Quyết định số 844/QĐ-TTg, ngày 18 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ
Quyết định số 844/QĐ-TTg, ngày 18 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ : Về việc phê duyệt Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025"
Nội dung Quyết định số 844/QĐ-TTg
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 844/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 18 tháng 05 năm 2016 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “HỖ TRỢ HỆ SINH THÁI KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO QUỐC GIA ĐẾN NĂM 2025”
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
Căn cứ Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01 tháng 11 năm 2012 của Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;
Căn cứ Nghị quyết số 19/2015/NQ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016;
Căn cứ Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa học và công nghệ;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (gọi tắt là Đề án) với những nội dung chính sau đây:
I. MỤC TIÊU ĐỀ ÁN
Tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.
Khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thiết lập được Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; hỗ trợ được 800 dự án, 200 doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó 50 doanh nghiệp gọi được vốn thành công từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng.
Đến năm 2025:
- Hỗ trợ phát triển 2.000 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo;
- Hỗ trợ phát triển 600 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo;
- 100 doanh nghiệp tham gia Đề án gọi được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng.
II. ĐỐI TƯỢNG HỖ TRỢ
1. Cá nhân, nhóm cá nhân có dự án khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Doanh nghiệp khởi nghiệp có thời gian hoạt động không quá 5 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.
2. Tổ chức cung cấp dịch vụ, cơ sở vật chất - kỹ thuật, đầu tư, truyền thông cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hoạt động hiệu quả, đáp ứng các tiêu chí sau:
a) Người đứng đầu có ít nhất 01 năm kinh nghiệm hoạt động tư vấn đầu tư, tài chính và hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp;
b) Tổ chức có ít nhất 01 năm hoạt động, cung cấp dịch vụ cho ít nhất 10 nhóm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và đã đầu tư hoặc gọi vốn đầu tư được ít nhất 01 tỷ đồng cho các nhóm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam;
c) Có quy trình hỗ trợ khởi nghiệp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thỏa thuận hợp tác với tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài về đầu tư, đào tạo, huấn luyện, tư vấn cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
III. CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỀ ÁN
1. Xây dựng Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia cung cấp thông tin về công nghệ, sáng chế, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, sở hữu trí tuệ; chính sách, pháp luật; nguồn nhân lực; nguồn đầu tư và giao dịch đầu tư; đối tác, khách hàng; sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới; tổ chức, cá nhân hỗ trợ; tin tức, sự kiện trong nước, quốc tế và các hoạt động khác hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
2. Xây dựng Khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các Bộ địa phương có tiềm năng phát triển hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó:
a) Hỗ trợ một phần kinh phí sửa chữa và áp dụng mức phí ưu đãi trong khai thác cơ sở hạ tầng (diện tích, không gian sẵn có) tại các địa điểm thuận lợi cho cung cấp dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ưu tiên khu vực gần các trường đại học, tổ chức kinh tế, tài chính;
b) Hỗ trợ kinh phí lắp đặt hạ tầng công nghệ thông tin và cung cấp dịch vụ Internet miễn phí trong Khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo;
c) Thu hút tư nhân đầu tư sửa chữa, trả phí khai thác cơ sở hạ tầng, lắp đặt trang thiết bị cần thiết và tổ chức quản lý, khai thác Khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; cung cấp các dịch vụ đào tạo, huấn luyện, tư vấn; kết nối đầu tư, khách hàng; cung cấp nguồn nhân lực, không gian làm việc, thiết bị dùng chung cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
3. Hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước về khoa học và công nghệ hằng năm để tổ chức sự kiện Ngày hội khởi nghiệp công nghệ quốc gia (TECHFEST) với quy mô quốc tế.
Các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo có tiềm năng phát triển hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hỗ trợ kinh phí cho việc thuê địa điểm, gian hàng, trưng bày, vận chuyển trang thiết bị, truyền thông cho các sự kiện, cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuộc các ngành, lĩnh vực, tại các địa phương, đơn vị cơ sở.
4. Tiếp tục triển khai Đề án Thương mại hóa công nghệ với quy mô dự án khoa học và công nghệ cấp quốc gia đến năm 2020 với các nội dung sau:
a) Xây dựng, phát triển mạng lưới các tổ chức thúc đẩy kinh doanh dựa trên việc lựa chọn, xây dựng năng lực cho một số cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiềm năng và đầu tư vốn ban đầu cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo;
b) Xây dựng mạng lưới nhà đầu tư cá nhân và mạng lưới quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
5. Phát triển hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực và dịch vụ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo:
a) Hỗ trợ một phần kinh phí mua bản quyền chương trình đào tạo, huấn luyện khởi nghiệp, chuyển giao, phổ biến giáo trình khởi nghiệp đã được nghiên cứu, thử nghiệm thành công trong nước, quốc tế cho một số cơ sở giáo dục, cơ sở ươm tạo và tổ chức thúc đẩy kinh doanh;
b) Hỗ trợ một phần kinh phí thuê chuyên gia trong nước, quốc tế để triển khai các khóa đào tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đào tạo huấn luyện viên khởi nghiệp, nhà đầu tư khởi nghiệp tại một số cơ sở giáo dục, cơ sở ươm tạo và tổ chức thúc đẩy kinh doanh;
c) Hỗ trợ một phần kinh phí cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trả tiền công lao động trực tiếp và sử dụng các dịch vụ: đào tạo, huấn luyện khởi nghiệp; marketing, quảng bá sản phẩm, dịch vụ; khai thác thông tin công nghệ, sáng chế; thanh toán, tài chính; đánh giá, định giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ; tư vấn pháp lý, sở hữu trí tuệ, đầu tư, thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ.
6. Phát triển cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo:
a) Hỗ trợ một phần kinh phí nâng cấp cơ sở vật chất - kỹ thuật của một số cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh, tổ chức cung cấp thiết bị dùng chung cho các nhóm khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; kinh phí tư vấn thành lập cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ; dự án hỗ trợ thành lập cơ sở và đầu mối ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ;
b) Hỗ trợ một phần kinh phí cung cấp không gian số, dịch vụ hỗ trợ trực tuyến; kinh phí sản xuất thử nghiệm, làm sản phẩm mẫu, hoàn thiện công nghệ cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
7. Hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng chương trình truyền thông về hoạt động khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ đầu tư cho khởi nghiệp và phổ biến, tuyên truyền các điển hình khởi nghiệp thành công của Việt Nam.
8. Hỗ trợ một phần kinh phí để kết nối các mạng lưới khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, đầu tư mạo hiểm của Việt Nam với khu vực và thế giới; kết nối và hỗ trợ một phần kinh phí để doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tham gia các khóa huấn luyện tập trung ngắn hạn tại một số tổ chức thúc đẩy kinh doanh uy tín ở nước ngoài.
9. Giới thiệu đối tác, nhà đầu tư, hỗ trợ thủ tục nhà đầu tư, doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước thông qua các đại diện khoa học và công nghệ, đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài tiếp cận thị trường nước ngoài.
10. Khuyến khích sử dụng các quỹ phát triển khoa học và công nghệ của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và của doanh nghiệp để tài trợ, hỗ trợ một phần kinh phí nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ, thử nghiệm thị trường, cho vay với lãi suất thấp hoặc không lấy lãi, góp vốn đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
11. Nghiên cứu, đề xuất ban hành mới, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật cần thiết để thúc đẩy môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo về:
a) Đăng ký thành lập, hoạt động của tổ chức, cá nhân đầu tư mạo hiểm;
b) Cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ ban đầu của Nhà nước và khuyến khích đầu tư tiếp theo cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân và cộng đồng xã hội;
c) Cơ chế hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp của các Bộ, ngành, địa phương có nhu cầu và tiềm lực phát triển hoạt động khởi nghiệp;
d) Cơ chế thuế, tài chính đặc thù đối với tổ chức và cá nhân có hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hoặc đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư, ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ;
đ) Cơ chế hỗ trợ thoái vốn của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài từ khoản đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Nguồn kinh phí thực hiện Đề án:
a) Ngân sách nhà nước dành cho khoa học và công nghệ cấp cho Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành, địa phương;
b) Kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp cho các Bộ, ngành, địa phương, cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo;
c) Kinh phí nhà nước cấp cho các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp;
d) Các nguồn tài chính hợp pháp khác của các tổ chức, cá nhân và các quỹ đầu tư trong nước, nước ngoài.
2. Nội dung và định mức hỗ trợ kinh phí nhà nước cho các hoạt động của Đề án áp dụng theo các quy định hiện hành về quản lý tài chính đối với Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020, Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ và tổ chức khoa học và công nghệ công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020, quy định về hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước và các quy định khác có liên quan.
Điều 2. Tổ chức thực hiện Đề án
1. Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm:
a) Thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Ban Điều hành Đề án thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ và quy trình xử lý hồ sơ tham gia Đề án;
b) Chủ trì xây dựng kế hoạch và triển khai các nội dung của Đề án;
c) Xây dựng hệ thống thông tin hỗ trợ quản lý Đề án; xây dựng và vận hành Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, Khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trực thuộc Bộ tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh và tổ chức Ngày hội khởi nghiệp công nghệ quốc gia;
d) Tổ chức lựa chọn các tổ chức, cá nhân phù hợp tham gia Đề án, bao gồm cả tổ chức có năng lực, kinh nghiệm trong hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo làm đơn vị quản lý thực hiện Đề án Thương mại hóa công nghệ theo quy định;
đ) Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức nghiên cứu, đề xuất ban hành mới, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật cần thiết để thúc đẩy môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo;
e) Chủ trì xây dựng kế hoạch, dự toán và bố trí kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ hằng năm, kinh phí từ các chương trình, quỹ, dự án đầu tư, dự án hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong nước và quốc tế có nội dung phù hợp để triển khai Đề án;
g) Tổ chức sơ kết và tổng kết tình hình thực hiện Đề án. Định kỳ hằng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình triển khai Đề án.
2. Bộ Tài chính:
a) Thống nhất với Bộ Khoa học và Công nghệ về nội dung và mức hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động theo quy định hiện hành;
b) Bố trí kinh phí sự nghiệp để thực hiện các nội dung của Đề án.
3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, dựa trên nhu cầu thực tế của lĩnh vực quản lý:
a) Xây dựng kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hằng năm và 5 năm trên cơ sở Đề án này;
b) Bảo đảm kinh phí để thực hiện các hoạt động của Đề án theo kế hoạch hằng năm và 5 năm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; tăng cường liên kết với các đơn vị tư nhân để triển khai các hoạt động hỗ trợ, đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
4. Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước nghiên cứu, đề xuất cơ chế cho phép góp vốn với tổ chức đầu tư khác thành lập quỹ, công ty quản lý quỹ để thực hiện hoạt động cho vay, đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
5. Các đơn vị, Bộ, ngành, địa phương có hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hằng năm có trách nhiệm báo cáo tình hình triển khai Đề án, kết quả và vấn đề phát sinh cần giải quyết cho Bộ Khoa học và Công nghệ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Điều 3. Điều khoản thi hành
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |
https://thuvienphapluat.vn
Ý kiến của bạn