(TBKTSG) - Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Học viện Quản lý Á Châu (AIM - Asian Institute of Management) tại Makati, Philippines, tôi sang tham dự Hội đồng trường và nghe diễn giả chính - GS. Dan Shechtman, sinh năm 1941, người đoạt giải Nobel về hóa học năm 2011 do khám phá tinh thể mới (quasi-crystal) - thuyết trình về quá trình tạo lập phong trào khởi nghiệp rất thành công tại Israel từ năm 1987 nhờ tổ chức dạy chương trình “Tính kinh doanh công nghệ” (Technological entrepreneurship). | Từ phải sang trái: GS. Dan Shechtman, Nobel Hóa học 2011, GS. Jekyeong Kang, Hiệu trưởng Học viện Quản lý Á Châu, và GS. Võ Tòng Xuân.Ảnh: VTX | Giáo sư Shechtman bắt đầu bằng câu chuyện đất nước Israel của ông là một dải đất hơn 2 triệu héc ta (bằng phân nửa diện tích đồng bằng sông Cửu Long) mà 1,6 triệu héc ta là sa mạc; chỉ có một ít đất màu mỡ, chỉ có một con sông nước ngọt, không tài nguyên thiên nhiên nào khác. Tài nguyên duy nhất là khối óc của con người Israel. Tài nguyên này luôn luôn bị đe dọa bởi những người muốn tiêu diệt dân tộc của ông. Do đó mọi người Israel, từ người dân thường cho đến các nhà lãnh đạo tối cao đều tâm niệm rằng, chỉ có giáo dục thật căn bản và thâm sâu mới phát huy được tài nguyên con người để phát triển Israel hùng mạnh, cạnh tranh nổi với các nền kinh tế mạnh trên thế giới. Trong thời đại cạnh tranh kinh tế hiện nay, mỗi quốc gia cần phải có tiềm lực khoa học công nghệ thật tài giỏi và phải biết kinh doanh sản phẩm khoa học công nghệ của mình trong mọi lĩnh vực. Với dân số 9 triệu người, Chính phủ Israel xác định ngay từ đầu mục tiêu nền giáo dục Israel là đào tạo toàn dân trở thành những chuyên viên khoa học công nghệ, nên đã đầu tư xây dựng chín trường đại học trang bị đầy đủ thiết bị tối tân cho các phòng thí nghiệm để các giáo sư giảng dạy và nghiên cứu. Các sinh viên giỏi từ 600 trường trung học trong nước được tuyển vào học tại chín đại học này đều có thầy giỏi và đủ trang thiết bị để học, thực hành, và nghiên cứu với các thầy cô của mình. Nhờ chính sách đó mà ngày nay Israel nổi tiếng là quốc gia công nghiệp với hàng trăm ngàn công trình khởi nghiệp thành công. Đất nước nhỏ hẹp, nghèo tài nguyên thiên nhiên - chỉ có tài nguyên con người nên phải tập trung lo phát triển nguồn nhân lực bằng giáo dục tiên tiến, đào tạo nhiều nhà khoa học, kỹ sư, kinh tế nổi tiếng thế giới, trong đó có 12 người Israel đoạt giải Nobel. GS. Shecktman ngoài việc giảng dạy và nghiên cứu tại Học viện Technion, còn khởi xướng phong trào khởi nghiệp (startup) của Israel bằng chương trình đào tạo Tính kinh doanh công nghệ cho sinh viên trước khi tốt nghiệp. Không những chỉ lo công việc đào tạo và nghiên cứu tại đại học, ông cũng chú ý đến phương pháp giáo dục ở bậc học phổ thông để chuẩn bị cho các thiên tài khoa học công nghệ trước khi bước vào đại học. Ông đã xin Văn phòng Giải thưởng Nobel tại Thụy Điển cho phép dịch các bích chương giới thiệu nội dung các phát minh đã đoạt giải thưởng vật lý, hóa học và kinh tế hàng năm để phổ biến cho học sinh của hơn 600 trường trung học khắp lãnh thổ Israel. Khi về hưu cách đây năm năm, ông mở trường Mẫu giáo Khoa học, dạy cho trẻ con làm quen với các hiện tượng vật lý và hóa học trong tự nhiên, đồng thời Đài Truyền hình Thụy Điển cũng chiếu chương trình hàng tuần Học làm nhà khoa học với Dr. Dan. Với sự khởi xướng phong trào khởi nghiệp qua lớp học Tính kinh doanh công nghệ trong trường đại học, GS. Shecktman đã góp phần thành lập hàng ngàn doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu thanh niên Israel sản xuất hàng nông sản và công nghiệp chất lượng cao để xuất khẩu. Nhờ phong trào này, dân Israel không ngừng tăng cao lợi tức. GDP bình quân đầu người Israel năm 2017 là 40.237 đô la Mỹ, cao hơn Anh Quốc chút ít, gấp 17 lần của Việt Nam. Qua kinh nghiệm của Israel, chúng ta thấy rõ vai trò rất quan trọng của giáo dục. Một nền giáo dục căn bản, chất lượng cao từ mẫu giáo lên trung học chuẩn bị vững chắc cho sinh viên vào đại học hoặc các trường hướng nghiệp. Một mặt, nhà nước đầu tư đến nơi đến chốn cho giáo dục các cấp. Mặt khác, tinh thần học tập của toàn dân Israel để làm giàu cho đất nước nghèo tài nguyên đã hội tụ tại đỉnh thành công của một đất nước nổi tiếng về khoa học công nghệ. Nhiều nước đã tổ chức tham quan Israel, mong học tập kinh nghiệm khởi nghiệp để làm giàu nhưng chưa làm được vững chắc vì chưa chú ý đến chất lượng con người. Những nền giáo dục khập khiễng, quá yếu từ nhà trẻ - mẫu giáo đến trung học, vào đại học lại vừa thiếu đầu tư đến nơi đến chốn về trang thiết bị khoa học, thiếu lực lượng giảng dạy và nghiên cứu hùng mạnh, trong khi bản thân người học chưa thật sự quyết tâm học tập, thì không thể làm theo Israel. |
Ý kiến của bạn