Sinh viên Công nghệ Sài Gòn tìm cơ hội khởi nghiệp
Sáng 14/4, hơn 300 sinh viên trường Đại học Công nghệ Sài Gòn đã có cơ hội gặp gỡ và giao lưu với 4 diễn giả - doanh nhân gồm: bà Đinh Hà Duy Trinh - Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ Công nghệ Tin học HPT, ông Cao Tiến Vị - Tổng giám đốc Công ty Giấy Sài Gòn, ông Phan Công Chính - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Toàn cầu và ông Trần Ngọc Anh - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư ANH GROUP.
Đây là hoạt động nằm trong chuỗi giao lưu Doanh nhân - Sinh viên với chủ đề "Hành trang hội nhập" của Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can (GTTNLVC) 2016 do Báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức.
Khởi nghiệp “trên vai người khổng lồ”
Trước quan tâm của đông đảo sinh viên liên quan đến khởi nghiệp, doanh nhân Đinh Hà Trinh nhận định, dù đi làm thuê hay lập công ty riêng, đó đều là hành trình khởi nghiệp. Tuy nhiên, đối với những sinh viên đang nuôi dưỡng ước mơ làm chủ, bà khuyên các em nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ các nguồn lực bên ngoài. Bà lý giải: “Khởi nghiệp không đơn thuần chỉ cần khả năng chuyên môn của cá nhân bạn mà còn cần hội tụ nhiều yếu tố, đặc biệt là cần người đồng hành. Để hạn chế rủi ro, bạn cần phân chia công việc, mở rộng các mối quan hệ và lắng nghe kinh nghiệm từ các chuyên gia".
Đồng tình với bà Trinh, ông Phan Công Chính nhận định, đi làm thuê chính là một cách để các nhà khởi nghiệp tích lũy kinh nghiệm, tìm kiếm đồng đội và giảm thiểu nguy cơ thất bại khi thành lập doanh nghiệp sau này. Ông Chính chia sẻ, từng có nhiều năm tu nghiệp tại Đức trong lĩnh vực công nghệ thông tin và mong muốn khởi nghiệp tại quê nhà, nhưng khi trở về Việt Nam vào năm 2006, ông nhận ra kỹ năng chuyên môn chưa phải là yếu tố đủ để khởi nghiệp, mà điều ông cần là một êkip với những người giỏi trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
“Sai lầm của những người bắt đầu khởi nghiệp là tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người có chuyên môn giỏi trong cùng lĩnh vực với mình mà không tìm kiếm người tài ở những lĩnh vực khác. Chưa kể việc nhiều người am hiểu cùng chuyên môn lại dễ xảy ra bất đồng quan điểm trong quá trình làm việc", ông Chính phân tích.
Được xem là một trong những người dẫn đầu làn sóng khởi nghiệp từ cách đây 24 năm, doanh nhân Cao Tiến Vị nhìn nhận, cơ hội luôn có rất nhiều, điều quan trọng là nhà khởi nghiệp nên chuẩn bị kỹ càng để hạn chế rủi ro xuống mức thấp nhất.
Quyết định khởi nghiệp ngay sau khi ra trường, ông Trần Ngọc Anh ngay lập tức nhận ra những bất lợi mà một người học chuyên ngành công nghệ thông tin dễ dàng gặp phải. “Việc chưa chuẩn bị kỹ kiến thức về kinh doanh, quản lý khiến tôi mất 10 năm tìm hiểu lại từ đầu. Ngày nay, các bạn trẻ có nhiều cơ hội hơn, do đó nên cố gắng tích lũy kinh nghiệm tại các doanh nghiệp lớn để chuẩn bị hành trang khởi nghiệp được tốt hơn. Hãy khởi nghiệp trên vai người khổng lồ”, ông Anh khuyên các bạn trẻ.
Ở góc độ chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ tin học, bà Duy Trinh cũng khuyên sinh viên, đặc biệt sinh viên trong lĩnh vực công nghệ, nên phát huy thế mạnh của mình bằng việc liên tục cập nhật kiến thức cũng như xu hướng công nghệ đang thay đổi không ngừng.
Chia sẻ tại buổi giao lưu, bà Trinh cũng chỉ ra điểm yếu lớn nhất của sinh viên hiện nay là thiếu tự tin, thiếu khả năng trình bày ý tưởng, thuyết phục người khác. Bà khuyên sinh viên nên có tinh thần chịu khó, ham học hỏi trong công việc. “Dù có lợi thế tuổi trẻ nhưng các bạn cũng rất dễ nản lòng trước khó khăn, do đó chỉ cần kiên trì và đam mê thì khả năng thành công của bạn sẽ rất cao”, bà Trinh nói.
Yếu tố tạo nên nhà lãnh đạo thành công
Trả lời thắc mắc của đông đảo sinh viên về những yếu tố tạo nên nhà lãnh đạo thành công thời hội nhập, ông Vị cho biết, một nhà lãnh đạo cần có khả năng tập hợp được người khác, và chấp nhận hy sinh những lợi ích trước mắt. "Rất dễ nhận ra người có tố chất lãnh đạo trong đội ngũ nhân viên, đó sẽ là những người có tính chủ động cao, sẵn sàng dấn thân trong công việc và có tư duy tích cực", ông Vị chia sẻ.
Từ kinh nghiệm làm việc bản thân, bà Trinh cho hay, muốn làm tốt vị trí lãnh đạo, trước hết cần phải trải qua những công việc nhỏ nhặt nhất. Tiếp đến, nhà lãnh đạo phải là người có tinh thần trách nhiệm trước những khó khăn xảy ra trong công việc. Đồng thời, họ cần có khả năng thuyết phục và tập hợp mọi người. Cuối cùng, nhà lãnh đạo phải biết khai thác thế mạnh của nhân viên và giao đúng việc phù hợp với khả năng của họ.
Ông Chính bổ sung thêm các tố chất cần có ở người lãnh đạo: có tầm nhìn, chịu được áp lực, đồng thời đủ khả năng thực hiện mục tiêu mình đặt ra.
“Điều kiện tiên quyết để thành công là bạn phải trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình. Bên cạnh đó, cần có thái độ tích cực, và học cách ứng xử phù hợp để có thể ứng biến trước sự biến động của thị trường. Cuối cùng, phải luôn biết nắm bắt và tận dụng cơ hội”, doanh nhân Cao Tiến Vị đúc kết.
Ý kiến của bạn