Nông nghiệp công nghệ cao - hướng đi tất yếu cho nông sản Việt
Nhiều doanh nghiệp đã cùng với nông dân bắt đầu hành trình nông nghiệp công nghệ cao để đưa các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam ra thị trường thế giới, tìm kiếm một thương hiệu toàn cầu cho nông sản Việt. Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam - VPSF 2017, nông nghiệp công nghệ cao được ghi nhận là một ưu tiên nhưng đây vẫn còn là một lĩnh vực mới mẻ và cần sự chung tay của tất cả các bên.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam - VPSF 2017 |
Các đại biểu dự Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam - VPSF 2017 |
Nông dân - doanh nghiệp đồng hành
Ea Súp, giáp giới với Campuchia, là huyện khó khăn nhất ở tỉnh Dak Lak và cả vùng Tây Nguyên. Bài toán phát triển kinh tế nông nghiệp, ổn định an sinh xã hội cho một vùng phên dậu đất nước không dễ có lời giải trong điều kiện vùng sâu vùng xa, khí hậu khắc nghiệt. Nhưng bước đột phá xảy ra khi dự án trồng ca cao của Cty Ca cao Intercontinental Coporation (CIC) thực hiện ở Ea Súp. CIC đã có quyết định táo bạo khi áp dụng "chiếc chìa khóa thần" là công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel, giúp tiết kiệm nước, giảm chi phí mà vẫn hiệu quả với cây trồng. Trang trại ca cao đầu tiên ra đời năm 2015, rộng 50ha.
Nông trại CIC từ trên cao |
Đây có lẽ là nông trang đầu tiên có quy mô lớn ở Việt Nam và nằm trong số rất ít trong ngành ca cao thế giới áp dụng 100% công nghệ, thiết bị tưới của Israel ngay từ khâu kiến thiết, tạo ra một "cuộc cách mạng" trong việc canh tác và chuyển đổi cây trồng ở Ea Súp, khiến nhiều chuyên gia nước ngoài cũng phải ngạc nhiên - theo Tiến sỹ Phạm Hồng Đức Phước, chuyên gia đầu ngành ở Việt Nam về ca cao.
CIC đang lắp đặt hệ thống thoát nước đồng bộ cho vườn ca cao |
Để mô hình thành công không chỉ là yếu tố công nghệ mà là cả sự đồng lòng của người dân địa phương. CIC xác định rõ nông dân là trọng tâm trong chiến lược phát triển tại đây. Công nghệ cao không chỉ được áp dụng tại trang trại tập trung của CIC, mà còn được áp dụng tại tất cả các nông hộ tham gia liên kết.
Kỹ sư Israel lắp đặt bộ điều khiển hệ thống tưới nhỏ giọt |
Chính vì vậy mà từ 50 ha trang trại tập trung đầu tiên, CIC đã mở rộng quy mô trang trại, và mở rộng liên kết với các hộ nông dân để đưa diện tích trồng cacao lên 200ha vào năm 2017. Trang trại tập trung của CIC là mô hình mẫu, là trung tâm dịch vụ, nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật tới nông dân và là điểm sơ chế tập trung, kết nối thị trường cho vùng trồng ca cao. Người nông dân tham gia liên kết có thể yên tâm rằng họ sẽ có đầu ra xuất khẩu cho những sản phẩm chất lượng cao, góp phần tăng thu nhập và ổn định cuộc sống.
Kỹ sư CIC chăm sóc những cây non ca cao và chuối sau 2 tháng trồng |
CIC đề ra mục tiêu trồng 1.000 ha ca cao tập trung và 3.000 ha liên kết với các nông hộ nhỏ, quy mô sản lượng lên 10.000 tấn. Áp dụng công nghệ tưới hiện đại của Israel đã được xác định là chìa khóa của công ty để mở ra giá trị của một vùng đất khắc nghiệt như Easup. Ông Đinh Hải Lâm, Tổng GĐ của CIC cho biết: “Ở Israel, nông nghiệp là lĩnh vực mà 95% là khoa học và chỉ 5% lao động”.
Đi tìm thương hiệu nông sản Việt
Nhiều doanh nghiệp như CIC đã rất hào hứng đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, nhất là khi chính phủ đã xác định đây là một thế mạnh của Việt Nam để hướng tới nền kinh tế bền vững. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Xây dựng Công nghiệp Nông nghiệp Việt Nam tại TPHCM tháng 12.2016 nói: Khi cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra quyết liệt trên toàn cầu, thì cùng với công nghệ thông tin và du lịch, nông nghiệp công nghệ cao là một trong ba thế mạnh của Việt Nam”.
Trái ca cao chuẩn bị đưa vào sơ chế |
Việt Nam vốn nổi tiếng với vị thế hàng đầu thế giới trong lĩnh vực nông sản hàng hóa (gạo, cà phê, tiêu, hạt điều, v.v…), tuy nhiên thương hiệu toàn cầu của người Việt lại vẫn còn rất khiêm tốn. Bà Trần Kim Yến, đại diện cho Quỹ đầu tư Việt Nam-Oman - cơ quan đại diện quản lý đầu tư của Quỹ Dự trữ Quốc gia Vương quốc Oman tại Việt nam chia sẻ: “Các quỹ đầu tư mong muốn tìm những cơ hội đầu tư vào các công ty Việt Nam trong lĩnh vực NN-CNC có khả năng theo suốt được chuỗi giá trị của nông sản - được gọi là “From Farm to Table” (từ nông trại tới bàn ăn) và có thể đưa được thương hiệu riêng của nông sản Việt Nam tới tay người tiêu dùngtrên nhiều thị trường xuất khẩu chứ không chỉ là bán sỉ tại của nông trại”.
Ông Phạm Anh Tuấn - Phó TGĐ CIC cho rằng, để doanh nghiệp Việt Nam thành công khi tham gia vào chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu, hướng đi NN-CNC trên nền tảng nông trại quy mô lớn là xu hướng tất yếu. “Nếu các doanh nghiệp Việt Nam không bắt nhịp từ thời điểm này, chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn trong cạnh tranh với các nước trong khu vực” - ông Tuấn nói.
Trong Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam diễn ra tại Hà Nội ngày 31.7, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn kiến nghị Chính phủ đề xuất Quốc hội sửa đổi bãi bỏ quy định về hạn điền trong Luật Đất đai. Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần giống cây trồng Thái Bình cho rằng, nông nghiệp là một trong những thành tựu lớn nhất sau 30 năm đổi mới của đất nước. Về vấn đề này, Thủ tướng cho rằng trong lúc chờ sửa quy định về hạn điền trong Luật Đất đai, một số địa phương ở miền Bắc như Hà Nam, Thái Bình, Hải Phòng… đã vận dụng rất thành công việc mở hạn điền với cách làm phù hợp.
http://baodautu.vn
Ý kiến của bạn