PAN - Nhà nông “phiêu bạt” trong giao dịch tài chính
Hoạt động kinh doanh của PAN Group tuy còn “phiêu lưu” trong các giao dịch tài chính, nhưng giới đầu tư vẫn kỳ vọng vào một gã khổng lồ của ngành nông nghiệp Việt Nam trong tương lai gần.
Công ty cổ phần Tập đoàn PAN (PAN Group, mã PAN, sàn HOSE) vừa công bố kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh quý IV và cả năm 2016. Theo đó, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp hợp nhất của Công ty đạt hơn 337 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt hơn 257 tỷ đồng, tăng trưởng tới 19,6% so với cùng kỳ. Với kết quả này, lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu của PAN đạt tới 2.538 đồng. Đây là một con số mơ ước đối với nhiều doanh nghiệp niêm yết khác.
Thực tế, trong năm 2016 vừa qua, ngoài hoạt động kinh doanh đem lại những con số cụ thể thì PAN đã làm được nhiều việc. Một trong số đó là hiện thực hóa việc nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (“room”) lên 100%. Giới đầu tư ví động thái này như một tín hiệu mở cửa gọi vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp. Tại thời điểm PAN thực hiện nới “room”, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị PAN Group tiết lộ, cổ đông hiện tại của PAN là những tổ chức tài chính lớn, có uy tín trên thế giới, họ có cùng mục tiêu đồng hành lâu dài xây dựng một công ty Việt Nam với những sản phẩm thương hiệu Việt.
Nhìn vào cơ cấu lợi nhuận, khoản đóng góp lớn nhất cho kết quả lợi nhuận của PAN trong năm 2016 là doanh thu từ hoạt động tài chính và lãi từ công ty liên kết. Theo đó, doanh thu hoạt động tài chính của PAN đạt hơn 181 tỷ đồng, tăng tới 44% so với năm 2015. Trong đó, khoản thu đáng kể nhất của PAN là 120 tỷ đồng lãi từ giao dịch chuyển nhượng vốn.
Việc PAN có những khoản thu lớn từ hoạt động tài chính không phải là chuyện lạ, bởi trong năm 2015, doanh thu từ hoạt động tài chính của PAN cũng không tồi với gần 126 tỷ đồng. Đây là một năng lực tốt của doanh nghiệp trong việc tối ưu hóa nguồn lực tài chính. Tuy nhiên, kỳ vọng lớn hơn mà nhà đầu tư đang đặt lên vai PAN là các khoản lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh nòng cốt là nông nghiệp. Trong khi đó, nếu chỉ xét riêng các hoạt động kinh doanh cơ bản, lợi nhuận gộp của PAN trong năm 2016 vẫn sụt giảm đôi chút so với năm ngoái, khi đạt gần 644 tỷ đồng (năm 2015 đạt xấp xỉ 677 tỷ đồng).
Thực chất, PAN vẫn tỏ ra khá linh hoạt trong các hoạt động giao dịch tài chính. Cuối năm 2016, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của doanh nghiệp này đã tăng gấp gần 100 lần so với thời điểm đầu năm.
Cụ thể, con số đầu năm mới chỉ khoảng 4,6 tỷ đồng, thì đến cuối năm các khoản đầu tư tài chính đã vọt lên tới gần 444 tỷ đồng.
Giới quan sát cho rằng, đây là điều không quá khó hiểu về mặt kinh doanh, bởi trong giai đoạn doanh nghiệp đang có những khoản tiền nhàn rỗi, thì việc tìm đến các kênh đầu tư tài chính ngắn hạn là phù hợp, nhằm tối ưu hóa hiệu quả sử dụng vốn. Đối với PAN, công ty này cũng tỏ ra khá dư dật về nguồn tiền trong năm 2016, dù đã đổ khá nhiều tiền cho đầu tư tài chính, nhưng tiền mặt trong két vẫn còn tới 557 tỷ đồng. Số tiền này vẫn khá thoải mái cho Công ty giải quyết các khoản chi phí thường xuyên.
Vì hoạt động kinh doanh của Công ty còn “phiêu bạt” nhiều trong những giao dịch tài chính, do vậy nhà đầu tư chưa thực sự yên tâm, bởi kỳ vọng của giới đầu tư đối với PAN là hình ảnh của một doanh nghiệp chuyên sâu với nông nghiệp là nòng cốt. Tuy nhiên, nếu nhìn bớt khắt khe hơn, thì trong giai đoạn dần trưởng thành để thực sự trở thành một thế lực tầm cỡ, chiến lược “lấy ngắn nuôi dài” của PAN cũng là một kế sách khôn ngoan.
Trong khi đó, những động thái gần đây cho thấy, đại gia này vẫn tỏ ra quyết tâm đầu tư chiều sâu vào nông nghiệp chất lượng cao. Ngay trong những ngày đầu Xuân Đinh Dậu, bà Trần Kim Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương Vinaseed (công ty con của PAN) cho biết, chiến lược phát triển từ nay đến năm 2025 của Vinaseed là tập trung đầu tư vào nông nghiệp và tỉnh Hà Nam là một trọng điểm thực hiện mục tiêu xây dựng một vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa giá trị kinh tế lớn, với quy mô 21,9 ha.
Đây là mô hình tích tụ ruộng đất của 307 hộ dân với thời gian thuê đất 20 năm, nhằm hình thành một vùng chuyên sản xuất rau quả xuất khẩu, ứng dụng công nghệ cao với suất đầu tư rẻ. Tổng đầu tư giai đoạn I là 75 tỷ đồng với 21 ha nhà kính. Dự kiến, đến tháng 5/2017, Công ty sẽ có những sản phẩm đầu tiên cung cấp ra thị trường với doanh thu đạt 4 tỷ đồng/ha. Trong giai đoạn II của Dự án, từ năm 2018 - 2020, Công ty sẽ đầu tư mở rộng quy mô trên 100 ha, với tổng vốn đầu tư 100 tỷ đồng bằng nguồn vốn tự có và vốn ngân hàng.
http://baodautu.vn
Ý kiến của bạn