Hơn 60% doanh nghiệp Nhật muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam
Đó là kết quả “Khảo sát về thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại châu Á và châu Đại Dương năm 2016” do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tiến hành.
Với tình hình chính trị, xã hội ổn định, Việt Nam có nhiều thuận lợi việc trong thu hút dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản |
“Đây là tỷ lệ cao so với các quốc gia khác. Việt Nam tiếp tục là địa điểm đầu tư quan trọng của các doanh nghiệp Nhật Bản”, ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện Jetro nói trong buổi công bố thông tin khảo sát vào sáng qua (14/2) tại TP.HCM.
Ông Takimoto Koji cho biết, lý do quan trọng để doanh nghiệp Nhật quyết định mở rộng hoạt động kinh doanh ở Việt Nam là do doanh thu tăng (khoảng 88%). Khoảng 46% doanh nghiệp nhận thấy thị trường Việt Nam có tính tăng trưởng, tiềm năng cao (trong khối phi chế tạo, có khoảng 63% số doanh nghiệp đồng tình với điều này - PV). Gần 23% doanh nghiệp cho rằng, có nhiều hơn mối quan hệ với các đối tác là lý do họ quyết định mở rộng hoạt động.
Theo khảo sát của Jetro, Việt Nam có nhiều thuận lợi trong thu hút đầu tư. Cụ thể, Việt Nam xếp thứ tư (63,4%) trên tổng số 15 quốc gia về “tình hình chính trị, xã hội ổn định”. Hơn một nửa số doanh nghiệp được hỏi cũng đánh giá cao “quy mô thị trường, tính tăng trưởng” của Việt Nam.
Các rủi ro mà doanh nghiệp Nhật có thể gặp phải tại Việt Nam đã được cải thiện so với khảo sát năm trước, song theo Jetro, 60% doanh nghiệp lo ngại về vấn đề “chi phí nhân công tăng cao”. Mặt khác, khoảng 50% doanh nghiệp nhìn nhận “hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận dụng pháp luật không rõ ràng”; 40% doanh nghiệp chỉ ra “thủ tục hành chính phức tạp”, “cơ chế thuế, thủ tục thuế” là những vấn đề cần phải nhanh chóng được cải thiện.
Một vấn đề được phần đông các doanh nghiệp Nhật quan tâm lâu nay khi đầu tư, hoạt động tại Việt Nam là sự phát triển, cải thiện của lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cũng được đánh giá chi tiết trong khảo sát của Jetro. Cụ thể, tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam năm 2016 chiếm 34,2% là có tăng, nhưng không đáng kể so với năm trước. Tỷ lệ này cao hơn Phillipines (31,6%) nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với Trung Quốc (67,8%), Thái Lan (57,1%), Indonesia (40,5%)…
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, ông Takimoto Koji cho biết, với xu hướng đầu tư của doanh nghiệp hiện nay, nhiều khả năng các lĩnh vực sẽ được ưu tiên đầu tư trong năm 2017 và những năm tiếp theo là các dự án sản xuất hàng tiêu dùng, dự án dịch vụ, bán lẻ… Trong khi đó, với vấn đề được được dư luận quan tâm là việc Mỹ đã tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản, đại diện Jetro cho rằng, sẽ không có ảnh hưởng xấu.
“Qua tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp, chúng tôi chưa nhận được thông tin việc Mỹ rút khỏi TPP có tác xấu tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như quyết định đầu tư, mở rộng của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam”, ông Takimoto Koji nói và cho rằng, các doanh nghiệp Nhật đang hoạt động tại Việt Nam rất quan tâm đến các hiệp định thương mại tự do khác mà Việt Nam đã và đang tham gia, nhất là Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU.
Theo phân tích của đại diện Jetro, thị trường EU rất lớn. Hiện nay, các mặt hàng may mặc, da giày sản xuất tại Việt Nam vào thị trường EU có tỷ trọng khá cao. Tuy nhiên, thuế suất hiện nay vẫn ở mức cao, khoảng 16% đối với ngành may mặc. Nhưng theo lộ trình đã đàm phán của hai bên thì thuế suất sẽ giảm mạnh. “Trong khoảng 10 năm tới thì ngoài các nhà máy chuyên gia công sẽ có thêm rất nhiều dự án đầu tư vào công đoạn trước đó, như sợi, dệt… để được hưởng những ưu đãi từ chính sách thuế quan đã được cam kết. Đây sẽ là cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư và hiện nay, nhiều doanh nghiệp rất hứng khởi, trông đợi những thông tin tốt từ việc đàm phán, triển khai các hiệp định thương mại này”, đại diện Jetro khẳng định.
http://baodautu.vn
Ý kiến của bạn