Nhiều “rào cản” kinh doanh vẫn còn trong luật
Cộng đồng doanh nghiệp vừa phản ánh những bất cập hiện hành trong các quy định về điều kiện kinh doanh tại jội thảo “Hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh, những vướng mắc và kiến nghị”.
Hội thảo do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 22/7 tại Hà Nội.
Còn rất nhiều rào cản
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, sau thời gian cùng các bộ rà soát để bãi bỏ các điều kiện kinh doanh (KD) gây cản trở hoạt động kinh doanh để xây dựng thành 51 Nghị định, cơ quan này tiếp tục rà soát và tổng hợp được 107 ý kiến phản ảnh của cộng đồng doanh nghiệp về các trở ngại, rào cản nằm ở 33 Luật hiện hành.
Bà Đinh Kim Anh, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội cho biết, khi áp dụng Luật Doanh nghiệp mới, nhất là áp mã ngạch ngành nghề kinh doanh quá rắc rối, có ngành nghề doanh nghiệp (DN) tìm mỏi mắt không thấy mã ngành. Khi đi hỏi thậm chí các cơ quan cấp giấy phép còn tranh cãi nhau về vấn đề này. Nhiều DN chủ động áp mã ngành nhưng đến khi nộp hồ sơ lên Sở bị từ chối và bị trả lại. Sau đó DN phải áp lại mã ngành nghề kinh doanh khác hoặc không tìm được thì cuối cùng phải “nhờ” sự hướng dẫn.
“Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) sửa đổi quy định này, DN chỉ cần đăng ký ngành nghề trong hồ sơ đăng ký kinh doanh là được. Hai là với quy định mới của Luật Doanh nghiệp quy định một loạt các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nhưng một số ngành nghề KD có điều kiện cho đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn như đặt cược, mua bán nợ... làm cho NH rất khó hoạt động”, bà Đinh Kim Anh cho biết thêm.
Theo ông Lê Ái Thụ, Tổng hội Địa chất Việt Nam, tính đồng bộ, ổn định, khả thi của các văn bản pháp luật có nhiều vấn đề. Có những quy định trong luật không thực tế, trái luật khác và không khả thi. Luật Khoáng sản 2011, có nhiều điều không thể đưa vào thực tế được, đã đến lúc phải sửa vì có rất nhiều bất cập, chồng chéo. Rồi Luật Bảo vệ Môi trường khiến DN khổ vì một năm có thể có vài chục cuộc kiểm tra theo quy định của luật.
Đồng thuận với phản ánh của doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, qua rà soát, VCCI cũng phát hiện thấy nhiều ngành nghề KD không cần, không nên coi là loại hình KD có điều kiện, như sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm, tư vấn cổ phần hóa, mua bán nợ, KD phân bón, thức ăn chăn nuôi... Luật Phòng cháy chữa cháy nhiều DN phản ánh nhiều thủ tục trùng lắp, khiến DN đi lại nhiều lần... Vẫn theo ông Tuấn, một số luật đang có hiệu lực cũng cần phải rà soát bởi cũng có rất nhiều vấn đề như tính công khai, minh bạch chưa đảm bảo hiệu lực, hiệu quả.
Cải cách thể chế để không lỡ cơ hội
Trước bức xúc của DN với các quy định về điều kiện KD, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông chia sẻ, việc làm luật khó nhất là dung hòa cân đối giữa các lợi ích của các bên, trong đó lợi ích của cộng đồng DN chung, của quốc gia và lợi ích riêng từng DN. Ông Đông cho rằng, vẫn còn có hiện tượng một số cơ quan Nhà nước xây dựng luật rồi cài cắm. Lấy ví dụ Thông tư 20 của Bộ Công Thương quy định về nhập khẩu ô tô, ông Đông khẳng định: Quan điểm của Bộ KH&ĐT là quyền kinh doanh là của DN, chính sách quản lý ban hành mà hạn chế những người mới gia nhập thị trường là vô tình triệt tiêu sức mạnh, các nguồn lực đóng góp.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam đề nghị, với các nội dung bất cập trong các luật có rất nhiều kênh để rà soát. Thứ nhất là các hiệp hội DN, hội ngành nghề và cộng đồng DN, vì không đâu hiểu rõ các bất cập trong kinh doanh hơn là lực lượng DN. Bên cạnh đó các bộ quản lý, các chuyên gia độc lập, các chuyên gia kinh tế từ các trường đại học, luật sư, hội bảo vệ người tiêu dùng cũng là nơi tổng hợp các rào cản, bất cập trong chính sách. Thứ hai là những tổ chức đại diện cho cộng đồng DN tham gia để rà soát các luật. Thứ ba, để các lực lượng truyền thông, báo chí xã hội tham gia nhiều hơn vào việc rà soát và phản ánh. Bên cạnh đó, trên website của Bộ KH&ĐT và VCCI nên mở đường dây nóng, có bộ phận thường trực trả lời các góp ý, thu thập ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội... kênh tổng hợp này sẽ nhanh và thiết thực.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, Đại hội Đảng XII khẳng định nước ta sẽ xây dựng thể chế kinh tế thị trường đầy đủ; các Nghị quyết của Chính phủ cũng đề ra mục tiêu xây dựng chuẩn môi trường kinh doanh dần theo tiêu chuẩn ASEAN3; đến 2020 ít nhất phải có 1 triệu DN hiệu quả. Trước yêu cầu Việt Nam phải trở thành một trong ba nền kinh tế hàng đầu ASEAN và tham gia vào các hiệp định thương mại tự do như TPP... việc cải cách thể chế cần phải tạo đột phá. Trong 3 năm tới, công việc cải cách thể chế phải làm bằng 30 năm trước cộng lại, bởi đẩy nhanh cải cách thể chế là một yêu cầu cấp bách. Phải thay đổi theo chiều hướng tạo thuận lợi nhanh hơn cho người dân, DN. Do đó, không thể cải thách theo kiểu xếp hàng 4 - 5 năm/luật. Ngay Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp vừa ban hành năm 2014 đã lộ ra bất cập, nếu phải chờ đến 2018 hoặc 2019 mới được sửa đổi thì lỡ hết cơ hội. Tôi sẽ đề nghị với Quốc hội trong phiên thảo luận về vấn đề này vào ngày 26/7 tới, mỗi năm, mỗi kỳ họp cần phải có một luật sửa đổi các điều liên quan đến tất cả các luật kinh doanh. Các cơ quan quản lý phải coi việc cải cách thể chế là nhiệm vụ trung tâm trong thời gian tới. |
Theo Tin Tức
Ý kiến của bạn