Hộ kinh doanh "ngại" lên doanh nghiệp, vì sao?
Nhiều hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thái Bình thẳng thắn cho rằng, lý do mà hộ kinh doanh "ngại" lên doanh nghiệp là vì thiếu nguồn vốn, các vướng mắc về hồ sơ pháp lý và việc đóng thuế...
Sáng 15/8, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) và UBND tỉnh Thái Bình đã phối hợp tổ chức buổi tọa đàm và ký thỏa thuận hợp tác về phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
Tại buổi tọa đàm, nhiều hộ kinh doanh trên địa bản tỉnh Thái Bình đã thẳng thắn nói về những trăn trở, vướng mắc khi muốn chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Huê - Chủ hộ kinh doanh điện Toàn Huê ở Thái Bình cho biết, dù đã muốn chuyển đổi lên doanh nghiệp từ lâu nhưng một trong trở ngại lớn nhất chính là nguồn vốn và rất nhiều chi phí khi thành lập doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Huê - Chủ hộ kinh doanh điện Toàn Huê ở Thái Bình.
"Nhà tôi đã kinh doanh đồ điện được 20 năm nay và nhiều lần muốn lên doanh nghiệp nhưng vẫn còn nhiều trở ngại, đặc biệt là nguồn vốn. Tôi thì già cả trong khi con tôi vừa mới ra trường, muốn nối nghiệp cha mẹ nhưng không có nguồn vốn, khi vay ngân hàng thì phải có tài sản đảm bảo trong khi đó cháu vừa ra trường thì lấy đâu ra tài sản, thế chấp tài sản gia đình thì không được", bà Huê chia sẻ.
Bà Huê cũng cho biết, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuẩn bị có hiệu lực, đây là cơ hội để các hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp khi được hưởng nhiều ưu đãi như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn lệ phí môn bài 3 năm.
" Việc ra các chủ trương, chính sách này chúng tôi rất vui mừng, trước đó, mỗi tháng chúng tôi phải đóng 2,8 triệu đồng tiền thuế khoán theo kiểu áp đặt, còn khi lên doanh nghiệp sẽ phải đóng thuế theo chứng từ hóa đơn sổ sách nghĩa là doanh thu nhiều mới phải đóng thuế nhiều chứ không kiểu áp đặt", bà Huê nói thêm.
Tương tự, một hộ kinh doanh về sản phẩm rèm, mành ở Thái Bình cũng thắc mắc về việc tiếp cận nguồn vốn. Vị này cho biết, khó khăn nhất vấn là việc tiếp cận vốn vay ngân hàng khi vẫn còn vướng nhiều thủ tục, đặc biệt là các khoản chi phí thành lập doanh nghiệp từ các khoản chi phí không chính thức và chính thức.
"Nhiều khi chúng tôi vẫn muốn lên doanh nghiệp để mở rộng quy mô, tăng doanh thu nhưng chưa đủ vốn mà vay ngân hàng khi gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là về thế chấp, tài sản đảm bảo", vị này cho biết.
ông Nguyễn Hoàng Giang - Phó Chủ tịch tỉnh Thái Bình.
Trong khi đó, tại buổi tọa đàm, thừa nhận tình trạng các hộ kinh doanh ngại lên doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Giang - Phó Chủ tịch tỉnh Thái Bình cho biết, các quy định chặt chẽ về thuế, vốn vay hay kế toán đang là rào cản lớn nhất đối với việc chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Vì vậy, tỉnh Thái Bình phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ để các hộ kinh doanh thích nghi dần, tránh hụt hơi trong giai đoạn đầu làm doanh nghiệp.
"Đối với các hộ kinh doanh sau khi chuyển đổi thành doanh nghiệp, chúng tôi sẽ hỗ trợ miễn phí đăng ký kinh doanh lần đầu, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế môn bài... để các doanh nghiệp dần thích nghi và phát triển kinh doanh", ông Giang cho hay.
Tại buổi hội đàm, ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, Phó trưởng nhóm Tư vấn của VINASME cho biết, hiện nay, hộ kinh doanh cá thể có nhiều hạn chế so với doanh nghiệp về thương quyền.
Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương.
Nguyên nhân là do hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân, không được phát hành cổ phiếu, chỉ được kinh doanh tại một địa điểm và bị hạn chế số lượng lao động... Trong khi đó, doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn góp vào công ty, được phát hành cổ phiếu, không bị hạn chế về số lượng lao động.
Cũng theo ông Phan Đức Hiếu, mặc dù hộ kinh doanh có tính chất hoạt động linh hoạt, gọn nhẹ và quyết định thường nhanh hơn, dẫn đến chi phí quản trị thấp hơn. Nhưng hộ kinh doanh bất lợi trong thu hút nhà đầu tư tham gia góp vốn, mua cổ phần để mở rộng kinh doanh.
Tuy nhiên, ông Phan Đức Hiếu cũng trăn trở rằng, vấn đề chi phí, đặc biệt chi phí tuân thủ các quy định kế toán đối với doanh nghiệp, áp dụng đối với cả doanh nghiêp vừa và nhỏ khá tốn kém, không hấp dẫn, khiến các hộ kinh doanh ngại chuyển đổi thành doanh nghiệp. Vì thế, theo ông Hiếu cần phải sửa đổi những quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Cũng bày tỏ nỗi lo ngại trên, ông Trần Quốc Khoa - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Bình cho rằng, khi chuyển đồi mô hình kinh doanh từ hộ gia đình sang doanh nghiệp, nhiều người vẫn còn e ngại chuyện thủ tục pháp lý lên doanh nghiệp, băn khoăn khi lên doanh nghiệp phải tuân thủ hệ thống chặt chẽ kiểm toán, thanh tra, kiểm tra, quyết toán thuế...
Ông Nguyễn Văn Thân Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Nêu ý kiến tại buổi tọa đàm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam ông Nguyễn Văn Thân cho biết, nắm bắt được những lo ngại của các hộ kinh doanh, giữa VINASME và UBND tỉnh Thái Bình sẽ ký một thỏa thuận hợp tác nhằm giúp các hộ kinh doanh tự tin chuyển đổi lên doanh nghiệp, tiếp cận nguồn vốn phục vụ kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tự tin sản xuất kinh doanh.
"Là tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và Việt Nam, chúng tôi đã thành lập Tổ tư vấn, thông qua tỉnh, chúng tôi sẽ tư vấn miễn phí, hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn về cả nhân lực và các tư vấn thủ tục pháp lý thành lập doanh nghiệp, cũng như việc kết nối các các Bộ ngành, cơ quan chức năng, ngân hàng về việc tiếp cận vốn để phục vụ sản xuất kinh doanh", ông Nguyễn Văn Thân nhấn mạnh.
Lãnh đạo VINASME cũng cho biết, tại Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về "Tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 theo tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp", Thủ tướng Chính phủ đã giao VINASME xây dựng 3 đề án trong đó có đề án hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Hiện VINASME đã xây dựng đề án hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp với các chương trình hành động cụ thể cùng hệ thống giải pháp đồng bộ, hiệu quả hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp trong phạm vi cả nước.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ông Đặng Huy Đông cũng thừa nhận việc chuyển hộ kinh doanh lên doanh nghiệp vẫn còn nhiều vướng mắc và Thứ trưởng Đông coi đó là "con ngáo ộp" ngáng đường.
Ông Đặng Huy Đông Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Ông Đặng Huy Đông cũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cố gắng để 4 nghị định liên quan đến Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa ra đời khi Luật có hiệu lực, gồm: Nghị định Bảo lãnh tín dụng, Nghị định về quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị định về quỹ đầu tư khởi nghiệp, Nghị định hướng dẫn hực hiện quy định trong Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về vấn đề thủ tục, cần đơn giản theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ gia đình, đơn giản hóa thủ tục ở mức tối giản để họ làm quen thủ tục, không thấy quá khó trong 3-4 năm đầu khi mới thực hiện chuyển đổi. "Làm như vậy để họ nhận thấy khi lên doanh nghiệp sẽ tốt hơn ở vị trí hộ kinh doanh, không còn sợ “con ngáo ộp” thủ tục, nghĩa là quản lý thủ tục tốt hơn, kết nối thủ tục trên mạng, nộp thuế qua mạng", ông Đông nói.
"Thủ tục đơn giản, để bà con lội xuống nước cảm thấy không sâu, không quá lạnh và không “sợ bơi” cũng giống như việc chuyển hộ kinh doanh sang doanh nghiệp", ông Đông nêu dẫn chứng.
http://doanhnghiepvn.vn
Ý kiến của bạn