Nhiều mã hàng tốt từ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp giao thông
Các nhà đầu tư có thể tìm thấy nhiều cơ hội từ danh sách các doanh nghiệp có vốn nhà nước dự kiến thoái một phần hoặc toàn bộ vốn từ nay đến năm 2020 vừa được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) công bố.
Hàng mới
Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý để UBND TP. Hà Nội chuyển Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Hà Nội thành công ty cổ phần trong năm 2018.
Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Hà Nội là doanh nghiệp sự nghiệp có thu duy nhất hoạt động trong lĩnh vực khá nhạy cảm - thực hiện kiểm định kỹ thuật, cấp phép lưu hành cho các phương tiện cơ giới khu vực Thủ đô.
Vinalines dự kiến tiến hành IPO vào cuối năm nay. Ảnh: L.T |
Chủ tịch UBND Nguyễn Đức Chung cho biết, lãnh đạo Thành phố sẽ hoàn tất phương án cổ phần hóa trong năm 2017 để có thể hoàn tất lộ trình cổ phần hóa Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Hà Nội theo chỉ đạo của Chính phủ.
Được biết, nếu cổ phần hóa Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Hà Nội thành công sẽ là chìa khóa để Bộ GTVT và các địa phương đẩy nhanh việc chuyển đổi mô hình hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập khác. Hiện Bộ GTVT vẫn bảo lưu quan điểm chưa cổ phần hóa 4 trung tâm đăng kiểm thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, nhưng cơ hội để các nhà đầu tư tham gia các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực này vẫn rất rộng mở bởi cả nước hiện có 50 trung tâm do các sở GTVT địa phương quản lý.
Cần phải nói thêm rằng, sau khi cổ phần hóa thành công một loạt tổng công ty trực thuộc, Bộ GTVT vẫn còn khá nhiều mã hàng tốt, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.
Cụ thể, công tác cổ phần hóa ông lớn vận tải biển - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã thêm bước tiến dài với việc một lần nữa định xong giá trị doanh nghiệp công ty mẹ khi đơn vị này vừa trình Bộ GTVT phê duyệt giá trị doanh nghiệp của Công ty mẹ tại thời điểm ngày 31/12/2016 để cổ phần hóa là 16.741,4 tỷ đồng, trong đó, giá trị thực tế phần vốn tại doanh nghiệp là 10.144,38 tỷ đồng.
Với việc trình Bộ GTVT giá trị doanh nghiệp vào đầu tháng 7, tiến độ cổ phần hóa Công ty mẹ - Vinalines đang đang đi nhanh hơn so với kế hoạch được chính Vinalines đề ra.
Trước đó, trong đề xuất lộ trình cổ phần hóa Công ty mẹ được Hội đồng Quản trị Vinalines trình Bộ GTVT vào đầu tháng 2/2017, hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp sẽ được Vinalines trình lên bộ chủ quản vào ngày 21/7/2017, để có thể nhận được quyết định phê duyệt sau đó một tháng. Đây là mốc thời gian rất quan trọng, bởi theo quy định, việc bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Công ty mẹ - Vinalines sẽ phải diễn ra trong vòng 18 tháng, kể từ khi giá trị doanh nghiệp được công bố, với thời gian dự kiến là ngày 29/12/2017.
“Dự kiến tháng 12/2017, Vinalines sẽ tiến hành IPO với mức vốn điều lệ lên tới 550 triệu USD. Trong đó, Nhà nước sẽ nắm giữ 65% vốn điều lệ tại Công ty mẹ - Vinalines, các nhà đầu tư chiến lược có cơ hội nắm giữ tới 17,25% vốn điều lệ và tỷ lệ bán ra ngoài là 17,25%”, ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Vinalines cho biết.
Ngoài Vinalines, tiến trình cổ phần hóa hai chủ đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông lớn nhất là Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM Cửu Long) sẽ được Bộ GTVT khởi động sớm sau khi 2 đơn vị này hoàn tất quá trình tăng vốn điều lệ.
Hàng cũ
Bên cạnh những doanh nghiệp sẽ thực hiện cổ phần hóa, Bộ GTVT đã lên kế hoạch thoái một phần hoặc toàn bộ vốn tại 80 doanh nghiệp trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, gồm: 13 doanh nghiệp trực thuộc Bộ, Tổng cục Đường bộ, Cục Đường thủy nội địa; 44 công ty cổ phần thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; 15 công ty cổ phần thuộc Vinalines; 4 công ty cổ phần thuộc Tổng công ty Đảm bảo an toàn hàng hải miền Nam; 1 công ty thuộc Tổng công ty Đảm bảo an toàn hàng hải miền Bắc; 1 công ty thuộc VEC và 2 công ty thuộc CIMP Cửu Long.
Liên quan việc thoái vốn tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines), Bộ GTVT cho biết, hiện nay, giá trị vốn hóa của phần vốn nhà nước tại Vietnam Airlines là trên 1 tỷ USD.
“Do vậy, để đảm bảo sự linh hoạt, hiệu quả của phương án thoái vốn, đề nghị điều chỉnh thời gian thoái vốn nhà nước để giảm tỷ lệ nắm giữ tại Vietnam Airlines xuống còn 51%, thực hiện trong giai đoạn 2019 - 2020”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết.
Đối với trường hợp Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT, theo ông Nguyễn Hồng Trường, Bộ GTVT đang triển khai việc tăng vốn điều lệ của Bệnh viện lên 384,4 tỷ đồng từ việc tăng phần vốn nhà nước theo giá trị quyết toán dự án ODA tòa nhà Bệnh viện. Theo đó, phần vốn nhà nước tại Bệnh viện sẽ tăng lên trên 271,38 tỷ đồng, chiếm 70,6% vốn điều lệ. Mặt khác, Bộ GTVT đã báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về chủ trương thoái vốn để giảm tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước xuống còn 30% vốn điều lệ theo đúng phương án cổ phần hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
“Kế hoạch bán vốn nhà nước tại Bệnh viện GTVT sẽ được triển khai sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.
Tổng giá trị thu về nộp Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp là 2.784 tỷ đồng, bằng 129% giá trị mệnh giá. Các doanh nghiệp nhà nước thoái vốn đầu tư ngoài ngành, đầu tư không hiệu quả tại 127 doanh nghiệp, thu về 3.986 tỷ đồng, bằng 170% giá trị mệnh giá.
http://baodautu.vn
Ý kiến của bạn