Nhiều giải pháp giảm lãi suất cho vay
Phấn đấu giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ các doanh nghiệp là thông điệp được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra tại buổi họp báo thông tin hoạt động ngân hàng 7 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm diễn ra mới đây tại Hà Nội.
Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, ngay từ đầu năm, nhiều chuyên gia kinh tế cũng như NHNN dự báo lạm phát sẽ tăng trở lại thì việc điều hành ổn định mặt bằng lãi suất là nhiệm vụ hết sức khó khăn.
Để ổn định mặt bằng lãi suất huy động, NHNN đã theo dõi sát thị trường và điều tiết đưa tiền ra, hút tiền về để điều tiết thanh khoản toàn hệ thống, duy trì mức lãi suất hợp lý. Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất ở mức phù hợp nhằm ngăn chặn các ngân hàng huy động thị trường để đẩy lãi suất tăng lên.
Đối với lãi suất cho vay, từ tháng 4, các ngân hàng thương mại đã thực hiện giảm mức 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn, đồng thời đưa lãi suất cho vay trung và dài hạn về tối đa 10%/năm đối với các khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Bà Hồng khẳng định, từ nay đến cuối năm, NHNN sẽ cố gắng ổn định lãi suất thị trường và đã ban hành chỉ thị yêu cầu các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động, cân đối nguồn vốn, từ đó phấn đấu giảm lãi suất cho vay.
Trước đó, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC) cũng đưa ra nhận định, hiện thanh khoản hệ thống ngân hàng đang ổn định nên mặt bằng lãi suất cho vay có nhiều dư địa để giảm ở những tháng cuối năm. Theo dẫn chứng của NFSC, lãi suất trái phiếu Chính phủ tiếp tục giảm ở các kỳ hạn.
Việc phát hành trái phiếu Chính phủ đã đạt 85% kế hoạch năm sẽ giảm áp lực tăng lãi suất; lạm phát tăng so với năm trước nhưng dự báo cả năm vẫn ở mức thấp (3,5 - 4%). Ngoài ra, tỷ giá và thị trường ngoại hối từ đầu năm vẫn khá ổn định; lợi nhuận 6 tháng đầu năm các ngân hàng thương mại tương đối khả quan, tạo dư địa cho việc xử lý nợ xấu và tiết giảm chi phí hoạt động của hệ thống.
“Như vậy, các điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất đang có nhiều yếu tố thuận lợi, song để duy trì việc giảm mặt bằng lãi suất, hệ thống ngân hàng cần phải chủ động tiết giảm chi phí hoạt động, đẩy mạnh xử lý nợ xấu để giảm trích lập dự phòng”- NFSC nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đức Long - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ - cho biết, tính đến ngày 29/7, tổng phương tiện thanh toán tăng 9,45%, huy động vốn tăng 9,94% (huy động bằng VND tăng 12,28%, bằng ngoại tệ giảm 6,25%) so với cuối năm 2015. Thanh khoản của các tổ chức tín dụng tiếp tục được bảo đảm và có dư thừa, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng giảm so với cuối năm trước.
Thanh khoản ổn định và nguồn vốn được tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên đã giúp tín dụng tăng trưởng đều, ổn định qua các tháng.
Theo ông Nguyễn Tiến Đông – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, đến ngày 29/7, tín dụng đã tăng 8,54% so với cuối năm 2015, cơ cấu tín dụng hỗ trợ tích cực cho sản xuất, tăng trưởng kinh tế. Các chương trình, chính sách tín dụng ngành, lĩnh vực được triển khai có hiệu quả bằng nguồn lực của NHNN, góp phần phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.
Cụ thể, cho vay nông nghiệp nông thôn đến cuối tháng 7/2016 ước đạt 900 ngàn tỷ đồng, tăng 6,4% so với đầu năm; cho vay xuất khẩu tăng trên 3%; công nghiệp hỗ trợ tăng 3%; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng xấp xỉ 1%; doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng 3,3%.
Theo tapchitaichinh.vn
Ý kiến của bạn