Kinh tế 2017: Động lực và lực cản đan xen
Kinh tế 2017 theo dự cảm của các chuyên gia kinh tế là có sự đan xen cả động lực và lực cản...
Kinh tế 2017 theo dự cảm của các chuyên gia kinh tế là có sự đan xen cả động lực và lực cản...
Hội thảo Kinh tế 2017 và sinh khí mới từ Chính phủ kiến tạo. Ảnh: Việt Tuấn.
Dự kiến kết thúc lúc 16h30 song đến tận gần 18h chiều 12/1, Giáo sư Nguyễn Quang Thái - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Việt Nam - mới có thể kết thúc buổi toạ đàm về chủ đề Kinh tế 2017 và sinh khí mới từ Chính phủ kiến tạo được tổ chức tại Thời báo Kinh tế Việt Nam.
Ông Thái nhắc lại hai nội dung đã được bàn thảo rất sôi nổi trước đó liên quan đến tuyên ngôn của Thủ tướng về Chính phủ kiến tạo và hy vọng biến áp lực thành cơ hội trong năm 2017 của nền kinh tế.
Dự cảm kinh tế 2017 từ các chuyên gia tham dự toạ đàm như Trương Đình Tuyển, Võ Trí Thành, Nguyễn Đình Cung, Trần Đình Thiên... đan xen cả động lực và lực cản.
Động lực đầu tiên được nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đề cập là có thể có một môi trường đầu tư tốt do hiệu quả cải thiện của những năm trước, đặc biệt là ở năm 2016 sẽ phát huy tác dụng cao hơn ở 2017.
Ngoài ra nền kinh tế còn có yếu tố động lực từ sự gia tăng của tầng lớp trung lưu dẫn đến tăng cầu nội địa, rồi khu vực doanh nghiệp tư nhân bắt đầu khởi sắc, đặc biệt là phong trào khởi nghiệp.
Dù TPP đang gặp khó khăn, "Ông WTO" Trương Đình Tuyển cho rằng Việt Nam vẫn đang tham gia 16 hiệp định thương mại tự do, và đó cũng là một động lực phải nhắc đến.
Về lực cản, ông Tuyển nói, thứ nhất là có nguy cơ bất ổn của kinh tế vĩ mô không được giải quyết. Nợ công tăng, nợ xấu không được giải quyết, đặc biệt là nợ xấu trong ngân hàng không được giải quyết cơ bản.
Lực cản cực lớn, theo ông Tuyển chính là tăng tưởng chủ yếu vẫn dựa vào đầu tư, vẫn dựa vào xuất khẩu chứ không dựa vào các ngành có giá trị gia tăng cao.
Có chấp nhận giảm tăng trưởng trong ngắn hạn để tái cơ cấu nền kinh tế thực sự hay không là vấn đề cần đặt ra, vừa muốn tái cơ cấu vừa muốn tăng trưởng cao trong ngắn hạn thì rất khó, ông Tuyển nhấn mạnh.
Lực cản tiếp theo được ông Tuyển nhìn nhận FED đã tăng lãi suất và USD lên giá buộc Việt Nam phải có thái độ với tỷ giá.
Chúng ta có neo được tỷ giá mãi như thế này được không, nếu không thì lạm phát sẽ tăng. Mục tiêu lạm phát 4% theo tôi là không thực tế khi mà có nhiều yếu tố đẩy lạm phát cao hơn 2016, như tỷ giá, giá dầu tăng rồi phải điều chỉnh giá một số dịch vụ. Nếu không hoá giải được lực cản thì việc thực hiện các chỉ tiêu tăng trưởng và lạm phát của năm nay đều rất khó, ông Tuyển nói tiếp.
Không thể chạy theo tất cả mọi lĩnh vực mà Việt Nam phải chọn những lĩnh vực có lợi thế như du lịch và nông nghiệp, công nghệ thông tin, phát động khởi nghiệp sáng tạo tìm ra nhân tố mới, phải chọn nhữg lĩnh vực có lợi thế so sánh thì mới ứng phó với làn sóng công nghiệp đang đến càng ngày càng nhanh, ông Tuyển nhìn nhận.
Khó khăn thách thức của nền kinh tế 2017 dưới góc nhìn của chuyên gia Võ Trí Thành cũng rất cao. Cho rằng ổn định kinh tế vĩ mô là thành công song ông Thành đánh giá nợ công còn không ít rủi ro, lòng tin của công chúng và thị trường tài chính chưa cao. Áp lực điều hành tiền tệ chắc chắn cũng sẽ khó hơn khi phải cấn đối quá nhiều mục tiêu.
Viện trưởng Viện Kinh tế Trần Đình Thiên nhận định, khó khăn trong ngắn hạn là rất lớn. Bởi trong nước dù có động lực mới được khơi dậy từ Chính phủ kiến tạo thì khu vực doanh nghiệp vẫn rất yếu, riêng doanh nghiệp nhà nước quá yếu chứ không phải yếu.
Nhắc đến con số hơn 100 ngàn doanh nghiệp được thành lập mới mà Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh trước đó, ông Thiên cho rằng số này vẫn chưa được kiểm định qua thực tế. Và đo lường qua năng lực cạnh tranh thì khu vực doanh nghiệp rất yếu.
Liên quan đến vấn đề ông Tuyển đặt ra là có dám giảm tăng trưởng trong ngắn hạn để tái cơ cấu nền kinh tế thực sự hay không, Viện trưởng Thiên cho rằng chưa chắc tái cơ cấu đã làm tăng trưởng giảm đâu mà có khi lại tốt lên vì tiền dân rất nhiều.
Chả năm nào không có khó khăn, cái đó là việc bình thường, càng khó khăn càng tạo ra sức ép nên không lo về khó khăn thách thức, lo nhất là anh có muốn thay đổi anh hay không, có chủ động thay đổi hay không, hay chờ sức ép đến tận cùng rồi thay đổi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung tham gia ý kiến.
Và ông Cung cũng thẳng thắn nhìn nhận, nhiều khi chính giới chuyên gia cũng cổ vũ cho sự không muốn thay đổi. Chẳng hạn tăng trưởng không đạt lại đi lý giải là nông nghiệp và khai khoáng không đạt chứ không lý giải là do tăng trưởng đã tới hạn rồi.
Dùng công cụ vĩ mô để thúc đẩy tăng trưởng không còn dư địa nữa, trọng tâm là thay đổi để thị trường tốt hơn, như thế mới nâng cấp nền kinh tế lên được, giới chuyên gia phải thúc đẩy điều đó nhiều hơn, ông Cung phát biểu.
http://vneconomy.vn
Ý kiến của bạn