M&A - hợp tác hay mua đứt?
Có nhiều cách để doanh nghiệp lựa chọn khi thực hiện các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A): mua đứt bán đoạn, hoặc bắt tay hợp tác để gia tăng sức cạnh tranh. Đâu là giải pháp tối ưu?
Thông tin vừa được loan báo, Tập đoàn SCG (Thái Lan) quyết định chi 156 triệu USD để mua lại 100% cổ phần từ các cổ đông hiện tại của Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Việt Nam, được thành lập từ năm 2008 bởi Tập đoàn Kusto.
Trong khi đó, chỉ cách đây ít ngày, SCG cũng đã tuyên bố sẽ mua lại 25% cổ phần trong Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn từ QPI Vietnam (QPIV), công ty con của nhà đầu tư Qatar Petroleum. Với thương vụ có giá trị giao dịch trên 36 triệu USD này, SCG đã nâng tỷ lệ sở hữu trực tiếp và gián tiếp tại Dự án Lọc hóa dầu Long Sơn từ 46% lên 71% cổ phần.
Ông Phạm Đình Huấn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần VietKTV là người chơi ngồi ở vị trí CEO. |
Đây là hai thương vụ M&A mới nhất của SCG tại thị trường Việt Nam. Vào cuối năm 2012, SCG cũng đã chi gần 5.000 tỷ đồng để mua lại Prime Group, một trong những nhà sản xuất gạch lớn nhất Việt Nam.
Động thái này một lần nữa cho thấy, thị trường M&A Việt Nam sẽ tiếp tục bùng nổ trong năm nay, sau một năm 2016 đạt mức kỷ lục, với tổng giá trị các thương vụ lên tới trên 5 tỷ USD.
Dự báo này đã được các chuyên gia nhận định từ cuối năm trước và một lần nữa được khẳng định lại, khi mà những ngày đầu năm nay, thị trường hồi hộp theo dõi thương vụ tập đoàn sản xuất đồ uống Singapore Fraser & Neave (F&N), thuộc sở hữu của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi, muốn mua thêm cổ phần để nâng tỷ lệ sở hữu tại Vinamilk lên 16,4% từ mức 11% hiện tại.
Cũng chính tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi là người đã “làm mưa, làm gió” trên thị trường M&A Việt Nam bằng việc mua lại hệ thống Metro Cash & Carry tại Việt Nam trong năm ngoái.
Một tên tuổi Thái Lan khác là Central Group, trong năm 2016 cũng gây xôn xao dư luận khi chi 1,14 tỷ USD mua lại Big C Việt Nam từ Casino Group.
Nhìn lại các thương vụ này có thể thấy, có nhiều cách để doanh nghiệp lựa chọn khi thực hiện các thương vụ M&A, hoặc mua đứt bán đoạn, hoặc bắt tay hợp tác để gia tăng sức cạnh tranh. Nhưng đâu là giải pháp tối ưu?
Đó cũng là câu hỏi mà rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp Việt Nam, phân vân đặt ra trước khi thực hiện một thương vụ M&A.
Câu chuyện của một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ, đang sở hữu chuỗi 20 cửa hàng là một ví dụ điển hình. Nhận thấy sự thay đổi trong thói quen mua sắm của nhiều khách hàng trẻ, doanh nghiệp biết rằng, muốn cạnh tranh thành công và bứt phá thì các hoạt động bán hàng và thanh toán cần phải gắn liền với Internet và các thiết bị di động.
Trong lúc đang nghiên cứu và tìm giải pháp cho vấn đề này thì doanh nghiệp nhận được lời mời hợp tác từ một start-up. Mặc dù là mới khởi nghiệp, nhưng nhờ có nền tảng công nghệ tốt, có mối quan hệ với các đối tác trong lĩnh vực giao nhận, vận chuyển hàng hóa… nên start-up này đã tạo ra một ứng dụng giao hàng và thanh toán online hết sức ưu việt.
Hợp tác với đối tác này, doanh nghiệp hoàn toàn có thể triển khai các hoạt động bán hàng online, thanh toán trực tuyến và giao hàng tận nơi một cách đơn giản, hiệu quả và đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Câu chuyện ở chỗ, CEO và cổ đông lại có quan điểm trái ngược. Các cổ đông cho rằng, doanh nghiệp nên đầu tư để mua lại hoàn toàn công ty này, bởi khi nắm start-up trong tay, doanh nghiệp hoàn toàn có thể chi phối, điều hành các hoạt động của start-up đó theo định hướng của mình. Tuy nhiên, CEO lại có ý kiến ngược lại, chỉ muốn bắt tay hợp tác và chia sẻ lợi nhuận với start-up. Lý do cũng dễ hiểu, đó là để tạo nên một ứng dụng ưu việt như vậy, start-up đã có những giải pháp hết sức sáng tạo và kết nối các đối tác khác vận hành theo cách thức của riêng họ. Nếu “mua đứt” và điều hành theo cách của mình, CEO sợ rằng sẽ làm mất đi bản sắc riêng của start-up này.
Mặc dù vậy, ý kiến này của CEO không nhận được sự đồng tình của các cổ đông. Họ vẫn khăng khăng cho rằng, chỉ là hợp tác thì start-up này có thể tiếp tục hợp tác với các đối tác khác. Như vậy, doanh nghiệp sẽ không tạo ra được những lợi thế riêng cho mình. Hơn nữa, việc hợp tác có thể bị đổ bể sau một thời gian...
Mỗi bên đều có cái lý của mình, bởi thế, câu hỏi chọn M&A theo hướng nào càng khó trả lời hơn. Khó và là vấn đề mà rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt, nên tình huống này đã được chọn để xử lý trong Chương trình CEO - Chìa khóa thành công kỳ này, với chủ đề “Mua bán và sáp nhập: Hợp tác hay mua đứt?”.
Ông Phạm Đình Huấn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần VietKTV là người chơi sẽ ngồi ở vị trí CEO trong chương trình lần này.
Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của Chương trình CEO - Chìa khóa thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp Truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự đồng hành của nhãn hàng OTIV.
http://baodautu.vn
Ý kiến của bạn