Phận người hấp cá
Nằm nép mình bên hông chợ cá Hải Cảng, phường Hải Cảng (thành phố Quy Nhơn, Bình Định) có một nghề đặc biệt là hấp cá (người địa phương còn gọi là "kho cá").
Cảng cá Quy Nhơn là nơi tập kết của các tàu đánh bắt hải sản xa bờ. Đây cũng là nơi tiếp nhận, phân phối, tiêu thụ và sơ chế, bảo quản hải sản để cung ứng cho thị trường trong tỉnh và khu vực Tây Nguyên. Mỗi ngày nơi đây đón hàng trăm tàu thuyền của ngư dân vào bán sản phẩm và lấy nhiên liệu, lương thực ra khơi.
Hơn 1 giờ sáng, khi thành phố đã chìm vào giấc ngủ say, thì ở một góc nhỏ nơi cảng biển Quy Nhơn lại nhộn nhịp. Dưới ánh đèn cảng cá, những chiếc ghe lần lượt cập cảng và "đổ cá”. Những mẻ cá lớn cứ dồn xuống cảng, mang theo mùi tanh nồng đặc trưng.
Vậy mà có những con người suốt mấy chục năm qua, dù nắng hay mưa, đêm đêm vẫn miệt mài ra bến cảng đón những mẻ cá mới từ biển về, rồi chở về lò hấp ở góc chợ Hải Cảng, trước khi mang hàng đi khắp các chợ trong vùng và Tây Nguyên.
Nằm sâu trong con hẻm nhỏ bên hông chợ Hải Cảng, những lò hấp cá thường chỉ trong không gian chừng 30m2, chật ních cá cơm, cá nục, cá ngừ sọc dưa, mực... bên cạnh những nồi hấp lớn lửa đang cháy ngùn ngụt, nóng hầm hập.
Lò của bà Nguyễn Thị Chua (63 tuổi, nhà ở 9 Hàm Tử, phường Hải Cảng, thành phố Quy Nhơn) mùa cao điểm, có tới vài chục lao động. Ngồi giữa những thùng cá nục, sọt mực chất đống, những người phụ nữ vừa làm việc, vừa pha trò như không để ý gì đến mùi tanh xung quanh.
Cô Phạm Thị Thu Vân (53 tuổi, ở trong khu lò hấp), làm nghề hấp cá đã hơn 20 năm nay, vừa tiếp chuyện, vừa thoăn thoắt rạch những đường dao sắc lẹm dọc thân con cá nục: "Mới đầu vào làm khó chịu lắm! Nhưng mình dân biển, không làm thì lấy gì sống. Trước cũng có mấy người xin vào làm, nhưng được hai ba bữa là bỏ vì không chịu được mùi tanh. Đấy chú xem, cả khu không có thanh niên trai trẻ”.
Mùi tanh của cá đặc quánh trong không gian mấy chục mét vuông trong "chảo lửa" hừng hực, những người phụ nữ bị thứ mùi đặc trưng của cá biển "ướp" vào người không phải ngày một ngày hai mà suốt mấy chục năm. Có người ví nghề hấp cá cũng như "hấp người" vậy.
Vì tính chất nặng nhọc như vậy, công việc hấp cá vốn chỉ phù hợp với đàn ông có sức khỏe. Nhưng điều lạ lùng là ngày càng nhiều phụ nữ gắn bó với nghề này. Người trẻ nhất trong nghề hấp cá ở chợ Hải Cảng là chị Hương (ở phường Đống Đa). Tuy mới chỉ 26 tuổi nhưng chị cũng đã có 12 năm kinh nghiệm làm việc ở các lò hấp cá. "Gia đình khó khăn nên mới 14 tuổi, em đã phải nghỉ học đi làm phụ giúp gia đình. Thấy nghề hấp cá này tuy vất vả nhưng không yêu cầu cao, chỉ cần chịu khó, chịu khổ là làm được nên em vào làm. Riết rồi cũng hơn chục năm trôi qua...", chị nói.
Khi hỏi về việc chị làm như thế rồi chuyện chồng con thế nào thì chị ngậm ngùi: "Ngày nào đi làm về, em cũng tắm rửa sạch sẽ rồi xịt dầu thơm lên người rồi mới dám ra ngoài chơi. Nhưng cái mùi cá khắc nghiệt lắm, xịt dầu thơm vô lại thành cái mùi khó chịu hơn nữa. Thành ra, từng này tuổi rồi mà chưa có mảnh tình vắt vai!".
Ngồi lặng lẽ lọc những con cá nhỏ xếp vào rổ đem hấp ở gần đó, một phụ nữ trạc ngoại lục tuần từ đầu đến giờ không hề lên tiếng góp vui như những người khác. Thấy vậy, tôi có ý đến gần bắt chuyện thì cô tỏ ý không vui. Anh Lê Đức Sơn (50 tuổi), chủ lò cá bên cạnh, thấy thế khều tôi: "Cô Hai khó tính lắm. Chú mày đừng chọc vô bả...".
Rồi anh kể về cuộc đời cô cho tôi nghe: "Bả tên Mạnh, Võ Thị Mạnh, ngoài 60 rồi, độc thân. Bả lớn tuổi nhất nhì khu này, làm nghề cũng trên bốn mươi năm. Hồi trẻ, bả cũng đẹp nhưng mà...". Khi nghe anh kể hết câu chuyện về cô Hai Mạnh, tôi mới hiểu tại sao cô lại "khó” với tôi đến vậy.
Ba mẹ mất sớm, cô là chị cả trong gia đình 5 chị em gái, một mình lo cho 4 người em nhỏ dại. Cô đến với nghề hấp cá cũng vì miếng cơm manh áo cho các em, và cũng nhờ cái duyên mà cô gắn bó đến bây giờ. Cô gắn bó với cái nghề hấp cá này suốt cả thời thanh xuân, và mãi đến tận bây giờ, khi các em cô đều đã trưởng thành, cô vẫn gắn bó với nghề như không thể tìm ra lối thoát nào khác cho cuộc đời.
"Ê, biết gì mà nói xàm mày...", cô quay sang nạt anh Sơn, rồi quay sang tôi nói: "Vì cuộc sống cả thôi con ạ... Già rồi, trước cũng tính nghỉ nhưng nghỉ rồi thấy nhớ nghề lại đi làm lại. Thôi cứ làm, đến bao giờ ông trời kêu đi thì nghỉ. Cực quen rồi...". Lời tâm tình thốt ra có vẻ thảnh thơi nhưng người nghe như mắc nghẹn.
"Chú em đừng nghĩ làm nghề này nhiều tiền mà chúng tôi ham. Hoàn cảnh nó đưa đẩy thôi!", anh Sơn chia sẻ khi được hỏi về mức thu nhập khi gắn với cái nghề khó nhọc này. Anh cho biết, bình quân một thùng cá, sau khi hấp xong lời 15.000 đồng, trừ củi, muối, công thì còn 5.000 đồng.
Mọi thứ còn tuỳ vào nguồn cung của các tàu cá, cá nhiều thì hấp nhiều, cá ít thì hấp ít. Ngày nào cá nhiều, lò của anh hấp được khoảng 50 thùng, kiếm được khoảng 200 trăm ngàn đồng.
Tất cả số tiền anh chị gom góp được để dành nuôi hai đứa con lớn học đại học trong TP.HCM, hai đứa con học phổ thông. Nhiều khi không đủ phải vay mượn của anh chị em ở các lò bên.
Tôi hỏi anh sao không kiếm nghề nào khác mà làm, anh cười: "Trước kia tôi có đi ghe, cũng kiếm lắm chớ. Nhưng nghề làm ghe bấp bênh quá, thế là tôi vào bờ, cùng vợ mở lò hấp cá. Cực một chút nhưng cũng sống tạm được. Đời mình coi như xong, chủ yếu dồn hết cho mấy đứa con. Mong sau này nó khấm khá hơn mình".
Là một trong những vựa cá lớn, nên cảng cá Quy Nhơn là nơi mưu sinh của hàng trăm con người với những công việc khác nhau. Phần lớn họ đều là những người không nghề nghiệp, phải bán sức lao động để kiếm sống. Người khuân vác, rửa cá, gánh cá, phân loại cá...
Những con người làm nghề hấp cá ở góc chợ Hải Cảng đến với nghề vì cha truyền con nối thì ít, phần đông là vì cuộc sống đưa đẩy, hoàn cảnh thôi thúc rồi trở thành cái nghiệp. Như cô Hai Mạnh, ở cái tuổi lên chức bà, vẫn ngày ngày bám trụ ở lò cá dù cuộc sống không còn khó khăn như trước. Cô bảo: "Nghỉ rồi buồn lắm, nhớ cá, nhớ cái mùi tanh nồng không chịu được!".
Khi tôi vừa quen với mùi tanh nồng của cá, quen với chảo lửa nóng hừng hực, thì cũng là lúc trời chuyển về trưa, công việc cũng đã vãn vì cá hôm nay ít. Chia tay mọi người, chia tay lò hấp cá, ai đó nói với một câu: "Khi nào buồn đời thì xuống đây làm với tụi này cho vui!".
Ý kiến của bạn