Vì sao chân gà, lòng gà 40 năm tuổi vào Việt Nam?
(Bảo vệ người tiêu dùng) - "Thịt gà, thịt lợn đông lạnh giết mổ được 40 năm nhập về Việt Nam vẫn hợp pháp" - TS. Trần Duy Khanh, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam
(Bảo vệ người tiêu dùng) - "Thịt gà, thịt lợn đông lạnh giết mổ được 40 năm nhập về Việt Nam vẫn hợp pháp" - TS. Trần Duy Khanh, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam
- Tiến sĩ nói sự thật sốc chân gà, lòng lợn Việt Nam
- Thịt thối vẫn theo xe bus, xe máy đến từng nhà hàng
Tại Hội thảo “Rào cản đối với kinh doanh các đầu vào Nông nghiệp: Giống cây trồng, giống vật nuôi và máy nông nghiệp” hôm 12/1, TS. Trần Duy Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam đã thông tin về thực trạng những lô hàng tạm nhập - tái xuất thực phẩm đông lạnh không có hàng rào kỹ thuật khiến thực phẩm đông lạnh lâu năm vẫn hợp pháp vào Việt Nam.
TS. Trần Duy Khanh cho rằng, hiện nay, số hàng đông lạnh tạm nhập tái xuất ở Việt Nam vào khoảng 2,5- 3 triệu tấn.
Chân gà nướng, nội tạng gà có thể từ 40 năm trước. Ảnh minh họa |
Theo thống kê của Cục Chăn nuôi, năm 2015, nhập khẩu chính ngạch là hơn 124.000 tấn gà đông lạnh nhưng đó vẫn chỉ là con số rất nhỏ so với hàng đông lạnh tạm nhập tái xuất. Trong đó chủ yếu là đùi gà, cánh gà, mề gà và nội tạng lợn như lòng, tim, cật…Nguyên nhân chính là do hàng tạm nhập nhưng lại không xuất đi được, xâm nhập lại thị trường, lẫn lộn với hàng nhập chính ngạch để bán cho người dân với giá siêu rẻ.
Một trong những nguyên nhân khiến gà, nội tạng gà đông lạnh để suốt 40 năm vẫn được nhập khẩu hợp pháp vào Việt Nam là bởi quy định tiêu chuẩn kỹ thuật tức các quy định về chất lượng sản phẩm, hàm lượng dinh dưỡng của sản phẩm, hạn sử dụng, thời gian bảo quản... của Việt Nam còn rất yếu.
TS. Khanh cho biết thêm: "Gà, chân gà, cánh gà, lòng gà 10.000 đồng/kg, hay tim lợn chỉ có 10.000 đồng/kg và có niên hạn hơn 20 năm ở chợ Phùng Khoang toàn từ đây ra hết. Đây chắc chắn là hàng tạm nhập tái xuất bởi hàng của Trung Quốc cũng có giá cao hơn nhiều".
Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cũng tiết lộ về sự thực "gà dai Hàn Quốc".
"Bây giờ, ở Hà Nội đang có con gà quay không đầu béo mập có giá chỉ hơn 100.000 đồng/con được gọi là “gà dai Hàn Quốc”. Trong chuyên môn của chúng tôi cũng không có từ nào là từ 'gà dai'. Đây cũng chỉ là cách nói của mấy ông uống rượu. Nhưng thực ra đây là gà trứng thải loại của Hàn Quốc. Đầu tiên được nhập khẩu nguyên con, sau đó, chúng ta có ý kiến là cắt đầu" - vị TS tiết lộ.
TS. Khanh cũng cho rằng, cần xem xét lại phát ngôn của một vị lãnh đạo Chi cục Thú y TP khi nói, “'giống gà dai Hàn Quốc' có thể nhập khẩu vô tư và đã kiểm tra".
TS. Trần Duy Khanh khẳng định: đó là kiểm tra về an toàn vệ sinh còn chất lượng thịt gà như thế nào, hàm lượng dinh dưỡng có còn bao nhiêu hay không thì không biết. Ông cũng cho rằng, hàm lượng dinh dưỡng của gà này nhập về tới Việt Nam thì "chẳng ai ăn được".
Không những vậy, theo ông Khanh thì Tổng giám đốc Công ty Ba Huân còn gay gắt tuyên bố: “Tại sao Việt Nam lại dùng cái sản phẩm mà các nước dùng cho chó ăn”, nhưng không có ai ý kiến gì và vẫn nhập bình thường. Thực sự kiểm tra thì loại gà này vẫn an toàn dịch, nhưng chất lượng rất thịt rất thấp. Bên Trung Quốc, giá gà dọn chuồng này chỉ có 5.000 đồng/kg.
Trung Quốc: Sữa nhập khẩu phải có hạn sử dụng 3 ngày
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, các quốc gia láng giềng quy định chặt chẽ về sản phẩm nhập khẩu.
Úc có quy định, chỉ nhập gà đông lạnh nguyên con trong 6 tháng, gà cắt đùi cắt chân là 4 tháng còn riêng phụ phẩm 2 tháng và kiểm soát nghiêm ngặt quá trình này.
Trung Quốc cho phép tất cả sản phẩm sữa của bất kỳ quốc gia nào cũng được nhập khẩu về đây nhưng hạn sử dụng chỉ trong 3 ngày. Nếu cho hạn sử dụng ngắn như vậy thì sản phẩm trong nước mới có thể bán được, sữa nhập khẩu không thể cạnh tranh dù là sản phẩm sữa rất tốt như Úc, New Zealand.
Nội tạng gà đông lạnh nhiều năm bị cơ quan kiểm tra thu giữ. Ảnh: Zing |
Theo TS. Trần Duy Khanh, riêng lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm có 17 Nghị định và 111 Thông tư trong vòng 5 năm của Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương và Bộ Y tế. Điều này khiến quản lý thực phẩm vừa thiếu, vừa chồng chéo, đặc biệt là các quy định kiểm soát về hàng đông lạnh tạm nhập - tái xuất và chất lượng dinh dưỡng của các sản phẩm này.
Trước đó, từng chia sẻ với Đất Việt, TS. Trần Duy Khanh cho biết, rất dễ để một công ty được đăng ký tạm nhập tái xuất.
"Khi tôi hỏi về thực trạng các công ty tạm nhập - tái xuất tràn lan, phía Bộ Công thương trả lời, chỉ cần có 10 tỷ ký quỹ thì cho phép tạm nhập - tái xuất. Tôi chất vấn ngay hai đồng chí Cục phó Cục Hải quan, họ trả lời, họ cũng dựa vào các giấy phép để cho phép tạm nhập. Vậy tôi hỏi khi nào thì họ tái xuất, câu trả lời là "Không biết". Cơ chế này là thế nào đây?" - ông nói.
Để giải quyết trước mắt vấn đề này, ông Khanh đề nghị thanh kiểm tra các đơn vị tạm nhập trong 30 ngày thì phải xuất hết và kiểm tra nơi xuất của những lô hàng này. Yêu cầu khai báo với các cơ quan hải quan.
Đồng thời, theo ông Khanh, phải rà soát lại các cơ chế chính sách về tạm nhập- tái xuất và tăng cường kiểm tra. Nếu không thực hiện thì có các chế tài kiểm tra và xử phạt.
Nếu không hiểu gốc rễ của vấn đề là khâu kiểm soát hàng nhập thì cảnh sát, công an, chi cục thú y có bắt bao nhiêu cũng không hết thực phẩm bẩn.
http://baodatviet.vn/
Ý kiến của bạn