Không để bị qua mặt, TT Trump khéo léo sắp xếp cuộc gặp với lãnh đạo Triều Tiên để chứng minh quyền lực
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại khu phi quân sự (DMZ). Ảnh: Bloomberg.
Sau cuộc gặp giữa ông Tập Cận Bình và ông Kim Jong-un, Tổng thống Mỹ, không bao giờ để mình rơi vào thế bị qua mặt, đã khéo léo sắp xếp cuộc gặp để chứng minh quyền lực của mình.
Tổng thống Donald Trump và Nhà lãnh đạo tối cao Kim Jong-un đã khiến cả thế giới tròn mắt ngạc nhiên khi họ gặp nhau ở khu phi quân sự biên giới liên Triều với mục đích để "gặp gỡ và chào hỏi nhanh chóng". Ông Trump thậm chí đã bước qua đường biên sang lãnh thổ Triều Tiên để bắt tay ông Kim, trở thành tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đến thăm nước này.
Cuộc gặp này mang những ý nghĩa gì? Sẽ không phải chỉ là một cuộc hội ngộ đơn thuần.
Thứ nhất, Hội nghị thượng đỉnh Hà Nội giữa ông Trump và ông Kim đã không đạt được thỏa thuận phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
Hai nhà lãnh đạo đã có kế hoạch cho cuộc gặp tiếp theo trong tương lai gần. Rất có thể ôngTrump muốn thực hiện cuộc gặp gỡ mang tính ngẫu hứng này để duy trì mối quan hệ tích cực với Triều Tiên và tạo đòn bẩy cho tương lai. Cả hai đã thể hiện cho thế giới thấy rằng họ vẫn cam kết hướng tới một thỏa thuận hạt nhân. Cuộc họp không gây tổn hại hại gì mà dường như đã mang lại hiệu ứng tích cực.
Thứ hai, ông Kim muốn nâng cao vị thế Lãnh đạo tối cao của mình. Việc gặp gỡ tích cực với ông Trump chỉ giúp tăng cường sự hiện diện của ông trên trường quốc tế: ông đang gặp gỡ với nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới ở vị thế có thể nói là ngang hàng. Trong hai cuộc gặp hội nghị thượng đỉnh trước đó tại Hà Nội và Singapore với ông Trump, dấu ấn của ông Kim đã tăng đáng kể. Có lẽ ông Kim đang cố gắng củng cố vị thế của mình ở Triều Tiên.
Thứ ba, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp ông Kim ngày 20 tháng 6 tại Bình Nhưỡng trước thềm cuộc họp G20 tuần này tại Osaka. Có lẽ, cuộc họp này là để trao đổi việc chuẩn bị cho một cuộc gặp thượng đỉnh của hai bên trong tương lai.
Ông Trump, không bao giờ để mình rơi vào tình thế bị qua mặt, đã khéo léo sắp xếp cuộc gặp này để chứng minh quyền lực của mình. Đáng ngạc nhiên hơn, hai bên chỉ mất có vài ngày để thực hiện sự kiện này - đây là điều chưa từng có tiền lệ trong giới an ninh Mỹ.
Thứ tư, Tổng thống Trump gặp Tổng thống Moon Jae-in tại Seoul sau Hội nghị thượng đỉnh G20. Ông Trump đã mời ông Moon tham dự cuộc họp báo của mình sau khi gặp ông Kim. Điều này rất có ích cho ông Moon bởi điều đó cho thấy rằng nhà lãnh đạo Hàn Quốc luôn hợp tác chặt chẽ với người đứng đầu Nhà Trắng trongcác vấn đề liên quan đến Hàn Quốc và Mỹ.
Thứ năm, có lẽ Tổng thống Trump muốn "làm xì hơi" trái bóng của đảng Dân chủ sau vòng tranh luận tranh cử tổng thống năm 2020 vừa diễn ra. Với cách thức diễn ra như vậy, cuộc hội ngộ lần này như một nhát cắt làm gián đoạn mạch truyền thông và chệch hướng mọi sự chú ý khỏi Đảng Dân chủ.
Ngoài ra, suốt thời gian qua, ông Trump đã bị chỉ trích nặng nề về cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới phía nam nước Mỹ. Ông chủ Nhà Trắng đã phát đi một thông điệp tới phe đối lập rằng ông là một thế lực đáng gờm.
Tất nhiên, không phải ai cũng hài lòng với sự kiện này
Các đối thủ của ông Trump, đặc biệt là những nghị sỹ Dân chủ đứng đầu ở Quốc hội và các ứng cử viên tổng thống của đảng này, vẫn thường chỉ trích việc Tổng thống Mỹ gặp gỡ các nhà độc tài. Chúng ta không thể tưởng tượng Tổng thống Barack Obama sẽ làm như vậy bất chấp việc ông Obama luôn ủng hộ lãnh đạo Iran nhằm đạt được một thỏa thuận vũ khí hạt nhân.
Nhưng có vẻ như ông Trump luôn làm bất cứ điều mà ông được cảnh báo không nên làm. Chính vì vậy, ông đã gặp nhà lãnh đạo Ả Rập Xê Út tại G20 bất chấp những khuyến cáo trước đó. Ông cũng đã gặp Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình. Phe chống đối lại một lần nữa tổng hợp công lực ra đòn nhằm làm lu mờ cuộc gặp của ông Trump với ông Kim lần này.
Trước đó, trong nhiều ngày trước và sau Hội nghị thượng đỉnh của hai nhà lãnh đạo tại Singapore và Hà Nội, các đối thủ của ông Trump đã tìm mọi cách cáo buộc rằng ông Trump đã lùi quá nhiều trong thỏa thuận với ông Kim.
Có lẽ họ đã lo ngại rằng ông Trump có thể sẽ lại nhượng bộ quá nhiều như cách người tiền nhiệm Barack Obama đã làm trong thỏa thuận Iran. Sự chỉ trích này sẽ còn tiếp tục, mặc dù ông Trump đã không nhượng bộ bất cứ điều gì trong cả hai cuộc gặp cấp cao.
Chính quyền của ông Trump, bao gồm Nhà Trắng và quân đội, đều là những người mang quan điểm cứng rắn với Triều Tiên, Iran, Trung Quốc và các nước khác. Họ sẽ không hài lòng với ông Trump. Có lẽ Tổng thống đã gửi đến họ một thông điệp rằng ông sẵn sàng chiến đấu để đạt được mục tiêu của mình chứ không phải mục tiêu của họ.
Bất kể người ta nghĩ gì về Tổng thống Trump, ông đã đã thể hiện rõ quan điểm rằng các mối quan hệ quốc tế đang khủng hoảng cần có một cách tiếp cận mới và ông đang theo đuổi cách tiếp cận đó.
Các tổng thống Mỹ trước đây từ Tổng thống Reagan đến Obama đã không đạt được tiến triển nào trong mối quan hệ với Triều Tiên. Việc nỗ lực cho mối quan hệ với ông Kim có thể không mang lại kết quả gì, nhưng đó vẫn là điều đáng thử.
Biết đâu ông Kim sẽ chấp nhận lời mời ông Trump đến thăm Hoa Kỳ.
(*) Tiêu đề do tòa soạn đặt lại
http://soha.vn/
Ý kiến của bạn