Lần đầu được tổ chức tại Việt Nam, Kafka Festival 2018 sẽ kéo dài hơn 1 tháng
TĐO - Từ ngày 5/3 đến ngày 14/4/2018 tại Hà Nội, Đại sứ quán của các nước Áo, Cộng hòa Czech, Đức, Thụy Sĩ tại Việt Nam sẽ cùng phối hợp với các đơn vị tổ chức “Kafka Festival 2018” - chuỗi sự kiện văn hóa kỷ niệm 135 năm sinh của nhà văn Franz Kafka (1883-1924) gồm nhiều hoạt động đa dạng cả về văn học, điện ảnh, biểu diễn và học thuật được thực hiện tại hơn 20 không gian văn hóa trên khắp địa bàn Hà Nội.
Đến với “Kafka Festival 2018”, độc giả và những người yêu văn chương nghệ thuật sẽ có cơ hội lắng nghe những tọa đàm cùng chia sẻ về cuộc đời, sự nghiệp, tác phẩm cũng như những đóng góp cho văn học và nguồn cảm hứng, tầm ảnh hưởng to lớn của Franz Kafka đến các nhà văn, triết gia, nghệ sĩ nổi tiếng…
Trong Festival lần này có nhiều sự kiện được tổ chức như: tọa đàm "Franz Kafka - Hơn cả một cái tên" diễn ra lúc 14h30 ngày 24/3 tại Không gian văn hóa Đông Tây; tọa đàm “Triết học trong nghệ thuật Franz Kafka” diễn ra lúc 15h ngày 7/4 tại Heritage Space; chuỗi triển lãm "Kafka - Hành trình đến với độc giả Việt Nam" sẽ diễn ra tại 3 địa điểm: Không gian văn hóa Đông Tây (số 99 Ngụy Như Kon Tum từ 23/3 tới 1/4), Heritage Space (Dolphin Plaza, số 6 Nguyễn Hoàng Nam, từ ngày 3/4 tới ngày 8/4) và trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội (336 Nguyễn Trãi, từ 9/4 tới 14/4).
Nhiều bộ phim hay cũng sẽ được giới thiệu tới công chúng. Đó là những bộ phim về Kafka, cũng như những bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học của ông. Ví như phim tài liệu “Kafka là ai?”, phim ngắn “Kafkaesque” được chiếu vào ngày 4/4 tại Heritage Space. Hai bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết của Kafka là Lâu đài (phim Đức - Áo), và Vụ án (phim Pháp) cũng được chiếu tại Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Tài năng Điện ảnh TPD và Trung tâm Văn hóa Pháp. Đặc biệt, “Ngày phim Kafka” tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn giới thiệu những bộ phim trên tới đông đảo sinh viên.
Vào lúc 19h30 ngày 6/4, Đại sứ quán Áo tại Việt Nam thực hiện một chương trình biểu diễn nghệ thuật mang tên “Vũ điệu Kafka” tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ, 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây được xem là sự kiện mong chờ nhất của “Kafka Festival 2018”. Bên cạnh đó, hội thảo khoa học “Kafka với nền văn học châu Á” diễn ra ngày 14/4 tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội hứa hẹn thu hút đông đảo độc giả.
Về nhà văn Franz Kafka Franz Kafka là một nhà văn lớn viết truyện ngắn và tiểu thuyết bằng tiếng Đức, được giới phê bình xem như một trong những tác giả có ảnh hưởng nhất thế kỉ 20. Kafka là một nhà hiện đại chủ nghĩa và chịu ảnh hưởng mạnh bởi những thể loại khác, bao gồm chủ nghĩa hiện sinh. Các tác phẩm nổi tiếng của ông, như “Hóa thân” (Die Verwandlung), “Vụ án” (Der Prozess), và “Lâu đài” (Das Schloss) sử dụng những chủ đề và nguyên mẫu về sự ghẻ lạnh, sự tàn bạo về thể xác và tinh thần, mâu thuẫn cha-con, những nhân vật trong những cuộc truy tìm đáng sợ, và những sự biến đổi kỳ bí. Franz Kafka sinh ngày 3 tháng 7 năm 1883 tại Prague, khi đó thuộc Đế quốc Áo-Hung, trong một gia đình Do Thái nói tiếng Đức khá giả. Ông đỗ tiến sĩ luật năm 23 tuổi và đi làm cho một công ty bảo hiểm. Từ năm 1909, 26 tuổi, Kafka đi du lịch ở nhiều nơi, trong đó có Pháp và Đức. Từ năm 1912 là bắt đầu thời kỳ Kafka cho ra đời những tác phẩm quan trọng. Kafka bắt đầu viết những truyện ngắn trong những lúc rảnh rỗi, và trong suốt phần đời còn lại ông luôn phàn nàn về khoảng thời gian ít ỏi có thể cống hiến cho việc viết văn – mà ông dần xem là thiên hướng của mình, trong khi lấy làm hối tiếc đã dành nhiều sự quan tâm cho “công việc hàng ngày” (brotberuf, tức công việc kiếm sống). Vì mắc bệnh ho lao, ông qua đời ngày 3 tháng 6 năm 1924 khi tuổi đời còn khá trẻ. Đi ngược với nguyện vọng của Kafka (đốt hết những gì ông đã viết), người bạn thân thiết Max Brod đã giữ lại những tác phẩm của ông và xuất bản, mà ngay từ thập kỷ 30, chúng đã dần có ảnh hưởng rộng khắp ở phương Tây. Các tác phẩm chính của ông bao gồm 3 tiểu thuyết “Vụ án” (Der Prozess) (1925), “Lâu đài” (Das Schloss) (in năm 1926), Nước Mỹ (Amerika) (in năm 1927), truyện vừa “Hóa thân” (Die Verwandlung) (1915), khoảng 20 truyện ngắn và gần 70 truyện cực ngắn. Tiêu biểu nhất có các truyện ngắn “Lời tuyên án” (Das Urteil) (1912), “Một người thầy thuốc nông thôn” (Der Landarzt), “Trại cải tạo” (In der Strafkolonie) (1919), “Nghệ sĩ nhịn ăn” (Der Hungerkünstler) (1924),… Nhật ký (1910-1923) và thư từ của Kafka cũng được xuất bản, bao gồm: tập “Thư gửi Bố”, “Thư gửi Milena”, “Thư gửi Felice”, “Thư gửi Ottla và gia đình”,… Thế giới đã có hàng nghìn công trình nghiên cứu về Kafka. Cuộc đời, tác phẩm và tư tưởng triết học của ông chưa bao giờ vơi sức hút với giới nghiên cứu đủ mọi lĩnh vực, trường phái. Đối với văn chương, quan trọng hơn cả, ông mở ra nguồn cảm hứng mới cho các nhà văn hậu thế. Kafka là tượng đài kỳ vĩ của những trường phái văn học – triết học về sau, như phi lí, hiện thực huyền ảo, hiện sinh, hậu hiện đại. Ngày nay, những tiểu thuyết gia best-seller hàng đầu thế giới như Haruki Murakami, Salman Rushdie, Margaret Atwood,… cũng đều chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ Kafka. |
http://thoidai.com.vn
Ý kiến của bạn