Kinh doanh BĐS không phải là bán được bao nhiêu nhà, mà có bao nhiêu ô cửa sổ sáng đèn mỗi khi đêm về
Một triết lý tự ông Đào Ngọc Thanh – CEO Ecopark đúc kết sau nhiều năm dày công gây dựng dự án “thành phố xanh” Ecopark, đang được người mua nhà quan tâm.
Sau 33 năm trên bục giảng Trường Đại học Xây dựng, thầy giáo Đào Ngọc Thanh có một quyết định hết sức khó khăn đó là ra riêng làm ăn kinh doanh, bởi theo ông gần như cả cuộc đời ông đã gắn bó với nghề giáo.
Ông Thanh chia sẻ, thời làm thầy giáo ông cũng có tư vấn cho dự án nọ, dự án kia rồi gặp được ông Lương Xuân Hà – Chủ tịch của Vihajico có nói với ông “ bác hỗ trợ cho nhiều dự án, vậy sao không cùng chúng em làm cái gì rồi tự mình làm chủ”. Rồi sau đó ông Thanh đã bén duyên với Ecopark.
Dù là một thầy giáo rẽ ngang làm doanh nhân bất động sản, nhưng chia sẻ với chúng tôi ông Thanh lại có triết lý kinh doanh địa ốc mang cái “Tầm” của nhà phát triển bất động sản lớn. Sau nhiều năm gây dựng Ecopark, ông Thanh đúc kết “để trở thành một nhà phát triển bất động sản thành công thực sự, phải xem có bao nhiêu ô cửa sổ sáng đèn mỗi khi đêm về.”
Nghe có vẻ như đơn giản, nhưng theo ông để vươn đến “tầm” đó bản thân ông và những người sáng lập nên Vihajico luôn phải trăn trở, thay đổi dù là lớn hay nhỏ, hy sinh,…tìm mọi phương án để đạt được mục tiêu này. Đó là một công việc không hề dễ dàng.
Đến nay dù chỉ mới đi được một phần trong tổng thể 500ha của dự án Ecopark, nhưng chủ đầu tư này đã để lại nhiều điều mà nhiều dự án khác phải kiềng nể. Ecopark được ví như một “Phú Mỹ Hưng” của miền Bắc.
Mỗi lần mở bán sản phẩm Ecopark đều “cháy hàng”, thậm chí người dân muốn mua nhà phải xếp hàng. Giai đoạn 1 có diện tích khoảng 54ha đã bán hết biệt thự, nhà phố, chung cư và mới đây 2 khu chung cư cao tầng khác là West Bay và Aqua Bay khi tung khoảng 5000 căn hộ ra thị trường cũng đã tiêu thụ tới 80% chỉ trong vòng gần nửa năm.
Bán chạy hàng như vậy, không ít chủ đầu tư coi như đã thành công rực rỡ. Nhưng đối với vị CEO này như thế chưa hẳn đã thành công.
“Có dự án rồi nhưng lại không có các dịch vụ, hạ tầng xã hội. Ông làm nhà thì bán được tiền ngay nhưng làm bệnh viện, trường học…thì lâu mới thu được tiền. Nên phải có cơ chế nhưng hoàn toàn không ai để ý đến điều này. Đó là hạn chế của thị trường BĐS”. Ông Thanh nói.
Vậy nên, chúng ta đã quá quen với những hình ảnh “đô thị ma”, những dãy biệt thự tiền tỷ hoang phế, những khu nhà tái định cư bỏ hoang nhiều năm đen ngòm, những bụi cây cỏ dại mọc ùm tùm, những khu đô thị chỉ thấy cột điện nhan nhản mà chẳng thấy nhà đâu…
Có lẽ phải trải qua cái cảm giác lạnh sống lưng mỗi khi choạng vạng tối ở giữa những đô thị ma như vậy mới thấy được ý nghĩa triết lý của vị CEO “đặc biệt” này, đó là thành công không phải là những con số kinh doanh, mà là niềm vui của những ô cửa sáng đèn mỗi khi đêm về.
Chung cư Rừng Cọ (Ecopark) về đêm. Ảnh: Lê Văn Quang
Làm được như vậy, theo ông Thanh phải tạo nên một không gian sống đích thực. Nhưng thế nào là cuộc sống đích thực? Đó là một trăn trở lớn của ông và ông Lương Xuân Hà. Ông Thanh chia sẻ, ông cùng với chủ tịch Ecopark đã từng xuất ngoại nhiều lần để xem thiên hạ làm thế nào. Và trong một chuyến đi Trung Quốc trên đường từ sân ông thấy hai bên đường rợp cây xanh và hoa, cả hai ông đều thốt lên “đường vào Ecopark phải như vậy”.
Không những thế, phát triển Ecopark phải là một thành phố, ở đó có đầy đủ mọi thứ từ trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại, vui chơi giải trí…theo ông Thanh chia sẻ phải làm thế nào để hút được người dân về sinh sống.
Thế mới có câu chuyện phải tạo ra kinh tế - thương mại ở Ecopark chứ không chỉ có “sinh thái” của vị CEO này để mỗi người dân đều có thể kiếm tiền ngay trong khu đô thị.
Hay như việc thay đổi trong quy hoạch của khu đô thị cũng vậy. Theo ông Thanh trong 9 năm qua, Ecopark có nhiều điều chỉnh và thay đổi nhưng đó đều là những thay đổi tốt để hút người dân. Chẳng hạn việc điều chỉnh khu đất công viên mùa xuân hiện nay, trước đây đó là khu đất dự kiến xây chung cư. Ecopark cũng đã chôn khá nhiều tiền vào phần móng cọc nhưng điều chỉnh sẽ tốt hơn.
Đó là câu chuyện hút dân về Ecopark qua việc phải có những trung tâm thương mại lớn, trường quốc tế, bệnh viện quốc tế, kể cả sân golf,…và chủ đầu tư này đã và đang làm điều đó. “Vừa rồi chúng tôi đã ký hợp tác với một bệnh viện tư nhân của Nhật đang chuẩn bị đầu tư vào đây”, ông Thanh chia sẻ.
Những triết lý kinh doanh và phát triển Ecopark của ông Đào Ngọc Thanh là sự hòa quyện giữa 2 yếu tố “sinh thái” và “kinh tế - thương mại”. Có thể thấy những gì mà chủ đầu tư dự án này đã và đang và sẽ làm là giải quyết vấn đề “kinh tế - thương mại” cho mỗi cư dân.
Lúc đầu người mua nhà vì sinh thái nhưng sau đó họ sẽ phải tính đến giá trị ngôi nhà tăng lên, mà giá trị BĐS tăng lên chỉ khi nào dự án có môi trường sống mà nhiều người mơ ước. Thế mới thấy được vì sao Ecopark lại đổi slogan của mình từ “Thành phố của những màu xanh” sang “Thành phố xanh tươi, cuộc đời trọn vẹn”.
http://cafef.vn
Ý kiến của bạn