Quốc gia khởi nghiệp “khởi” từ đâu?
Điều gì sẽ làm nên thế mạnh cho doanh nghiệp Việt Nam? Đâu là những yếu tố tạo nên sức mạnh cho cộng đồng doanh nghiệp trong tương lai?
Quốc gia nào cũng có những thế mạnh tự tại, điều mà ít doanh nghiệp nhận ra một cách đầy đủ, nếu họ cho rằng đó là vấn đề vĩ mô hay trừu tượng quá. “Quốc gia khởi nghiệp” như Do Thái đã bắt đầu từ tay trắng, với quyết tâm trở về miền đất hứa và sự hỗ trợ của cộng đồng Do Thái ở Mỹ. “Quốc gia khởi nghiệp” như nước Đức và Nhật sau Thế chiến thứ II, bắt đầu từ sự phản tỉnh sâu sắc, tri thức khoa học kỹ thuật cùng với trình độ văn hóa cao. Các quốc gia đó đã biết vận dụng những yếu tố để làm nên thế mạnh của cộng đồng doanh nghiệp.
Chúng ta nên tìm hiểu điều này trong bối cảnh Việt Nam.
Thế mạnh là gì?
Không hẳn thế mạnh là cái mà chỉ chúng ta có và người khác không có. Thế mạnh là sự thuận lợi, là cơ hội, là những điều kiện làm cho doanh nghiệp phát triển tốt, tiến tới bền vững. Thế mạnh là những yếu tố hỗ trợ doanh nghiệp tăng lợi thế cạnh tranh.
Do chúng ta gặp phải môi trường và những điểm yếu rất lớn, tương đối phổ cập nên chúng ta rất dễ mù mờ với những thế mạnh tự tại, thế mạnh đang hình thành và thế mạnh sẽ trở thành của tương lai.
Thế mạnh tự tại
Điều thứ nhất: Đất và nước và biển.
Đất nước ta thật sự có những điều kiện đất đai màu mỡ, hệ thống sông hồ trải đều khắp nơi.
Chúng ta có 3.260 cây số bờ biển xinh đẹp và những triển vọng rất lớn ở phía trước: du lịch, hàng hải, tiếp vận, kinh tế biển, đánh bắt và nuôi trồng hải sản. So với nước Lào thì rõ, một mét bờ biển họ cũng không có.
Chúng ta có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp cho nhiều loại cây trồng. Nông lâm nghiệp luôn là những thế mạnh tự tại rất quan trọng, đã nuôi dưỡng và gìn giữ không gian sinh sống của bao đời nay, và mãi mãi vẫn sẽ là như thế. Có thể nói, các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp để tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật và nhất là trong lĩnh vực chế biến sau thu hoạch để tăng giá trị, sẽ có thể thành công hơn cả Do Thái.
Điều thứ hai: Lực lượng lao động.
Hiện nay, với 69 triệu người trên 18 tuổi, chiếm hơn 73% dân số trong nước, là một lực lượng lao động vàng để xây dựng đất nước. Chưa kể khoảng 4 triệu kiều bào, trong đó khoảng nửa triệu người đã tốt nghiệp đại học và có nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp. Tháp tuổi thuận lợi cho việc phát triển lực lượng sản xuất, nếu việc đào tạo nghề tại trường học và tại doanh nghiệp được tổ chức bài bản hơn.
Thế mạnh này mà dừng lại ở mức gia công thôi thì có thể trở thành sức ỳ, gánh nặng không ngóc đầu lên nổi. Hơn lúc nào hết, xã hội phải cải cách giáo dục thật sự, đào tạo con người lao động có kỹ thuật, kỹ năng, kỷ luật và năng suất cao. “Quốc gia khởi nghiệp” đi từ những con người như thế, chứ không phải từ sự hô hào suông hay “nhà nhà khởi nghiệp, người người khởi nghiệp” mà lao vào chỗ chết.
Hàng trăm ngàn du học sinh cũng là một thế mạnh, nếu được định hướng tốt về cả ý thức và cấu trúc ngành nghề, và nếu không bị chảy máu chất xám (brain drain) theo nghĩa xấu nhất của cụm từ này.
Chim đôi khi sống xa tổ, nhưng vẫn có thể mang những cọng rơm về xây tổ. Chúng ta có 11 tỉ đô la Mỹ kiều hối trong năm vừa qua, thuộc Top 10 của thế giới về mặt kiều hối. Đây là lãi ròng mà chưa chắc toàn bộ kim ngạch xuất khẩu có thể đem lại lợi nhuận thực sự bằng con số của kiều hối.
Điều thứ 3: Thị trường trong nước.
Nước nào cũng có thế mạnh này vì tại chỗ là nhanh nhất, không phải vận chuyển và bảo quản nhiêu khê, phức tạp, mất thời gian và đội giá thành. Thị trường luôn được tạo nên bởi cung và cầu, bởi chất lượng sản phẩm, kênh phân phối và chính sách giá cả. Tận dụng được thế mạnh này thì các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phát triển thị trường ngay từ trong nhà mình, trước khi vươn xa ra biển lớn. Nhiều sản phẩm bán trong nước được giá hơn cả xuất khẩu đại trà, thí dụ gạo, hạt điều, cà phê, tiêu, hàng may mặc và giày dép, thủy hải sản… Tuy nhiên, cái khó là thị trường trong nước dễ bị bảo hòa và cung cao hơn cầu.
Các doanh nghiệp dịch vụ có một thị trường rất lớn ở trong nước: du lịch, y tế, nghĩ dưỡng, giáo dục và đào tạo nghề, bán lẻ, bảo hiểm, ngân hàng.
Điều thứ 4: Thị trường ngoài nước.
Hàng loạt FTA đã được ký. Việc gia nhập WTO và mới đây với AEC (Cộng đồng kinh tế ASEAN) và khả năng sớm triển khai TPP là sự kết nối, đan xen, hợp lực, cộng sinh rất quan trọng, tác động mạnh mẽ không chỉ trên lĩnh vực xuất khẩu. Lượng hàng hóa và dịch vụ đa dạng đã tăng lên đáng kể.
Hơn lúc nào hết, tầm nhìn và sự lãnh đạo dẫn dắt của những nhà hoạch định chính sách và bản lĩnh cũng như sự nhận thức, kiến thức chuyên môn của những nhà lãnh đạo doanh nghiệp sẽ là yếu tố quyết định cho sự hưng vong của nước nhà. |
Sự hợp tác quốc tế, đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) và thị trường chứng khoán cũng đã định hình. Chúng ta xuất khẩu nhiều nhất đi Mỹ, Nhật, Trung Quốc và Đức. Chúng ta nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore và Nhật. 6 nước này nằm trong “vòng tròn quan tâm” đặc biệt của doanh nghiệp Việt Nam.
Cho dù cơ cấu xuất nhập khẩu có nhiều vấn đề quan trọng: nhập siêu quá lớn trong buôn bán với Trung Quốc, thâm dụng tài nguyên quốc gia, thâm dụng lao động gia công, giá trị gia tăng thấp… nhưng hầu hết các quốc gia đều đi lên nhờ hướng về xuất khẩu và chuyển giao công nghệ (xuất khẩu không chỉ là bán hàng thu tiền!) như Đức, Nhật, Hà Lan, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc… Vì vậy, tổ chức xuất khẩu thông minh, tiếp cận và tiếp thu công nghệ mới và thâm nhập các thị trường ngách là ba lĩnh vực đáng quan tâm đối với doanh nghiệp
Việt Nam trong địa bàn xuất nhập khẩu, kết nối và giao thương quốc tế vốn vẫn còn nhiều dư địa.
Điều gì làm nên thế mạnh trong tương lai
Nói đến việc phát triển ở Việt Nam, Giáo sư Paul Krugman – người đoạt giải Nobel kinh tế 2008 đã nhấn mạnh ý giáo dục phải là quốc sách. Ông Philip Kotler, người được xem là cha đẻ của Marketing hiện đại thì cho rằng, Việt Nam có thể định vị mình thành nhà bếp của thế giới. Cựu Tổng giám đốc WTO và cũng là cựu Thủ tướng New Zealand là ông Mike Moore đã nói khi đến thăm Việt Nam: “Tôi muốn thành Bộ trưởng Du lịch của nước các bạn”.
Với bốn thế mạnh nêu trên, cùng với lòng yêu nước, cộng với quyết tâm làm giàu, sự thông minh và sáng tạo vốn có ở con người Việt Nam, chúng ta cần hiểu rõ bối cảnh kinh tế – thương mại và cả xã hội – chính trị của thế giới ngày nay, hiểu địa chính trị đặc biệt của Việt Nam, hiểu động lực then chốt là giáo dục, đào tạo nghề và nhất là vai trò cực kỳ quan trọng của khoa học, kỹ thuật và công nghệ.
Thế mạnh không còn là thế mạnh, nếu đi chệch hướng hay làm tiêu hao nội lực, khi chọn sai hoặc không có triết lý kinh doanh. Thế mạnh chỉ là thế mạnh khi các doanh nghiệp Việt Nam biết chung sức, biết liên kết và biết nắm bắt những tinh hoa của thế giới, nhất là bí quyết công nghệ, nền tảng khoa học kỹ thuật và gìn giữ đạo đức kinh doanh theo ý nghĩa đẹp nhất, đúng nhất của nó.
Theo Thesaigontimes
Ý kiến của bạn