5 điều nhà lãnh đạo nên làm khi thất bại
Từng tham gia điều hành tại nhiều công ty nổi tiếng như eBay (Giám đốc tài chính), LiveOps (Chủ tịch, CEO), Everwise (đồng sáng lập), Webb Investment Network (sáng lập), Yahoo!, Salesforce.com, Visa (HĐQT), ông Maynard Webb chứng kiến không ít nhà lãnh đạo mắc sai lầm.
Theo ông, có 2 cách "dọn dẹp" thất bại rất khác nhau trong giới lãnh đạo.
Một số người đưa ra lời biện minh cho sai lầm xảy ra, chẳng hạn: "Thị trường chưa sẵn sàng...", "Sản phẩm đó chưa sẵn sàng...". Vậy, ai đã chọn thị trường đó? Ai là người đồng ý phát triển sản phẩm?...
Số còn lại giải quyết thất bại bằng cách thừa nhận sai lầm và rút ra bài học từ chúng. Hơn thế, họ còn đứng lên chịu trách nhiệm cho mọi sai lầm, ngay cả khi đó không phải lỗi do họ trực tiếp gây ra.
Theo Maynard, cách làm thứ hai là cách duy nhất giúp nhà lãnh đạo đảm bảo thất bại sẽ không lặp lại lần nữa. Có nhiều kiểu thất bại mà họ phải đối mặt, từ tuyển dụng sai người, sản phẩm bị thị trường từ chối cho đến công ty phá sản. Dù vậy, khó khăn thật sự nằm ở cách họ đương đầu với những rắc rối trên.
Dưới đây là 5 điều nhà lãnh đạo nên làm khi đối mặt với thất bại, theo Forbes:
1. Dấn thân
Ngồi ở một nơi "tối tăm", chỉ biết vung tiền chữa cháy và chờ đợi phép màu xảy ra là nguyên nhân khiến nhiều nhà lãnh đạo lún sâu vào thất bại. Khi mọi việc trở nên tồi tệ, việc họ cần làm là bước ra ngoài ánh sáng, dấn thân vào công việc, và tìm cách xoay chuyển tình thế.
Nếu ý tưởng thất bại vì chưa đủ hay, hoặc chưa đủ lớn, hãy xây dựng lại kế hoạch và bắt đầu từ ý tưởng. Hãy tự hỏi bản thân cần làm gì nếu công ty phải cơ cấu lại mọi thứ? Cần làm gì để sản phẩm trở nên khác biệt, và thành công?
>> Học người Do Thái:"Muốn thành công, hãy chiến đấu với thất bại!"
2. Đối xử tôn trọng với người khác
Sau thất bại, nhà lãnh đạo nên đối xử với mọi người theo cách bạn muốn nhận được từ họ, đó là sự tôn trọng.
Việc đối xử tôn trọng với người khác sẽ giúp họ nhớ đến bạn. Hãy để họ cảm thấy bạn luôn tôn trọng họ hết mức có thể ngay cả khi biết trước tấm chân tình đó sẽ không được đền đáp.
Chưa kể, biết đâu sau này bạn sẽ lại gặp khó khăn trong công việc. Việc đối xử tốt với mọi người ngày hôm nay sẽ mở ra cơ hội hợp tác hữu ích cho hai bên trong tương lai.
3. Thường xuyên trao đổi thông tin
Việc thường xuyên trao đổi thông tin với mọi người là cách giúp nhà lãnh đạo tránh rơi vào thế bị động khi xảy ra chuyện. Hãy nêu cao tinh thần cảnh giác của mọi người trước những nguy cơ có thể xảy đến trong lúc mọi chuyện vẫn còn trong tầm kiểm soát.
4. Chăm sóc khách hàng
Khi công ty gặp thất bại, đừng "nghiền nát", phá hủy mọi thứ rồi bỏ mặc khách hàng như "đem con bỏ chợ". Nếu khách hàng vẫn còn đang sử dụng sản phẩm/dịch vụ, hãy giải thích tình hình để họ hiểu, sau đó cho họ một cái hẹn để kết thúc việc sử dụng sản phẩm/dịch vụ đó. (Công việc này nên cố gắng làm sớm, trong vòng 90 ngày).
5. Quan tâm nhân viên
Nếu công ty/bộ phận của bạn bị đóng cửa, nếu đủ khả năng, nhà lãnh đạo nên giúp đỡ nhân viên tìm công việc khác.
Quay lại vấn đề làm gì sau khi thất bại, đừng nghĩ thất bại là thứ gì đó tồi tệ. Hãy nhớ rằng, thất bại là một cách để đổi mới. Sự đổi mới dựa trên quá trình cố gắng, thất bại, rồi lại tiếp tục cố gắng.
Thomas Edison đã thất bại hàng trăm lần trước khi chế tạo thành công bóng đèn điện, thắp sáng cho toàn nhân loại. Huyền thoại bóng chày Babe Ruth cũng đã đánh trượt 1.330 lần trước khi có 714 cú đánh ghi điểm để đời trong sự nghiệp. Và Henry Ford từng phá sản 2 công ty trước khi ông tạo ra cuộc cách mạng công nghệ trong sản xuất hiện đại.
Thế giới cần những con người đủ dũng cảm để thất bại và không ngừng cố gắng.
http://www.doanhnhansaigon.vn
Ý kiến của bạn