quốc gia thì Facebook là quốc gia đông dân nhất thế giới”.
Quyền lực của Facebook vẫn không có dấu hiệu dừng lại!
Dù liên tiếp dính bê bối nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy đế chế công nghệ này sẽ lụi tàn như lời nguyền đã từng xảy ra với Yahoo, Nokia hay Alibaba. Sáng thức dậy cho đến đêm khuya, bất kể trong không gian nào, từ Paris hoa lệ đến những vùng xa xôi tại phi Châu,... Facebook đều “sáng đèn”.
Dù hạnh phúc hay khổ đau, sức khỏe tốt hay xấu, dù đang bận rộn hay nhàn rỗi, dù là trí thức cao siêu hay kẻ phàm phu tục tử đều trung thành với Mark như những con chiên ngoan đạo. Nó ảnh hưởng đến mức ai không dùng Facebook có thể bị xem là...bất bình thường!
Đi sâu một chút, có thể thấy rất nhiều công việc sản xuất, kinh doanh, buôn bán diễn ra trên phạm vi toàn cầu đều có dính dáng đến Facebook. Sự thật này làm lợi cho Facebook không chỉ là tiền mà còn là “nguồn thông tin dữ liệu” phong phú và khổng lồ.
Dữ liệu - ngày nay cũng giống như chiếc máy hơi nước ở thế kỷ 18, nó là động lực, sức mạnh, lợi thế tuyệt đối để đưa nhân loại bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của trí tuệ nhân tạo (AI), cốt lõi của cách mạng 4.0.
Ngay lúc này Facebook đã phát động cuộc chiến với các chính phủ, kể cả các cường quốc như Mỹ, Úc hay bất cứ nơi nào có dấu hiệu đi ngược lại quyền lợi của mạng xã hội này đều phải chịu trừng phạt.
Thủ tướng Úc Scott Morrison tuyên bố: “Tôi chỉ muốn nói với Facebook: Đây là Australia. Anh muốn kinh doanh tại đây, anh phải làm theo luật của chúng tôi”.
Ngài Scott rõ ràng là một nhà quản lý kỹ trị, đầy lòng tự tôn dân tộc. Nhưng hãy nhìn lại bài học từ thất bại của Tổng thống Trump, để thấy rằng cuộc chiến với Facebook không hề đơn giản.
Dĩ nhiên, cũng như mọi cuộc chiến sẽ có kẻ được người mất, cái mà chúng ta quan tâm là kết quả cuối cùng sẽ đưa hệ sinh thái truyền thông toàn cầu đến đâu?
Ý kiến của bạn