43.000 doanh nghiệp đang gặp khó
TĐO - Trong 7 tháng đầu năm nay, có 43.000 doanh nghiệp đang rất khó khăn, nhất là về tiếp cận vốn, thủ tục chính thức, đất đai, tín dụng.
Thông tin đáng chú ý này được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2017 vừa qua. Cụ thể, có 16.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh, trên 27.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc chờ giải thể, lần lượt tăng 16,2% và 24,5% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng tại phiên họp, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo với Chính phủ kết quả kiểm tra từ đầu năm tới hết tháng 7/2017. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao 13.137 nhiệm vụ cho các bộ ngành, địa phương, đã hoàn thành 7.044 nhiệm vụ, còn 6.093 nhiệm vụ chưa hoàn thành, trong đó có 2.367 nhiệm vụ quá hạn, chiếm 3,2%, tăng 0,4% so với tháng 6/2017.
Giải ngân vốn đầu tư công đạt 38,6% theo kế hoạch, tuy có tăng trưởng so với 30/6 nhưng chưa đáp ứng yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng. Kết thúc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2017, Chính phủ tiếp tục kiên định mục tiêu đạt tăng trưởng GDP đề ra cho năm nay là 6,7%, việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp lại càng đặt ra bức thiết.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá nhiệm vụ còn lại từ nay đến cuối năm hết sức nặng nề. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nhất quán thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng đạt kế hoạch; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, cập nhật kịch bản tăng trưởng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có đối sách rõ ràng hơn trong từng ngành, từng lĩnh vực.
Phải tăng cường kỷ luật kỷ cương, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu; chủ động nắm bắt tình hình để có có phương án, đối sách phù hợp; quyết tâm hành động, nói đi đôi với làm; tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra - Thủ tướng chỉ đạo.
Đối với các vấn đề phải quan tâm giải quyết, Thủ tướng nhấn mạnh quyết tâm xây dựng hệ thống hành chính kiến tạo, phục vụ; mọi hoạt động phải công khai, minh bạch gắn liền với công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc và tổ chức thực hiện. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu: "Hệ thống hành chính phải đi đầu, phải làm gương để tinh thần phục vụ nhân dân, phục vụ phát triển được đặt ra mạnh mẽ hơn, liên tục hơn và kịp thời hơn".
Cùng với đó là quyết liệt triển khai các giải pháp về xử lý nợ xấu. Tiếp tục thực hiện giảm lãi suất tín dụng cho vay đầu tư sản xuất, kinh doanh, nhất là cho vay đối với doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo, phù hợp với diễn biến lạm phát; có biện pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao.
Các bộ, ngành liên quan chủ động phối hợp chặt chẽ trong điều hành các chính sách tiền tệ, tài khóa, thương mại, đầu tư... Chỉ đạo chặt chẽ việc điều hành giá các mặt hàng thiết yếu, lưu ý không chủ quan trong điều hành giá mà phải tính toán khoa học, hợp lý, vừa không gây lạm phát, vừa thúc đẩy tăng trưởng.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý và điều hành tài chính, ngân sách Nhà nước; chống thất thu thuế, chuyển giá; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình và kết quả triển khai dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước 2017 và kế hoạch tài chính trung hạn 2016 - 2020.
Tập trung thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2017; xây dựng các giải pháp huy động, thúc đẩy giải ngân các nguồn vốn đầu tư tư nhân, vốn ODA và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Phấn đấu mục tiêu tỷ trọng tổng đầu tư toàn xã hội trên GDP đạt 34 - 35%. Có cơ chế chính sách thu hút vốn đầu tư tư nhân. Phát triển mạnh thị trường chứng khoán, đưa nhanh thị trường chứng khoán phái sinh vào hoạt động.
Tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là tháo gỡ các nút thắt, rào cản đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về phí và lệ phí cho phù hợp.
Sự quyết liệt của Chính phủ trong khẩn trương triển khai các giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng được thể hiện ngay tại phiên họp Chính phủ tháng 7/2017, khi Chính phủ thảo luận chuyên đề giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, cả chi phí chính thức và không chính thức do Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo.
Trong đó, có các giải pháp giảm chi phí đường bộ qua trạm BOT, giảm phí hạ tầng công cộng, khu vực cảng như báo cáo Bộ Tài chính đề xuất, giảm tỉ lệ lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành khi thông quan từ 30 - 35% xuống còn 15% khi xuất nhập khẩu.
“Hiện còn 5.719 thủ tục, giấy phép của các bộ ngành. Như vậy chúng ta còn số lượng rất lớn các thủ tục các bộ chuyên ngành kiểm tra tại cửa khẩu. Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng sẽ rà soát lại toàn bộ các thủ tục và giảm thủ tục. Có những bộ có tới 220 giấy phép, nhất là Bộ Công thương. Bộ ít nhất cũng còn 106 giấy phép là Bộ Xây dựng...", Bộ trưởng Dũng nói.
http://thoidai.com.vn
Ý kiến của bạn