Việt Nam và Thụy Sĩ đẩy mạnh trao đổi kinh nghiệm về hoạt động nghị viện
TĐO - Sáng nay (29/3), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đón tiếp và hội đàm với Chủ tịch Thượng viện Liên bang Thụy Sỹ Ivo Bischofberger. Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động nghị viện, làm cơ sở phát triển quan hệ sâu rộng, thiết thực và hiệu quả trên mọi lĩnh vực...
TĐO - Sáng nay (29/3), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đón tiếp và hội đàm với Chủ tịch Thượng viện Liên bang Thụy Sỹ Ivo Bischofberger. Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động nghị viện, làm cơ sở phát triển quan hệ sâu rộng, thiết thực và hiệu quả trên mọi lĩnh vực...
Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Đoàn đại biểu cấp cao Hội đồng Nhà nước Liên bang Thụy Sĩ do Chủ tịch Thượng viện Ivo Bischofberger dẫn đầu đã đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức tại Việt Nam. Sáng nay, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đã chủ trì lễ đón và hội kiến với Chủ tịch Thượng viện Ivo Bischofberger.
Tại buổi tiếp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao mục đích, ý nghĩa chuyến thăm nhằm tăng cường hiệu quả và thực chất quan hệ hữu nghị giữa các Cơ quan lập pháp hai nước, góp phần quan trọng thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Thụy Sĩ. Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai nước tiếp tục trao đổi đoàn các cấp, tiếp tục hợp tác tại các diễn đàn quốc tế, đặc biệt tại Liên Hợp Quốc, ASEM... nhằm tăng cường sự hiểu biết, tin cậy về chính trị, tạo động lực thúc đẩy quan hệ giữa hai nước đi vào chiều sâu, ngày càng hiệu quả; mong muốn Thụy Sĩ ủng hộ Việt Nam ứng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020- 2021...
Về hợp tác kinh tế, Việt Nam mong muốn Thụy Sĩ tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp sang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực Thụy Sĩ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như: tài chính-ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ cao, công nghiệp chế tạo, dược phẩm, chế biến nông sản, du lịch, nhà hàng-khách sạn… Đồng thời mong muốn Thụy Sĩ tiếp tục ủng hộ các bên đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EFTA, hướng đến một hiệp định cân bằng, tiêu chuẩn cao, có tính đến lợi ích của nhau và sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa Việt Nam và các nước thành viên EFTA.
Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cảm ơn Nghị viện, Chính phủ và nhân dân Thụy Sĩ đã cam kết viện trợ 90 triệu USD vốn ODA cho Việt Nam giai đoạn 2017- 2020, Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai bên phối hợp chặt chẽ xây dựng các dự án để sử dụng nguồn ODA này một cách hiệu quả và kịp thời.
Chủ tịch Thượng viện Liên bang Thụy Sĩ Ivo Bischofberger hy vọng chuyến thăm sẽ góp phần tăng cường hiệu quả và thực chất quan hệ hữu nghị giữa các Cơ quan lập pháp hai nước, góp phần quan trọng thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Thụy Sĩ và Việt Nam.
Chủ tịch Thượng viện Ivo Bischofberger cho biết, Chính phủ Liên bang Thụy Sĩ rất quan tâm tới hợp tác song phương với Việt Nam. Thụy Sĩ luôn ủng hộ các bên tiếp tục đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EFTA, sau khi được ký kết, Hiệp định sẽ tạo hành lang pháp lý, mở ra cơ hội hợp tác đầu tư, trao đổi thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Ông Ivo Bischofberger khẳng định, Thụy Sĩ sẽ ủng hộ Việt Nam ứng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020- 2021 và mong muốn Việt Nam cũng Ủng hộ Thụy Sĩ làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2021-2022.
Chủ tịch Thượng viện Liên bang Thụy Sĩ thông tin thêm, hiện các doanh nghiệp Thụy Sĩ rất quan tâm đầu tư tại Việt Nam và mong rằng Việt Nam sẽ tạo môi trường đầu tư kinh doanh và khuôn khổ pháp lý thuận lợi.
Tại hội đàm, hai bên đã thông báo về tình hình của Quốc hội mỗi nước; tham vấn nhau về các chính sách kinh tế; trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Việt Nam đề nghị Thụy Sĩ hỗ trợ kỹ thuật trong công tác xây dựng pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Hai bên nhất trí trong thời gian tới phối hợp chặt chẽ trong lĩnh vực giáo dục- đào tạo, trong đó đầu tư vào đào tạo nghề có kết nối với các doanh nghiệp Thụy Sĩ đang đầu tư tại Việt Nam. Đồng thời hỗ trợ xây dựng hệ thống giáo dục chất lượng cao, gắn nghiên cứu khoa học- công nghệ với đào tạo tại các trường đại học và trung tâm nghiên cứu; tăng số học bổng và tạo điều kiện cho nhiều sinh viên Việt Nam sang nghiên cứu, học tập trong các ngành đào tạo nổi tiếng của Thụy Sĩ.
Hai bên nhất trí trong thời gian tới sẽ tăng cường hoạt động trao đổi Đoàn cấp cao, các Ủy ban, Nhóm Nghị sĩ hữu nghị nhằm tăng cường hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động nghị viện, làm cơ sở phát triển quan hệ sâu rộng, thiết thực và hiệu quả trên mọi lĩnh vực. Bên cạnh đó, tiếp tục hợp tác chặt chẽ trên các diễn đàn nghị viện đa phương như IPU, ASEP, APF...
http://thoidai.com.vn
Ý kiến của bạn