40 năm “buôn” trứng, Ba Huân xin cấp giấy xuất khẩu suốt 5 năm vẫn không xong
Nữ tướng của Công ty Ba Huân cho rằng nếu muốn giải thoát được cho nông dân chỉ có con đường xuất khẩu. Nhưng con đường này không dễ mở ra ngay cả với một doanh nghiệp lão làng như Ba Huân. Bài toán đầu ra vẫn là vấn đề cốt lõi đối với ngành nông nghiệp.
Tính đến cuối tháng 5/2017, dư nợ phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn đạt 1.148 nghìn tỷ đồng, chiếm 19% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong đó, riêng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch nhanh chóng tăng mạnh lên 32.339 tỷ đồng sau Nghị quyết 30/2017 của Chính phủ chỉ đạo về gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho lĩnh vực này.
Tuy nhiên, khi dòng vốn tín dụng đổ vào ngày càng nhiều, hiệu quả đầu tư lại càng phải được quan tâm. Đánh giá về lĩnh vực kinh doanh này, ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế nhận định nông nghiệp công nghệ cao là hướng phát triển nông nghiệp mới nên tiềm ẩn rủi ro khi triển khai dự án, thiếu thị trường ổn định và hiện cũng chưa có đủ công cụ cần thiết để phân biệt và bảo vệ sản phẩm.
Tại Hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư tín dụng nông nghiệp công nghệ cao” tổ chức mới đây, bài toán đầu ra cho sản phẩm được chuyên gia, doanh nghiệp và cả người làm ngân hàng đánh giá là vấn đề cốt lõi.
Công ty TNHH Ba Huân là một doanh nghiệp nông nghiệp đã có tới 40 năm sản xuất và kinh doanh trứng, ghi dấu thương hiệu trên thị trường và đồng thời cũng là đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho hàng ngàn nông dân. Nhận định vai trò quan trọng của thị trường quốc tế đối với việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhưng việc xuất khẩu theo Chủ tịch Công ty bà Phạm Thị Huân lại vô cùng khó khăn.
“Nếu muốn giải thoát được cho nông dân chỉ có con đường xuất khẩu. Nhưng Công ty làm giấy xuất khẩu trứng 5 năm nay không được dù luôn có sẵn nhiều đối tác nước ngoài đặt mua trứng muối của Ba Huân. Xuất khẩu qua các nước rất khó và gặp nhiều rào cản nên các doanh nghiệp mong muốn các Bộ ngành hỗ trợ tiếp cận thị trường quốc tế”, bà Huân cho hay.
Con đường xuất khẩu không dễ mở ra ngay cả với một doanh nghiệp lão làng như Ba Huân. Vị nữ tướng của Công ty cũng chia sẻ đã có các ngân hàng động viên Công ty phát triển thêm vùng nguyên liệu và sẵn sàng cấp thêm tín dụng. Tuy nhiên, bản thân Ba Huân khi quyết định đầu tư phải tính đến hiệu quả, bởi “nhận tín dụng thì sau đó phải lo trả gốc, lo lãi suất”.
Ông Lê Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ đồng thời là Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Kết nối xanh, cũng thẳng thẳn chỉ ra những doanh nghiệp vay hàng nghìn tỷ đầu tư nông nghiệp công nghệ cao mà không có thị trường sẽ là gánh nặng của ngân hàng, của doanh nghiệp và cả nhà đầu tư.
Kinh doanh trong lĩnh vực rau củ quả, nhưng sản phẩm mà Công ty ông Thành hướng tới lại là sản phẩm chế biến như nước đóng chai, nước ép cô đặc, hoa quả sấy khô,... Bởi theo ông, chi phí logistics hay rủi ro bảo quản đối với hoa quả tươi cao hơn nhiều việc "đóng chai" và vận chuyển hàng bằng container.
Vay 1.500 tỷ đồng để xây dựng nhà máy chế biến, sở dĩ Công ty tiếp cận được vốn tín dụng theo ông Thành cho biết là bởi Công ty đã tiến hành đàm phán với khách hàng, có hợp đồng, thị trường. Những khách hàng mà ông Thành hướng tới cũng là những nhà bán lẻ hàng đầu như Trader Joes’s, Lotter Mart,… nhờ đầu tư công nghệ đáp ứng được yêu cầu của đối tác. Ông cũng cho biết thị trường xuất khẩu mà Công ty lựa chọn gắn chặt và có những đơn hàng từ các tập đoàn lớn. “Thương lái, tiểu thương nhỏ lẻ sẽ phá nát chuỗi giá trị”, ông Thành nêu quan điểm.
Có một vấn đề liên quan trực tiếp đến thị trường mà ông Lê Thành chỉ ra đó chính là thông tin. Người nông dân và cả hệ thống bị mù thông tin thị trường. Theo ông Thành đây cũng là nguyên nhân khiến người nông dân tin theo thương lái đầu tư trồng nhưng sản phẩm nông nghiệp với mức giá bán ra được “hứa hẹn” cao vô lý nhằm bán cây giống cho người nông dân.
Đứng dưới góc độ người cho vay, ông Nguyễn Đức Hưởng, Chủ tịch HĐQT LienvietPostBank cũng nhận định đầu tư vào nông nghiệp dễ rủi ro. “Chuyện nhà nông loay hoay với bài toán đầu ra và bài học “được mùa, mất giá, bí đầu ra” đến nay vẫn là bài học nhãn tiền chưa có đáp án giải quyết triệt để”, ông Hưởng nhận định.
Nguyên nhân các nhà đầu tư nông nghiệp công nghệ cao đa số bị lỗ vì sản phẩm “vàng thau lẫn lộn”. Bản thân tâm lý người tiêu dùng chưa đủ niềm tin thế nào là sản phẩm sạch, thế nào là sản phẩm công nghệ cao, đủ để đánh đổi chi phí lớn khi người tiêu dùng cần bỏ ra để mua sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao.
Đầu ra cho sản phẩm là vấn đề cốt lõi và còn gặp nhiều vướng mắc. Chia sẻ tại Hội thảo này, đại diện Bộ Công Thương cho biết phát triển nông sản công nghệ cao phải gắn với thị trường: xác định dung lượng thị trường, nhu cầu thị trường,… “Chỉ khi nào tổ chức nông nghiệp theo quy mô lớn, gắn kết người sản xuất với chế biến, người tiêu thụ trong một chuỗi mới tạo ra giá trị cao”.
Đại diện Bộ cũng cho biết những năm qua, các Bộ ngành đã đẩy mạnh triển khai biện pháp thúc đẩy sản xuất, đàm phán mở cửa thị trường theo các Hiệp định, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, .
Để tiếp tục đẩy mạnh cung ứng, về công tác xây dựng chính sách pháp luật, Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ ngành để xây dựng chính sách tín dụng, đất đai, hạ tầng thương mại, sản xuất chế biến, bảo quản sau thu hoạch.
Thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết hệ thống thu mua phân phối và rà soát nghiên cứu chính sách trong lưu thông, phân phối, phát triển hạ tầng thương mại để hỗ trợ tối đa trong mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản đặc biệt nông sản công nghệ cao.
http://cafef.vn
Ý kiến của bạn