Công ty cổ phần Khóa Minh Khai đã cổ phần hóa đến nay đã được gần 12 năm, nhưng suốt từ đó đến nay, tất cả các cổ đông của công ty đều chưa nhận được một đồng cổ tức nào, do suốt 10 năm (2006 - 2015) công ty liên tục thông báo lỗ.

Một thời hoàng kim

Năm 1972, khi bom giặc Mỹ tàn phá thủ đô Hà Nội, lúc đó nhà máy khoá Minh Khai cũng được thành lập dưới bàn tay của những người công nhân vừa sản xuất, vừa chiến đấu. Những chiếc khoá Minh Khai đầu tiên ra đời dần chiếm trọn tình cảm của người dân qua nhiều thời kỳ.

Dần dần những chiếc khóa đầu tiên ra đời với biết bao sự trăn trở. Từ những thứ đơn giản như những chiếc ke bản lề, chốt cửa các loại có trước cho đến một sản phẩm hoàn chỉnh đầu tiên là chiếc khóa tay nắm dài.

Từ thời tem phiếu đến thập niên 90 và cả những năm 2000, từ nhà phố đến tập thể khoá Minh Khai được ưa dùng, vững vàng trên thị trường và trở thành một trong những thương hiệu khoá lớn nhất cả nước. Thậm chí, có nhiều chiếc khoá đã vượt được biên giới sang châu Âu. Người dân miền Bắc một thời tin tưởng khoá Minh Khai, coi đó là niềm tự hào. 

Cú vấp để đời

Cho đến năm 2004, nhà máy khóa Minh Khai vẫn chưa hề có công nghệ sản xuất khóa tay nắm tròn, tuy nhiên không lâu sau đó, người ta lại thấy sản phẩm loại này của công ty xuất hiện trên thị trường. 

Khóa tay nắm tròn của Minh Khai mang ký hiệu MK14F, được đánh số từ No 6 đến No 10 và được bán với giá 84.000 đồng trở lên cho một chiếc. Chiếc nào cũng in biểu tượng “hàng Việt Nam chất lượng cao, tiêu chuẩn ISO 9001:2000”.

Tháng 1/2008, hàng nghìn ổ khoá giả bị phát hiện trong nhà máy. Toàn bộ khóa Minh Khai kiểu tay nắm tròn, với lô hàng khoảng 1 vạn chiếc, mang ký hiệu MK14F đều có xuất xứ từ Trung Quốc. “Công nghệ”, “dây chuyền sản xuất” khóa Minh Khai áp dụng đơn giản chỉ là đổi vỏ hộp Trung Quốc thành vỏ khóa Minh Khai rồi bán ra thị trường với giá bán tăng gấp đôi. 

Ở thời điểm đó, Công an Hà Nội đã khởi tố khóa Minh Khai với tội danh ‘Sản xuất, buôn bán hàng giả’ – một tội danh được quy định trong Bộ Luật Hình sự.

Như vậy, sau hơn 40 năm gây dựng thương hiệu 'khóa Minh Khai', công sức vun đắp của nhiều thế hệ công nhân đã bị vùi lấp bởi cung cách làm ăn gian dối của một bộ phận ban lãnh đạo Công ty.

Nỗi buồn cổ đông

Năm 2016 vừa qua, trong đợt công bố báo cáo tài chính, khóa Minh Khai đã chỉ thoát lỗ khi chuyển đổi đất nhà máy sản xuất thành cao ốc và được chi lại lợi nhuận từ dự án này. Do thiếu vốn, sản phẩm của khóa Minh Khai không đa dạng, sức cạnh tranh của công ty kém và hiệu quả sản xuất kinh doanh không có gì nổi bật suốt giai đoạn từ năm 2008 đến nay.

Cổ phần hóa từ năm 2006, đến nay, tất cả các cổ đông của công ty đều chưa nhận được một đồng cổ tức nào.

Dù đã hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, nhưng những thông tin về hoạt động kinh doanh, thua lỗ, nợ nần, nhân sự… của Công ty cổ phần Khoá Minh Khai không được công bố công khai trên website công ty.

Trang chủ công ty cũng không có mục dành cho nhà đầu tư, cổ đông để tìm kiếm thông tin chính thức về doanh nghiệp này.

Theo phản ánh của các cổ đông, Công ty cổ phần Khoá Minh Khai đã thiếu minh bạch thông tin tài chính khi không công bố báo cáo tài chính đầy đủ do Công ty Kiểm toán ACC thực hiện kiểm toán, mà chỉ công bố nội dung tóm tắt. Do đó, các cổ đông không thể nắm rõ về thực trạng tài chính, "sức khoẻ" của công ty.

Chia sẻ trên Thời báo tài chính, bà Nguyễn Thị Hoa, cổ đông của công ty cho hay: “Hàng năm, công ty không công bố tài liệu họp đại hội cổ đông, không công bố nghị quyết đại hội. Không những vậy, công ty đưa ra quy định vi phạm luật, rằng cổ đông sở hữu tối thiểu 660 cổ phần mới được dự đại hội cổ đông. Lô đất vàng tại 125D Minh Khai, công ty hợp tác trong dự án bất động sản Sky Light hiệu quả ra sao cũng không được công bố cho cổ đông mà hoàn toàn giữ bí mật. Tình trạng bê bối của Công ty cổ phần Khóa Minh Khai khiến cho tất cả các cổ đông đều bị thiệt hại”.