Startup muốn thành công phải “đốt tiền”
Là người đã từng “tiêu” 100 cây vàng vào dự án startup của mình lúc bắt đầu, Ths Vũ Tuấn Anh khẳng định rằng: khi khởi nghiệp muốn thành công chắc chắn phải "đốt tiền".
Trong buổi nói chuyện tại Vườn ươm doanh nghiệp – trường ĐH Bách Khoa TP. HCM vào tối 22/8/2016, Ths Vũ Tuấn Anh đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm để giúp các bạn trẻ giảm thiểu số tiền đầu tư vào startup
Startup ở nước ngoài dễ hơn Việt Nam
Theo anh Tuấn Anh thì khi thiết kế một dự án startup, các bạn trẻ phải chuẩn bị nhiều phương án có thể kiếm tiền. Như khi khởi nghiệp với việc in ly, anh Tuấn Anh không chỉ in ly bán mà còn làm đại lý bán ly, mua ly để bán lại cho người khác. “Làm startup giống như xây một tòa nhà, mình phải chuẩn bị nhiều đường thoát. Nếu không thì lúc có người đến chặn con đường độc đạo, mình chỉ có nước chết”, anh nói.
Đừng nên đầu tư máy móc quá nhiều khi bắt đầu, vì theo anh, tiền để trong túi mua gì cũng được nhưng khi đã đầu tư trang thiết bị thì rất khó để kiếm lại số tiền ban đầu. Anh Tuấn Anh lấy ví dụ, khi muốn mở một quán ăn, thì khoan hãy mua nguyên liệu, mua chén bát, thuê mặt bằng... Cách tốt nhất là mua lại quán của một người khác rồi bán thử một thời gian, xem dự án của mình có khả thi không. Nếu có thì lúc đó mới nên đầu tư tiền để mở rộng buôn bán, còn nếu không thì ta chỉ mất một số tiền nhỏ để “kiểm tra” thị trường.
Anh Vũ Tuấn Anh giải đáp thắc mắc về khởi nghiệp
“Ý tưởng khởi nghiệp thì đầy rẫy, nhưng cái quan trọng là làm thế nào để biến nó thành hiện thực”, anh Tuấn Anh đặt vấn đề. Là một người đã thực hiện nhiều dự án startup, anh cho biết những khó khăn đối với người bắt đầu là nhiều vô kể. “Nghĩ thật lớn, thật dài; chia chúng thành những viên gạch nhỏ và hằng ngày xử lý từng viên gạch bé tí ấy”, anh nói.
Theo anh Vũ Tuấn Anh thì ở nước ngoài việc làm startup dễ hơn ở Việt Nam vì lực lượng lao động của họ chuyên nghiệp hơn ta. “Nhiều nhân viên ở nước ta vẫn còn thiếu tinh thần trách nhiệm. Nếu không được đôn đốc, nhắc nhở thường xuyên thì công việc làm quấy quả cho xong”, anh nói. Vì thực trạng đó nên anh Tuấn Anh đặc biệt lưu ý các founder phải nắm rõ quy trình công việc của công ty mình từ A đến Z. Chỉ có cách hiểu rõ từng hoạt động, từng ngóc ngách trong công việc thì mới hy vọng phát hiện những chỗ sai sót hay hướng dẫn cho nhân viên thực hiện tốt nhiệm vụ.
Giai đoạn tiền khởi nghiệp rất quan trọng
“Nhiều bạn trẻ khi startup chỉ quan tâm đến giai đoạn khởi nghiệp và hầu như bỏ quên giai đoạn “tiền khởi nghiệp”, trong khi đây là giai đoạn quan trọng, quyết định đến sự thành bại của dự án”, anh Tuấn Anh chia sẻ.
Giai đoạn tiền khởi nghiệp là thời gian để xây dựng nguồn lực, xem xét ý tưởng, tạo các kết nối. “Nếu như bạn khởi nghiệp trong lĩnh vực buôn bán quần áo thì bạn phải dành thời gian điều tra có bao nhiêu “ông lớn” trong ngành, hiểu tường tận những thông tin về các shop quần áo nổi tiếng, cách họ phân phối hàng hóa, cách họ tiếp cận khách hàng…Sau đó xem xét những ý tưởng nào thích hợp với dự án của mình để giữ lại”, anh nói.
Anh Vũ Tuấn Anh (hàng đầu, thứ ba từ trái sang) và khách mời
Do không suy nghĩ đến tất cả khả năng có thể xảy đến mà anh Tuấn Anh đã từng thất bại trong một dự án làm thiệp cưới. Anh thiết kế, chăm chút để cho ra đời những mẫu thiệp cưới rất đẹp, để hy vọng sau khi sử dụng, khách hàng sẽ tiếp tục quay lại ủng hộ. “Nhưng tôi quên mất rằng, người ta chỉ dùng thiệp cưới có một lần trong đời. Thế là dự án tiêu tan”, anh Tuấn Anh chia sẻ.
Anh cũng khuyên những người có ý định startup dành nhiều thời gian để tham gia các sự kiện hay những buổi giao lưu về khởi nghiệp, vì đây là nơi giúp bạn dễ dàng tìm kiếm được những người cùng chí hướng. “Dù chưa thật sự có một startup nhưng cứ in card, trên đó để số điện thoại liên lạc, ghi tên mình là founder của startup trong lĩnh vực nào đó, rồi đưa cho người khác. Càng nhiều người biết đến mình thì bạn càng có nhiều cơ hội tiết kiệm được tiền. Vì khi bạn khởi nghiệp thật sự, những người quen đó sẽ chỉ những chỗ tốt, chỗ rẻ để mua máy móc hay giới thiệu cho bạn những người am hiểu trong lĩnh vực khởi nghiệp mà bạn chọn", anh nói.
Theo anh Tuấn Anh, các bạn sinh viên năm hai, năm ba nên bắt đầu giai đoạn tiền khởi nghiệp là vừa. Vừa đi làm để tích lũy tiền vừa đi học hỏi, làm quen với những người khởi nghiệp khác. Giai đoạn 26, 27 tuổi thích hợp nhất cho các bạn để khởi nghiệp thật sự. Lúc đó bạn đã trưởng thành và cũng có những sự chuẩn bị tương đối cho dự án của mình rồi.
Ths Vũ Tuấn Anh: + Trưởng dự án Khởi nghiệp cộng đồng của Hoa Sen Group + Tác giả sách Khởi nghiệp ngay – Sạt nghiệp luôn + 20 năm kinh nghiệm trong khởi nghiệp, 25 năm kinh nghiệm trong điều hành và quản trị doanh nghiệp + Tốt nghiệp hai bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh + Quản trị chiến lược doanh nghiệp cho học bổng chính phủ Thụy Sỹ năm 1996 và Ngân hàng phát triển châu Á năm 2001. |
Theo khampha.vn
Ý kiến của bạn