Smartphone và cuộc đua "chống nước"
Sự trở lại của tính năng chống nước trong một số dòng smartphone cao cấp mới nhất cho thấy xu hướng "bơi lội" của smartphone vẫn thu hút người dùng.
Tại Mobile World Congress (MWC) 2016, trong những siêu phẩm công nghệ xuất sắc nhất có chiếc S7 Edge của Samsung. Lý do khiến S7 Edge "ghi điểm" là màn hình lớn, thiết kế đẹp, cảm giác siêu sang khi cầm trên tay và tất nhiên là cấu hình tối tân nhất hiện nay nữa. Việc Samsung khôi phục trở lại tính năng khe cắm thẻ nhớ và chống nước cũng là hai điểm cộng lớn. Trước đó, Sony cũng gây ấn tượng khi ra mắt smartphone và tablet tại MWC 2015 với hai mẫu Xperia Z4 Tablet và Xperia M4 Aqua được trang bị khả năng chống nước, chống bụi theo tiêu chuẩn IP68.
Nhiều người dùng rằng tính năng chống nước trên smartphone chỉ là một yếu tố phụ, không có vai trò quyết định trong việc lựa chọn máy. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chống thấm nước vẫn được coi là tính năng cao cấp hấp dẫn người dùng trước các smartphone mới ra mắt. Đây là một tính năng thiết thực được nhiều người dùng ưa chuộng khi chiếc smartphone gắn với họ trong mọi sinh hoạt hằng ngày cần có độ bền và thích ứng với nhiều điều kiện môi trường.
Các thương hiệu như Samsung, Sony, HTC và LG đều có các mẫu smartphone có tính năng chống nước với những quảng cáo như "đạt mức chống nước cao nhất" hay "hoàn toàn chống nước", thậm chí còn có hình ảnh người dùng cầm máy chụp ảnh khi đang lặn dưới nước. iPhone 6s dù không quảng cáo tính năng chống nước nhưng các thử nghiệm cho thấy, iPhone 6s và 6s Plus vẫn hoạt động bình thường sau khi ngâm nước một giờ. Còn theo đánh giá củaSquareTrade, bộ đôi smartphone mới nhất của Apple có tỷ lệ hư hỏng khi rơi xuống nước ở mức thấp.
Cho đến nay, các smartphone chống nước được đánh giá theo tiêu chuẩn IP do IETC (International Electro Technical Commision - Ủy ban Kỹ thuật điện tử Quốc tế) công bố. Cấp IP trên điện thoại bao gồm hai chữ số, chữ số thứ nhất là tiêu chuẩn chống bụi, chữ số thứ hai là chống lại sự xâm nhập của nước. chẳng hạn, chuẩn IP67 có thể nhúng trong nước ở độ sâu 1 mét trong thời gian 30 phút mà vẫn có thể hoạt động được bình thường. Smartphone chống nước Sony Xperia hay Samsung Galaxy đã sử dụng các miếng đệm cao su nhằm che kín khe cắm sạc, bảo vệ mạch điện và pin.
Những "kình ngư” Samsung Galaxy S7/Edge mới ra mắt tại thị trường Việt Nam tạo nên sự thu hút mới mẻ đối với người dùng. Trong đó, Samsung đã thay hoàn toàn chất liệu được dùng trong những cổng kết nối ngoại vi như lỗ cắm tai nghe và cổng sạc USB bằng chất liệu chống ăn mòn như kiềm và bạch kim, giúp cho các thành phần của máy có thể đương đầu với điều kiện thời tiết khắc nghiệt hơn. Thế hệ mới nhất của dòng Galaxy S được phát triển không chỉ nhằm bảo vệ các thành phần ngoại vi mà còn cả cấu trúc bên trong chiếc máy.
Trong "đường đua smartphone bơi lội" còn có những cái tên khác như HP Elite X3, Moto X Style, HP Elite X3. Tuy nhiên, bên cạnh những smart phone của thương hiệu lớn, ít ai biết đến cái tên như Kyocera. Thương hiệu đến từ Nhật Bản này đã tung ra hai smartphone Torque G02 và Digno Rafre có khả năng chống nước "siêu hạng". Về cơ bản, camera của Kyocera Torque G02 cũng có thể được sử dụng dưới nước và có các ứng dụng chuyên dụng cho các hoạt động ngoài trời như bơi lội, du lịch, leo núi...
Trong khi đó, Digno Rafre có khả năng chịu được cả xà bông với độ ăn mòn cao, nên người dùng không lo ngại thiết bị bị dơ hoặc hư hỏng khi làm bếp, giặt giũ hoặc tắm rửa. Màn hình của Rafre cũng có thể hoạt động tốt khi đang bị ướt. Vì vậy, Koycera có thể tạo nên một xu hướng chạy đua mới trong giới sản xuất smartphone nhằm tung ra các mẫu máy có tính năng chịu nước cao hơn các chuẩn IP hiện nay.
Dù thế nào, cảm giác gọi điện thoại dưới mưa cũng khiến cho bạn thích thú đấy chứ?
Ý kiến của bạn