Lợi thế từ nhiều FTA nhưng chỉ 47% hàng hóa Việt Nam tận dụng được ưu đãi thuế khi xuất khẩu sang Hàn Quốc
Tại hội nghị công bố Báo cáo thường niên kinh tế và thương mại Việt Nam 2019- báo cáo được thực hiện bởi Trường Đại học Thương mại và một số cơ quan thuộc Bộ Công Thương, các chuyên gia cho rằng, hội nhập đã và đang mang lại những cơ hội rõ nét cho xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, việc tận dụng vẫn chưa được như kỳ vọng.
Chưa tận dụng hết hiệu quả từ hội nhập
Báo cáo chỉ rõ, sự tăng trưởng của hoạt động xuất nhập khẩu trong năm 2018 đã đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có độ mở kinh tế lớn nhất trong khu vực cũng như trên thế giới. Ví dụ, tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) năm 2018 đạt trên 480 tỷ USD, gấp gần 2 lần GDP, là kết quả khả quan và được coi là thành công của tiến trình hội nhập.
Tuy nhiên, TS. Lương Minh Huân- Viện Phát triển doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho rằng, XK thời gian qua được coi là thành công nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố chưa bền vững. Đơn cử, tỷ trọng XK của khu vực kinh tế trong nước ngày càng giảm đi. Năm 2007, Việt Nam bắt đầu gia nhập WTO, khu vực trong nước chiếm 51,5% kim ngạch XK, nhưng đến năm 2018, khu vực này chỉ còn chiếm 28,5%. Trong khi đó, kim ngạch XK của khu vực FDI ngày càng tăng, từ 48,5% lên 71,5% trong cùng thời kỳ. Nếu chỉ xét riêng trong năm 2018, khu vực trong nước nhập siêu đến 25,6 tỷ USD, trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 32,8 tỷ USD.
PGS TS. Đinh Văn Thành - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương - nhấn mạnh, tăng trưởng thương mại năm 2018 tương đối khả quan, cao nhất kể từ năm 2013. Thời gian gần đây, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hứa hẹn mang lại kim ngạch XK cho các doanh nghiệp sang nhiều thị trường nhờ ưu đãi lớn về thuế suất.
Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, tất cả mới chỉ dừng lại ở cơ hội. Bởi theo thống kê của Bộ Công Thương, tổng kim ngạch XK sử dụng các loại C/O ưu đãi theo các FTA năm 2018 đạt 46,2 tỷ USD, chỉ chiếm 39% tổng kim ngạch XK sang các thị trường mà Việt Nam ký FTA. “Để tận dụng được các FTA, hàng hóa XK phải bảo đảm điều kiện về xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm… Đây chính là rào cản khiến các doanh nghiệp trong nước chưa thể tận dụng hết cơ hội từ các FTA” - ông Thành nhấn mạnh.
Xu hướng bảo hộ thương mại diễn biến phức tạp
Báo cáo thường niên kinh tế và thương mại Việt Nam 2019 cũng chỉ rõ, trước đây, xu hướng bảo hộ thương mại thường đi theo hướng các nước kém phát triển có xu hướng bảo hộ nhiều hơn so với nước phát triển, với mục đích chủ yếu bảo hộ nền sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh từ bên ngoài. Tuy nhiên, gần đây, một số quốc gia phát triển như Mỹ - một quốc gia từng đi đầu trong tự do hóa thương mại lại đang áp dụng nhiều biện pháp bảo hộ thông qua hình thức phát động các cuộc chiến tranh thương mại không chỉ với Trung Quốc, mà với cả những đồng minh thân cận như Hàn Quốc, Canada, Mexico, EU…
“Các biện pháp bảo hộ của các quốc gia, tiêu biểu là Mỹ đang đi theo những đường hướng ngày càng rõ nét về những mục tiêu đầy logic. Xu hướng bảo hộ ở đây là sự tự do hóa có lợi hơn cho mình” - TS Lương Minh Huân nhìn nhận.
Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp Việt Nam được khuyến nghị tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa thông qua liên kết với nhau, xóa bớt những khó khăn về yếu vốn, công nghệ. Các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng tạo thuận lợi hơn nữa cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Báo cáo khuyến nghị, nâng cao hiệu quả thông tin thị trường, hạn chế tối đa những hậu quả từ các biện pháp phòng vệ, bảo hộ thương mại từ các quốc gia nhập khẩu.
http://www.trungtamwto.vn/
Ý kiến của bạn