Nhiều lễ hội đầu xuân khai hội ngày mùng 10 Âm lịch tại các địa phương
TĐO - Ngày 25/2, tại quảng trường sân lễ thuộc Trung tâm văn hóa Trúc Lâm Yên Tử, TP Uông Bí (Quảng Ninh), đã diễn ra Lễ khai hội Xuân Yên Tử năm 2018. Tham dự lễ khai hội có Phó Chủ tịch nước Ðặng Thị Ngọc Thịnh cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Theo Ban tổ chức, lễ hội năm nay có quy mô lớn hơn mọi năm với phần lễ uy nghiêm, phần hội rộn ràng, cùng màn tái hiện sử thi được đầu tư kỹ lưỡng về cuộc đời tu hành của Ðức Phật hoàng Trần Nhân Tông. Lễ hội Xuân Yên Tử cũng là hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Năm du lịch quốc gia 2018 mà tỉnh Quảng Ninh đăng cai.
Tại đây, nhiều hoạt động văn hóa được tổ chức tại lễ khai hội như chọi gà, trò chơi kéo co, ném còn, biểu diễn nghề thêu thủ công, các điệu múa truyền thống của người đồng bào dân tộc Dao Thanh Y tại Yên Tử; biểu diễn nghệ thuật múa rồng, lân, võ thuật cổ truyền; tổ chức giải cờ tướng Yên Tử; tổ chức biểu diễn nghệ thuật tại địa điểm Cầu Thủy Ðình, suối Giải oan và các sân ga cáp treo; trưng bày hoa mai vàng Yên Tử tại sân trung tâm lễ hội.
Đáng chú ý, cảnh quan khu di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử năm nay được cải tạo; các hạng mục dịch vụ phục vụ nhu cầu du khách như: bãi đỗ xe, khu đón tiếp, khu ăn uống cũng được bố trí khoa học hơn. Trung tâm văn hóa Trúc Lâm Yên Tử cơ bản đã hoàn thành và đi vào hoạt động để phục vụ du khách. Công trình có trị giá đầu tư gần một nghìn tỷ đồng và mang nét văn hóa kiến trúc đời nhà Trần. Tuyến cáp treo mới từ chùa Hoa Yên lên đến nhà ga số 4 mới (cách chùa Ðồng khoảng 520 m) cũng được đưa vào hoạt động, giúp giảm bớt một nửa quãng đường so với từ nhà ga số 4 cũ đến chùa Ðồng và giúp việc phân luồng giao thông được thông suốt hơn trong dịp lễ hội. Chia sẻ về những nét mới trong Lễ hội Xuân Yên Tử năm nay, ông Nguyễn Duy Toàn, Phó trưởng Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử cho biết, lễ khai hội năm nay tăng quy mô phần rước lễ, ngắn gọn các phát biểu…
Cùng ngày, tại khu di tích lịch sử văn hóa đền Hạ, xã Minh Quang, huyện Ba Vì (Hà Nội), chính quyền và nhân dân huyện Ba Vì đã tổ chức lễ khai hội Tản Viên Sơn Thánh, mở màn mùa du lịch Ba Vì năm 2018 và đón bằng công nhận Tục thờ Tản Viên Sơn Thánh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Được biết, năm nay là năm thứ 10 huyện Ba Vì khôi phục và tổ chức lễ hội Tản Viên Sơn Thánh tại cụm di tích đền Thượng - đền Trung - đền Hạ.
Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh năm 2018 diễn ra từ ngày 23-25/2 với các hoạt động: dâng hương tri ân tổ tiên, tổ chức các trò chơi dân gian, giao lưu thể thao, tổ chức phiên chợ quê, giao lưu văn nghệ của nhân dân địa phương... Nhân dịp này, chính quyền và nhân dân trong huyện đã vinh dự được đón bằng công nhận Tục thờ Tản Viên Sơn Thánh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng. Hoạt động này được tổ chức đã góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tinh thần của người dân Ba Vì nói riêng và cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung đối với công đức của Đức Thánh Tản Viên Sơn. Đồng thời, đây cũng là dịp giới thiệu, quảng bá, xúc tiến phát triển và gắn kết các sản phẩm du lịch thế mạnh trên địa bàn huyện Ba Vì.
Trong không khí Xuân mới, sáng 25/2, chính quyền và nhân dân xã Yên Ninh, huyện Yên Ðịnh (Thanh Hóa) tổ chức lễ đón bằng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chính thức công nhận Lễ hội Trò Chiềng của làng Trịnh Xá, xã Yên Ninh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ðây là trò diễn mang đậm yếu tố văn hóa cung đình, được dân gian hóa và lưu giữ ở làng Trịnh Xá. Lễ hội phản ánh cuộc sống lao động, chiến đấu, mơ ước của nhân dân, gắn liền với lịch sử chống giặc ngoại xâm và tên tuổi Tướng quân Tam công Trịnh Quốc Bảo, người có công lớn trong việc dẹp giặc, gìn giữ non sông, tạo dựng và truyền dạy Trò Chiềng cho nhân dân trong vùng.
Sau hơn 60 năm thất truyền (từ năm 1946 đến 2007), Trò Chiềng đã được khôi phục với đầy đủ 12 trò diễn đặc sắc, trở thành một nét đẹp văn hóa được gìn giữ và tổ chức hằng năm. Mở đầu lễ hội Trò Chiềng là phần tế lễ rước Thành hoàng làng, kiệu vàng... Cụ Tiên chỉ hoặc một vị lão làng được Hội đồng làng tiến cử làm chức "Thượng soạn" tức là người điều khiển diễn trò. Phần hội trong lễ hội Trò Chiềng có các trò đặc sắc như: Kén rể, tẩu mã, chọi voi, chọi rồng - cá chép hóa rồng, lễ rước Phụng Hoàn...
Cũng trong ngày 25/2, tại Khu Di tích lịch sử ATK Ðịnh Hóa (Thái Nguyên) diễn ra Lễ công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đối với lễ hội Lồng tồng của người Tày tại tỉnh Thái Nguyên, đồng thời khai hội Lồng tồng năm 2018. Lễ hội Lồng tồng là lễ hội đặc sắc của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Dao… với ý nghĩa cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Lễ hội năm nay được tổ chức trang trọng với hai phần, phần lễ và phần hội, thu hút sự tham dự của nhiều người dân và du khách; qua đó góp phần nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trong tỉnh Thái Nguyên. Phần lễ bao gồm các hoạt động: Lễ dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; lễ cầu mùa của đồng bào dân tộc Tày, Sán Chay; lễ cầu phúc, lễ cày tịch điền... Phần hội diễn ra sôi nổi với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao như: Tung còn, thi cắm trại; thi văn nghệ; giã bánh dày; thi cấy; thi đi cà kheo, kéo co, đẩy gậy; triển lãm tranh; tái hiện không gian văn hóa trà...
Nét đặc sắc của lễ hội Lồng tồng huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên chính là những tiết mục múa rối cạn của phường rối người Tày, lễ tịch điền và nhiều nghi lễ cầu mùa khác của đồng bào dân tộc Tày, dân tộc Sán Chay và lễ cầu phúc của đồng bào dân tộc Dao. Những mâm cỗ tế lễ được người dân trong vùng chuẩn bị công phu với lòng thành kính, biết ơn các vị thần rừng, thần núi, thần trời và thần đất. Đây không chỉ là nét đặc sắc trong truyền thống văn hóa của đồng bào các dân tộc mà còn thể hiện ý nghĩa tâm linh sâu sắc.
http://thoidai.com.vn
Ý kiến của bạn