Một tuần doanh nghiệp tiếp đến 3 đoàn thanh kiểm tra
Hiện nay, tình trạng các cơ quan chức năng thanh kiểm tra quá nhiều đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp về năng suất lao động cũng như khả năng cạnh tranh.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), một doanh nghiệp siêu nhỏ trung bình tiếp 4 đoàn kiểm tra/năm. Trong khi đó, một doanh nghiệp vừa, tiếp khoảng 10 đoàn/năm.
Ông Phí Ngọc Trịnh, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần May Hồ Gươm, chia sẻ tần suất kiểm tra dày đặc, nội dung kiểm tra chồng chéo đang là một rào cản làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Cụ thể chỉ trong một tuần Xưởng sản xuất 8 của Công ty cổ phần May Hồ Gươm tại Thanh Hóa (từ ngày 4/7 đến 10/7) tiếp đến 3 đoàn thanh kiểm tra về thuế, bảo hiểm xã hội và thanh tra liên ngành.
“Như vậy còn đâu thời gian để sản xuất kinh doanh. Nhà nước vẫn kêu gọi giảm thiểu và cần liên kết giữa các đoàn thanh kiểm tra nhưng trên thực tế các doanh nghiệp đang “méo mặt” khi phải tiếp quá nhiều đoàn thanh kiểm tra”, ông Trịnh chia sẻ.
Ông Trịnh cho biết thêm về thủ tục hành chính nhà nước cũng có nhiều đổi mới, tuy nhiên để được như doanh nghiệp mong muốn thì chưa được, đặc biệt về thủ tục hải quan. Cải cách ở góc độ này nhưng lại phát sinh ở góc độ khác, “biến tướng” từ phần này sang phần kia. Trước đây doanh nghiệp đăng ký một hợp đồng mới không cần kiểm tra có bao nhiêu máy móc, bao nhiêu công nhân, nhưng nay kiểm tra phải khai báo hết. Những việc này đều gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Cùng ý kiến trên, ông Nguyễn Khánh Quyền, Giám đốc điều hành Công ty Dệt Minh Khai, cho rằng doanh nghiệp vẫn đang bị nhiều thủ tục hành chính, thanh tra, kiểm tra gây phiền hà và chịu sự quản lý của nhiều đơn vị. Một số vấn đề về bảo hiểm, tăng lương, chi phí “lót tay” cũng tạo áp lực không nhỏ cho các doanh nghiệp dệt may. Ngoài ra còn có những khoản chi phí không tên.
Trong khâu hoàn thuế nếu doanh nghiệp xuất trình đầy đủ giấy tờ thì đương nhiên doanh nghiệp được hoàn thuế, thế nhưng không bao giờ lấy lại được trọn vẹn số tiền hoàn thuế đó.
"Đó được gọi là “văn hóa” chung và doanh nghiệp phải chấp nhận điều đó”, ông Quyết nói.
Để giảm bớt phiền hà, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất mới đây, Hiệp hội Dệt May Việt Nam đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng, phản ánh các kiến nghị của doanh nghiệp hội viên về thủ tục kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu.
Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam, việc kiểm tra nhiều lần đối với hàng hóa xuất nhập khẩu không chỉ gây tốn kém về chi phí mà doanh nghiệp còn mất nhiều thời gian, làm ảnh hưởng đến cơ hội kinh doanh.
Theo Vietnamplus
Ý kiến của bạn