Nghị định số: 78/2016/NĐ-CP quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa
Ngày 1/7/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số: 78/2016/NĐ-CP quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa.
Chương I
Quy định chung
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định về điều kiện kinh doanh và cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa tại Việt Nam.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Nghị định này áp dụng đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa tại Việt Nam.
2. Nghị định này không áp dụng đối với hoạt động đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa của lực lượng quân đội, công an làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Điều 3. Cơ sở kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa
Cơ sở kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa (sau đây viết tắt là cơ sở đào tạo) được thành lập hợp pháp và đáp ứng các điều kiện về cơ sở đào tạo theo quy định tại Nghị định này và các quy định khác có liên quan của pháp luật.
Điều 4. Phân loại cơ sở đào tạo
Cơ sở đào tạo được chia thành bốn loại, gồm:
1. Cơ sở đào tạo loại 1: Được phép đào tạo, bổ túc, bồi dưỡng để cấp các loại giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn theo quy định của Luật giao thông đường thủy nội địa.
2. Cơ sở đào tạo loại 2: Được phép đào tạo, bổ túc, bồi dưỡng để cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn từ hạng nhì trở xuống, chứng chỉ chuyên môn.
3. Cơ sở đào tạo loại 3: Được phép đào tạo, bổ túc, bồi dưỡng để cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn từ hạng ba trở xuống, chứng chỉ chuyên môn.
4. Cơ sở đào tạo loại 4: Được phép đào tạo, bổ túc, bồi dưỡng để cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng hạng tư, chứng chỉ nghiệp vụ.
Chương II
Điều kiện của cơ sở đào tạo
Điều 5. Điều kiện về phòng học chuyên môn, phòng thi, kiểm tra
1. Hệ thống phòng học chuyên môn và phòng thi, kiểm tra phải phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành, bao gồm: Phòng học pháp luật về giao thông đường thủy nội địa, phòng học điều khiển phương tiện thủy nội địa, phòng học lý thuyết máy - điện và phòng học thủy nghiệp cơ bản.
2. Phòng thi, kiểm tra có thể được bố trí chung với các phòng học chuyên môn.
Điều 6. Xưởng thực hành
Các xưởng thực hành phải phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành, bao gồm: Xưởng thực hành nguội - cơ khí, thực hành máy - điện.
Điều 7. Khu vực dạy thực hành lái và vận hành máy
1. Khu vực dạy thực hành lái và vận hành máy phải đảm bảo có vùng nước để dạy thực hành lái, vận hành máy phương tiện thủy nội địa và cầu tàu để dạy nghề thuyền trưởng từ hạng nhì trở lên phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành.
2. Có đủ các phương tiện thực hành theo các loại, hạng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn. Đối với các phương tiện dạy thực hành phải có giấy tờ hợp pháp về đăng ký, đăng kiểm, các trang thiết bị hàng hải, cứu sinh, cứu hỏa, cứu thủng và phải treo biển “Phương tiện huấn luyện” ở vị trí dễ quan sát trong khi huấn luyện.
Điều 8. Nội dung, chương trình đào tạo
Nội dung, chương trình đào tạo được thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Điều 9. Đội ngũ giáo viên
1. Tiêu chuẩn chung của giáo viên, gồm: Có lý lịch rõ ràng; phẩm chất, đạo đức tốt; có đủ sức khỏe làm việc; đã tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc cao đẳng sư phạm kỹ thuật trở lên hoặc có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm nếu không tốt nghiệp các trường cao đẳng sư phạm hoặc cao đẳng sư phạm kỹ thuật.
2. Đối với giáo viên dạy lý thuyết, ngoài tiêu chuẩn chung quy định tại khoản 1 Điều này, giáo viên dạy lý thuyết còn phải tốt nghiệp trung cấp trở lên hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề đúng chuyên ngành hoặc tương đương chuyên ngành được phân công giảng dạy, theo quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp.
3. Đối với giáo viên dạy thực hành, ngoài tiêu chuẩn chung quy định tại khoản 1 Điều này, còn phải bảo đảm các tiêu chuẩn sau:
a) Giáo viên dạy thực hành thuyền trưởng, máy trưởng phải có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, máy trưởng cao hơn ít nhất 01 hạng so với hạng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn được phân công giảng dạy;
b) Giáo viên dạy thực hành thuyền trưởng, máy trưởng hạng nhất phải có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, máy trưởng hạng nhất và có thời gian đảm nhiệm chức danh hạng nhất từ 36 tháng trở lên.
4. Cơ sở đào tạo phải có tối thiểu 50% giáo viên cơ hữu tham gia giảng dạy theo từng chương trình loại, hạng.
Chương III
Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa
Điều 10. Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa
1. Cơ sở đào tạo được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa (sau đây viết tắt là Giấy chứng nhận) theo quy định tại các Điều 11, 12, 13 và 14 của Nghị định này.
2. Giấy chứng nhận theo Mẫu số 04 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
3. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam có trách nhiệm tổ chức cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa đối với cơ sở từ loại 3 trở lên trong phạm vi toàn quốc.
4. Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tổ chức cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa đối với cơ sở loại 4 trong phạm vi địa phương.
Điều 11. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa
Hồ sơ bao gồm:
1. 01 tờ khai của cơ sở đào tạo đề nghị cấp Giấy chứng nhận theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
2. 01 bản sao có chứng thực (hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu) Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc tài liệu tương đương khác của cơ sở đào tạo.
3. 01 bản sao có chứng thực (hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu) văn bằng, chứng chỉ của giáo viên và hợp đồng của giáo viên (hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động hoặc hợp đồng thỉnh giảng hoặc hình thức hợp đồng phù hợp khác theo quy định của pháp luật).
4. 01 bản sao có chứng thực (hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu) các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, sử dụng hoặc hợp đồng thuê phòng học, xưởng thực tập, phương tiện, cầu cảng thủy nội địa, bến thủy nội địa, vùng nước để dạy thực hành; giấy tờ về đăng ký, đăng kiểm phương tiện còn hiệu lực phù hợp với loại, hạng và thời gian đào tạo.
Điều 12. Trình tự cấp mới Giấy chứng nhận
1. Cơ sở đào tạo có nhu cầu đề nghị cấp Giấy chứng nhận nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 11 của Nghị định này gửi trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính hoặc bằng các hình thức phù hợp khác đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 10 của Nghị định này. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải có văn bản thông báo và hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ theo quy định tại Nghị định này.
2. Cơ quan có thẩm quyền tổ chức kiểm tra thực tế cơ sở đào tạo, lập biên bản theo Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Sau khi kết thúc kiểm tra, nếu đáp ứng đủ điều kiện, trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cho cơ sở đào tạo; trường hợp không cấp Giấy chứng nhận phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Điều 13. Cấp lại Giấy chứng nhận
1. Giấy chứng nhận được cấp lại khi bị mất, bị hỏng hoặc thay đổi địa chỉ hoặc loại cơ sở đào tạo.
2. Trình tự cấp lại khi Giấy chứng nhận bị mất, bị hỏng
Cơ sở đào tạo có văn bản đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận theo Mẫu số 03 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này, gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc bằng các hình thức phù hợp khác đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 10 của Nghị định này. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của cơ sở đào tạo, cơ quan có thẩm quyền cấp lại Giấy chứng nhận cho cơ sở đào tạo.
3. Trình tự cấp lại Giấy chứng nhận khi thay đổi địa chỉ hoặc loại cơ sở đào tạo
a) Cơ sở đào tạo nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính hoặc bằng các hình thức phù hợp khác đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 10 của Nghị định này. Hồ sơ bao gồm thành phần và số lượng quy định tại Điều 11 của Nghị định này (chỉ bổ sung những nội dung thay đổi so với lần cấp Giấy chứng nhận gần nhất). Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải có văn bản thông báo và hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ theo quy định tại Nghị định này.
b) Cơ quan có thẩm quyền tổ chức kiểm tra thực tế cơ sở đào tạo, lập biên bản kiểm tra. Sau khi kết thúc kiểm tra, nếu đáp ứng đủ điều kiện, trong thời hạn không quá 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cho cơ sở đào tạo; trường hợp không cấp Giấy chứng nhận phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.
Điều 14. Thu hồi Giấy chứng nhận
1. Cơ sở đào tạo bị thu hồi Giấy chứng nhận trong các trường hợp sau:
a) Khi phát hiện có hành vi cố tình làm giả hồ sơ để được cấp Giấy chứng nhận;
b) Không tổ chức hoạt động đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa trong thời gian 18 tháng liên tục hoặc không triển khai hoạt động sau thời hạn 18 tháng, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận;
c) Khi đã hết thời hạn bị đình chỉ hoạt động đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa mà không khắc phục được các vi phạm là nguyên nhân dẫn đến việc bị đình chỉ;
d) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính đình chỉ hoạt động đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa 02 lần trở lên trong 12 tháng và theo các quy định khác có liên quan của pháp luật.
2. Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận và thông báo tới các cơ quan liên quan để phối hợp thực hiện.
Chương IV
Điều khoản thi hành
Điều 15. Điều khoản chuyển tiếp
1. Cơ sở đào tạo đã được cấp Giấy chứng nhận cơ sở dạy nghề thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục thực hiện hoạt động kinh doanh đến hết thời hạn của Giấy chứng nhận.
2. Trường hợp Giấy chứng nhận cơ sở dạy nghề thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa quy định tại khoản 1 Điều này hết thời hạn hoặc chưa hết thời hạn nhưng cơ sở đào tạo có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận phải tiến hành thủ tục đề nghị cấp mới Giấy chứng nhận theo quy định của Nghị định này.
Điều 16. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm:
a) Thống nhất quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa trong phạm vi toàn quốc; chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện Nghị định này; ban hành các quy chuẩn kỹ thuật về cơ sở đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa;
b) Tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm việc thực hiện các quy định về kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa theo quy định của Nghị định này và các quy định khác có liên quan của pháp luật; định kỳ 05 năm một lần tổ chức kiểm tra cơ sở đào tạo để đánh giá tình trạng kỹ thuật của các trang thiết bị, năng lực của đội ngũ giáo viên, nội dung, chương trình đào tạo, đảm bảo công tác đào tạo phù hợp với yêu cầu thực tế;
c) Cập nhật, công bố danh sách các cơ sở kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giao thông vận tải.
2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm phối hợp với Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn nội dung chuyên môn, nghiệp vụ trong xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo theo quy định của pháp luật.
3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các Sở Giao thông vận tải tổ chức thực hiện công tác quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa trong phạm vi địa phương theo quy định của pháp luật. Định kỳ cập nhật, công bố danh sách các cơ sở kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa trong phạm vi địa phương trên Cổng thông tin điện tử của Sở Giao thông vận tải.
Điều 17. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016. Các quy định trước đây có liên quan đến điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa trái với Nghị định này đều bị bãi bỏ.
Điều 18. Trách nhiệm thi hành
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Ý kiến của bạn